Bamboo Airways bay thẳng đến Mỹ: “Yên tâm rằng bay sẽ không lỗ”
![]() |
Bà Lâm Thùy Dương, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
![]() |
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways |
Toạ đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" do Bamboo Airways tổ chức với sự phối hợp của Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam đang diễn ra tại Bamboo Airways Tower, 265 Cầu Giấy, Hà Nội.
Tham dự toạ đàm, về phía các cơ quan nhà nước có:
- Đại sứ Lê Công Phụng - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ.
- TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội
- Ông Lê Công Tiến - Phó Vụ Trưởng Vụ châu Mỹ, Phụ trách Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao
- Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế – Văn phòng Quốc hội
- Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
- TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao
Về phía các Hiệp hội và doanh nghiệp:
- TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
- TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam
- Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam
- TS. Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không
- GS.TSKH. Đỗ Nguyên Khoát - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam
- Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
- TS. Đỗ Tất Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cảng Hàng không sân bay Việt Nam
- Ông Andy J. Gayer - Trưởng Đại diện Boeing tại Việt Nam
Về phía Tập đoàn FLC và Hãng hàng không Bamboo Airways:
- Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways
- Bà Bùi Hải Huyền – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC
- Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways
- Ông Trương Phương Thành - Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways
- Ông Mai Đình Toàn - Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways
Bamboo Airways “nung nấu” kế hoạch chinh phục đường bay Việt- Mỹ từ ngày đầu gia nhập
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, trong thời gian gần đây thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng nhanh và đây là tín hiệu đáng mừng.
Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cũng đánh giá, nhìn một cách tổng quát, trong thời điểm hiện nay, môi trường kinh tế, chính trị và bầu không khí hòa bình, hữu nghị trên toàn thế giới đang khá thuận lợi cho phát triển vận tải hàng không, mặc dù đâu đó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ diễn biến khó lường.
![]() |
TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam |
Thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn đang tiếp tục phát triển, trong đó châu Á-Thái Bình Dương được Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) đánh giá là khu vực năng động với sự tăng trưởng cao nhất thế giới là 6 đến 7%/năm. Thị trường Vận tải hàng không Việt Nam có mức tăng trưởng gấp đôi khu vực, trong thập kỷ qua bình quân đạt hơn 16%/năm.
Theo ông Châu, hơn 30 năm đổi mới Nhà nước đã có sự đầu tư lớn cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam, mạng lưới cảng hàng không, sân bay được tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới với 10 Cảng hàng không quốc tế và 12 Cảng hàng không quốc nội.
Mới đây Quốc hội đã thông qua Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng số vốn đầu tư lên tới 16,3 tỷ USD; Hệ thống quản lý điều hành bay được hiện đại hóa ngang tầm khu vực và thế giới; Đội tàu bay với các hãng vận tải hàng không mới ra đời liên tục mua sắm hàng chục, hàng trăm máy bay mới, trong đó có nhiều máy bay thân rộng, bay đường dài hiện đại.
Việt Nam đã ký kết với các nước trên thế giới hàng chục hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư. Mối quan hệ Việt - Mỹ đang nồng ấm nhất từ trước đến nay; Mỹ đang là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam… Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với mức tăng trưởng bình quân 6,5 %/năm. Các ngành kinh tế như du lịch, xuất nhập khẩu, công, nông nghiệp, văn hóa, thể thao…tiếp tục phát triển không ngừng tạo nên nhu cầu đi lại bằng đường không ngày càng gia tăng.
Và đặc biệt, ngày 15/2/2019 Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam. Với chứng chỉ này, cánh cửa cho đường bay thẳng giữa hai nước đã mở rộng hơn bao giờ hết.
Gần đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hội Khoa học và công nghệ HKVN (VAAST), tại buổi làm việc này, ông Trịnh Văn Quyết đã đề nghị Hội VAAST phối hợp với Bamboo Airways để đồng tổ chức một cuộc Tọa đàm về đường bay thẳng Việt – Mỹ. Hai bên đã đồng ý đồng tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: “Mở đường bay Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh.”
Trước đó, ngay từ khi Bamboo Airways mới chỉ ký hợp đồng mua tàu bay, Chủ tịch FLC đã tỏ rõ khát vọng bay thẳng tới Mỹ với tàu bay thế hệ mới mà hãng sắp sở hữu. Điều đó cho thấy doanh nghiệp vận tải hàng không trẻ này đã “nung nấu” trong mình một kế hoạch chinh phục đường bay Việt- Mỹ ngay từ ngày đầu mới gia nhập hàng không, nhưng còn rất thận trọng xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng.
Cuộc tọa đàm này sẽ là diễn đàn để các quý vị đại biểu đàm luận một cách khách quan, khoa học, công khai và trách nhiệm về chủ đề mở đường bay Việt - Mỹ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao; các yếu tố về pháp lý, kỹ thuật, công nghệ, an toàn an ninh hàng không; hiệu quả kinh tế và các vấn đề liên quan khác khi mở, khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ.
“Chúng tôi cho rằng đó sẽ là những ý kiến quý báu dành cho những người tâm huyết tham khảo, cân nhắc trước lúc đưa ra quyết sách mở đường bay, mà Bamboo Airways là người tiên phong trong việc này”, ông Châu nói.
"Đánh giá rất cao nỗ lực của Bamboo Airways"
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước.
![]() |
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam |
“Ngay sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam - Mỹ được ký tháng 12/2003, các nhà hoạch định chiến lược của ngành hàng không Việt Nam đã phối hợp, xúc tiến xây dựng một kế hoạch khai thác các đường bay đến bờ Tây Mỹ. Có thể nói, thị trường vận tải hàng không đến Mỹ là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ năm 2017 đạt trên 700 nghìn lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm”, ông Võ Huy Cường nói.
Ông Cường cho bết thêm, để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ, ngành hàng không Việt Nam mà cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam từ nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng Mức 1 (Category 1) về Năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Mỹ (FAA) trên cơ sở FAA tổ chức đánh giá An toàn hàng không toàn cầu (IASA) đối với Cục Hàng không Việt Nam cũng như công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) tới Mỹ.
Theo ông Cường, việc khai thác, mở đường bay trực tiếp đến Mỹ sẽ tạo cho hãng hàng không Việt Nam khẳng định thương hiệu tầm quốc tế, nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt đóng góp rất lớn trong nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, tăng cường kết nối, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các cường quốc và các nước trên thế giới.
Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị trong ngành đều xác định sự cần thiết sớm đưa vào khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ dù biết còn rất nhiều việc cần phải làm ở phía trước.
“Cùng với nỗ lực của các hãng hàng không trong nước, chúng tôi cũng có một niềm tin mãnh liệt rằng đường bay thẳng Việt - Mỹ sẽ sớm được mở và chính thức đưa vào khai thác trong một thời gian không xa. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bamboo Airways”, ông Cường nói.
Ông Cường cho rằng, sự tham gia đầy đủ của đại diện từ Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Đại sứ quán Mỹ cùng các chuyên gia trong mọi lĩnh vực khoa học, kinh tế, du lịch, kỹ thuật trong lĩnh vực hàng không và ban lãnh đạo cấp cao của Bamboo Airways tại buổi tọa đàm đã phần nào thể hiện tinh thần quyết tâm, quyết liệt của hãng mở đường bay thẳng tới Mỹ như chính tên tiêu đề của Tọa đàm “Sẵn sàng cho ngày cất cánh”.
Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ
![]() |
Ông Trương Phương Thành - Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways |
Phát biểu tại toạ đàm, ông Trương Phương Thành - Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, hãng đã rất quan tâm đến việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ.
Theo đánh giá của Bamboo Airways, đây là một đường bay có nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng. Không chỉ là đường bay kết nối hai đất nước nằm ở hai châu lục, mà còn là đường bay kết nối hai nền kinh tế đang có rất nhiều tiềm năng hợp tác, khẳng định một bước tiến tốt đẹp trong quan hệ giữa chính trị, ngoại giao giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch.
“Chúng tôi không giấu kỳ vọng, Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ. Là một hãng hàng không tư nhân trẻ và năng động, được hậu thuẫn bởi một thị trường hàng không năng động bậc nhất thế giới, một Chính phủ đang khích lệ mạnh mẽ mở cửa bầu trời cho hàng không phát triển, chúng tôi tự tin rằng Bamboo Airways hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Thành nói.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết, ngay sau khi chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways cất cánh tháng 1/2019, Bamboo Airways đã bắt tay chuẩn bị cho đường bay nhiều thách thức này như tiến hành ký thỏa thuận đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, luật liên bang, tiểu bang của Mỹ…
"Tại cuộc tọa đàm này, với tinh thần quyết tâm cao và thái độ cầu thị, Bamboo Airways rất mong muốn thu nhận được từ các diễn giả và khách tham dự chia sẻ những ý kiến đóng góp, phân tích những giá trị mang lại từ đường bay thẳng Việt - Mỹ cho quốc gia, cho các lĩnh vực ngành nghề kinh tế của đất nước, cho con người Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp tháo gỡ được tất cả những nút thắt cùng Bamboo Airways thực thi được ước muốn của mình", ông Thành kết thúc bài phát biểu.
Bay thẳng Việt - Mỹ, "phát súng" trong sự bùng nổ của ngành hàng không Việt Nam
Phát biểu tại tọa đàm, bà Lâm Thùy Dương, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh mở cửa, hội nhập và Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về khu vực châu Á, triển vọng hợp tác kinh tế Việt – Mỹ đứng trước những cơ hội phát triển bền vững, thực chất, hiệu quả trong thời kỳ mới. Các yếu tố nêu trên là “điểm tựa” quan trọng để Bamboo Airways làm “người tiên phong” mở đường bay thẳng kết nối Việt Nam – Mỹ.
Đánh giá về hợp tác kinh tế Việt – Mỹ trong bối cảnh mới thuận lợi, bà Lâm Thùy Dương cho biết, quan hệ kinh tế Việt – Mỹ nói riêng và quan hệ song phương nói chung đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh tình hình mỗi nước cũng như khu vực và thế giới về cơ bản thuận lợi.
![]() |
Bà Lâm Thùy Dương, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Thứ nhất, Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược mạnh mẽ sang châu Á, trong khi Việt Nam với tiến trình hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đang trở thành một thành viên chủ chốt, có tiếng nói quan trọng trong khu vực và Việt Nam còn giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Quan hệ chính trị, đối ngoại Việt Nam – Mỹ đã chứng kiến những bước phát triển nhanh, vượt bậc cả về tầm mức và chiều sâu trong thời gian qua, với nhiều sự kiện mang ý nghĩa lịch sử như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo một nước ASEAN đầu tiên thăm chính thức Mỹ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức; Tổng thống Trump là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam 2 lần trong một nhiệm kỳ… Điều này nền tảng và động lực của quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Thứ hai, kinh tế Mỹ và Việt Nam đều trong thời kỳ tăng trưởng khá. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,2% năm 2018, trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1% cùng năm. Hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ có tính bổ trợ cho nhau. Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày… thì Mỹ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến các dự án đầu tư năng lượng hay các hợp đồng mua máy bay...
Thứ ba, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù tạo ra không ít thách thức kinh tế, song cũng góp phần tạo nên động lực mới cho quan hệ kinh tế Việt Nam – Mỹ. Ngày càng nhiều công ty lớn của Mỹ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng đầu tư, xuất khẩu vào Mỹ thay thế “khoảng trống” mà doanh nghiệp Trung Quốc để lại, trong bối cảnh FDI của Trung Quốc vào Mỹ đạt đỉnh 46,5 tỷ USD vào năm 2016, nhưng đã giảm gần 90% xuống chỉ còn 5,4 tỷ USD vào năm 2018.
Từ tình hình và bối cảnh hợp tác kinh tế Việt Nam – Mỹ nêu trên, bà Dương đánh giá, việc mở đường bay thẳng nối hai quốc gia có triển vọng phát triển mạnh mẽ. Hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, kết nối con người trên đà phát triển mạnh sẽ làm gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trực tiếp giữa hai nước.
Ngoài hợp tác kinh tế và du lịch, một “điểm tựa” nữa cho đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ là lượng khách đi máy bay là Việt kiều và du học sinh dự kiến sẽ tăng nhanh. Số liệu năm 2017 ghi nhận, có đến hơn 1,3 triệu người Việt cư trú tại Mỹ, chiếm 3% trên tổng số 44,5 triệu người nhập cư và trở thành nhóm dân ngoại quốc lớn thứ 6 trong toàn nước Mỹ.
Bên cạnh đó, đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ còn có nhiều cơ hội thành công bởi ra đời trong thời kỳ thị trường hàng không Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ. “Việc mở đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ đang trong điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và có triển vọng phát triển tốt đẹp. Gần đây, các chuyên gia Mỹ cũng đánh giá rằng chuyến bay thẳng Việt Nam – Mỹ sẽ mở ra một thị trường mới cho các hãng hàng không dân dụng của Việt Nam”, bà Dương nói.
Bà Dương cho biết thêm: “Việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ được các chuyên gia trong ngành gọi là “một phát súng trong sự bùng nổ của ngành hàng không Việt Nam” trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với tư cách là “người tiên phong”, Bamboo Airways cũng sẽ phải vượt qua không ít thách thức, áp lực từ việc đầu tư máy bay hiện đại, nâng cấp dịch vụ…”.
"Với nỗ lực của Bamboo Airways và toàn ngành hàng không, việc duy trì chứng nhận CAT1 chắc chắn sẽ được lâu dài"
![]() |
Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam |
Trong phiên 1 toạ đàm với chủ đề “Bay thẳng Việt – Mỹ mở ra những cơ hội lớn”, ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) rất quan trọng, là cả một quá trình lâu dài. Năm 2003 sau khi ký Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam – Mỹ, chúng ta còn tự tin rằng sẽ sớm đạt được chứng chỉ chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không nhưng sau đó mới biết cần nhiều yếu tố.
Năm 2012, chúng tôi đã chính thức xây dựng năng lực để vượt qua tiêu chuẩn chung của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Cục hàng không Mỹ. Năm 2016, nhờ sự hỗ trợ từ phía Mỹ, các vấn đề về năng lực giám sát an toàn hàng không của Việt Nam được phát hiện và khắc phục. Thời kỳ đó, các hãng hàng không tất cả đều hướng tới nỗ lực chung là uy tín, chất lượng quốc gia.
Tuy nhiên, để đạt được CAT1 đã khó mà duy trì còn khó hơn. Hãng hàng không Bamboo Airways tuy còn non trẻ nhưng tham gia từ tháng 1/2019 đến nay là hơn 6 tháng và chưa có vấn đề gì để báo chí nêu và tỷ lệ bay đúng giờ cũng cao nhất, Bamboo Airways đã chuẩn bị cho bước cao hơn là bay thẳng đến Mỹ.
Với sự nỗ lực của Bamboo Airways và toàn ngành hàng không, việc duy trì chứng nhận CAT1 chắc chắn sẽ được lâu dài. Cuối năm nay, Cục hàng không liên bang Mỹ cũng sẽ quay lại đánh giá.
Có được CAT1 sẽ giúp hàng không Việt Nam nâng cao uy tín
GS.TSKH. Đỗ Nguyên Khoát – Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng việc hàng không Việt nhận được chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức CAT1 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là điều kiện tiên quyết cho phép các hãng hàng không Việt Nam bay thẳng tới Mỹ.
Ông cũng tỏ ra vui mừng khi thời điểm hàng không Việt Nam nhận được chứng chỉ CAT1 xảy ra vào đúng lúc thị trường hàng không đang tăng trưởng.
![]() |
GS.TSKH. Đỗ Nguyên Khoát – Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam |
“Tôi nghĩ có được CAT1 sẽ giúp hàng không Việt Nam nâng cao hình ảnh, uy tín và có điều kiện mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh”, GS. Khoát nói.
“Có được CAT1 chúng ta sẽ có điều kiện mở rộng hợp tác trong tâm thế vững vàng, tự tin. Đồng thời, có CAT1 khi đàm phán, liên doanh liên kết với các hãng hàng không cũng sẽ dễ dàng thương lượng hơn. CAT1 cũng giúp các hãng hàng không có điều kiện mở rộng đầu tư, khách hàng sẽ tin tưởng lực chọn các hãng hàng không Việt Nam. Trước đây có thể lưỡng lự xem xét nhưng khi có CAT1 khách hàng sẽ tin tưởng lực chọn các hãng hàng không Việt Nam”, GS. Khoát nói thêm.
Bamboo Airways mở đường bay sang Mỹ, nhiều cơ hội mở ra
Việc đạt được chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức CAT 1 nhìn từ góc độ chính trị ngoại giao, Đại sứ Lê Công Phụng - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ cho biết, ông rất mừng được nghe báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Tôi có thể thấy chúng ta đang hừng hực khí thế mở đường bay đi Mỹ. Người ta cho mình CAT1 nhưng có thể rút bớt bất kỳ lúc nào. Chúng ta đã suy nghĩ lâu và cần suy nghĩ tiếp”, ông nói.
![]() |
Đại sứ Lê Công Phụng - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ |
Ông Phụng cho biết thêm, nếu tính đến bây giờ là bốn đời Tổng thống Mỹ đều thể hiện quyết tâm thúc đẩy quan hệ Mỹ – Việt Nam. Ông Clinton đã có bước đi mạnh bạo, bình thường hoá quan hệ Việt Nam từ năm 1995, hẳn ông đã rất quyết tâm. Ông Bush có duyên nợ với Việt Nam, ông ra quyết định xoay trục về châu Á, ông sang Việt Nam khi gần hết nhiệm kỳ. Ông nói rằng Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy cùng với Indonesia, Singapore.
Dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt Nam – Mỹ tại Washington, hàng chục nghị sỹ Dân chủ Cộng hòa đều đến. Họ từng nói nghị sỹ hai đảng khác nhau nhiều lắm, trừ việc có chung mục tiêu là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Đến thời Obama, ông đã làm rất nhiều việc cho Việt Nam. Ông là người khẳng định về quyết tâm của ông Bush, ông coi Việt Nam là đối tác quan trọng của Đông Nam Á và thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ.
Đến ông Trump, nhiều người hẳn hoang mang. Tổng thống Trump khá đặc biệt, đây là Tổng thống đầu tiên của Mỹ sang thăm Việt Nam khi vừa nhậm chức, ông Trump đã sang Việt Nam 2 lần.
"Tôi cho rằng tháng 2/2019, Mỹ cấp cho mình khi coi quan hệ Việt – Mỹ đã chín muồi, quan hệ hai nước phát triển đến mức hai bên đều cùng có lợi. Nếu Bamboo Airways mở được đường bay sang Mỹ là rất dũng cảm và đáp ứng được mong muốn của người dân Việt Nam.Mặc dù lượng Việt kiều của Việt Nam không đông nhưng mở được đường bay sang Mỹ thì sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam", ông Phụng nói.
Bay thẳng Việt - Mỹ diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ
TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao cho rằng, việc chúng ta đặt vấn đề bay thẳng Việt – Mỹ diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ, nhu cầu giao thương, đi lại rất sôi động, đặc biệt Việt Nam nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một đối tác kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trong khu vực này. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quan hệ Việt – Mỹ đang nồng ấm cũng là một trong các đặc điểm của bối cảnh thời điểm này.
![]() |
TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao |
Trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện Việt - Mỹ đang có nhiều điểm tích cực, Việt Nam cũng chính là thị trường tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của Mỹ và là nước dẫn đầu về lượng du học sinh tại Mỹ trong số các nước ASEAN.
Ông Tĩnh cũng cho rằng, thị trường hàng không Việt - Mỹ được cân nhắc trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam cũng là thành viên của 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngoài ra, cộng đồng Mỹ và ASEAN cũng đã có kế hoạch kết nối tổng thể đến năm 2025 trong đó có nhiều lĩnh vực về cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông.
Với nỗ lực của Bamboo Airways, hy vọng Việt Nam sẽ là quốc gia thứ hai trong ASEAN có đường bay thẳng đến Mỹ
Trong ASEAN chỉ mới có Singapore có đường bay thẳng đến Mỹ. Và với sự nỗ lực hiện tại của hàng không Việt Nam đặc biệt Bamboo Airways, hy vọng Việt Nam sẽ là quốc gia thứ hai có đường bay thẳng đến Mỹ. Từ góc độ của một người nhiều năm quan sát hoạt động của ngành hàng không trong khu vực ASEAN, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã có những chia sẻ về hoạt động của thị trường hàng không trong khu vực.
![]() |
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN |
Cụ thể, theo ông Thành, việc Việt Nam nhận CAT1 là bước mới nhất trong mạch nhất quán từ trước đến nay. Việt Nam là "ngôi sao đang lên" trong khu vực ASEAN.
Giải thích về việc vì sao Việt Nam là ngôi sao đang lên, ông Thành cho biết, qua nhiều năm quan sát, nhiều doanh nghiệp thế giới đã hỏi về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên đầu tư theo thứ tự VIP (Việt Nam – Indonesia – Philippines), Việt Nam đứng đầu trong ba nước. Cơ hội kinh doanh tại Việt Nam cho nhà đầu tư đang rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, không chỉ Việt Nam là "ngôi sao" của ASEAN mà ASEAN cũng là ngôi sao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi cũng mới công bố nghiên cứu về tầm quan trọng của ASEAN với Mỹ. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ. Quan trọng hơn mỗi năm có khoảng 4 triệu người Mỹ đến ASEAN, trong khi ASEAN có khoảng 1,2-1,3 triệu người đến Mỹ”, ông Thành cho biết.
Nhìn từ thị trường hàng không, mới chỉ có Singapore có đường bay thẳng đến Mỹ. Mới đây, Việt Nam đã được phép bay thẳng sang Mỹ, vấn đề đặt ra là Việt Nam phải làm thế nào.
“Thực tế, hiện nay nếu muốn bay từ Việt Nam sang Mỹ phải mất 15 tiếng, mà bay hạng Economy rất mệt, nên phải có một dịch vụ ít thời gian hơn và thoải mái hơn, mà thoải mái thì phải đắt hơn. Do đó, phải chú trọng đến phân khúc khách hàng business, khách du lịch”, ông Thành nói.
Bay thẳng Việt - Mỹ: Bài toán giá vé và lợi nhuận
Tại toạ đàm, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đặt vấn đề: "Tại sao Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ? Rất nhiều người cho là Bamboo mở đường bay đi Mỹ thì không khả thi, thậm chí là có phần “chém gió”. Chưa kể, tôi cũng là một người gây tốn nhiều giấy bút của các nhà báo và người dùng mạng xã hội, đặc biệt là nhiều người lại rất quan tâm về các tin thất thiệt".
"Tôi là người nói nhiều, nhưng làm còn nhiều hơn. Những gì Bamboo Airways làm được trong thời gian qua có thể nói là ấn tượng: bay đúng giờ nhất, bay an toàn nhất, tỷ lệ lấp đầy trên dưới 90%. Nói về kinh doanh hàng không, tôi rất thích ở chỗ số liệu rất chuẩn xác và được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng. Tỷ lệ đúng giờ trên dưới 95% là hoàn toàn chính xác, con số chính xác đến từng 0,01%. Hay việc đón vị khách thứ 1 triệu", ông Quyết nói.
![]() |
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways |
Dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu, Singapore trên dưới 6 triệu. Và hãng hàng không Singapore Airlines thì đang đi kiếm khách trên khắp thế giới này, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, nguyên số người gốc Việt ở Mỹ đã bằng nửa dân số Singapore... Chính vì vậy, không có lý do gì nói rằng thị trường Mỹ không có tiềm năng.
Về số liệu chi phí cho một chuyến bay đi Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn FLC đề cập một vài ước tính sơ bộ để các diễn giả và khách mời dự toạ đàm "yên tâm rằng bay sẽ không lỗ".
Ông Trịnh Văn Quyết nói: "Giả sử Bamboo phải thuê 1 tàu bay 787, nếu thuê tàu bay khoảng 1 triệu USD/tháng khoảng 23 tỷ đồng, khoảng 61 tỷ chi phí nguyên tiền xăng dầu cho 1 tháng. 1 tháng bay được 17 ngày, mỗi chuyến bay thông thường 15 tiếng, nếu bay vào mùa đông khoảng tháng 12, tháng 1 ngược gió thành 17 tiếng. Chi phí kỹ thuật 16 tỷ, chi phí dịch vụ mặt đất 1 tỷ, chi phí khác 6 tỷ...
Về thu, nếu giả sử bán vé 1.100 USD, sẽ thu về trên 240 khách. Tuy máy bay 787-9 có 310 ghế, song chúng tôi sẽ phải giảm đi để có thêm ghế hạng C. Trung bình 240 ghế x 1.100 USD cả chiều đi chiều về, số tiền thu về ước khoảng 116 tỷ 300 triệu đồng. Số lỗ khoảng 14 tỷ. Thế nhưng nếu bán vé tăng lên mức 1.300 USD cho khứ hồi, số lãi rơi vào 8,4 tỷ. Như vậy nó hoàn toàn phụ thuộc vào giá vé.
Giai đoạn đầu có thể khuyến mại, nhưng khi ổn định, tin tưởng rồi, bay an toàn, đúng giờ, sự chuyên nghiệp của phi công, tiếp viên..., chúng tôi có thể nhích lên, nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn nhiều nếu so với giá vé bay Mỹ của Japan Airlines 1.600 USD, hay Cathays trên dưới 1.300 USD...
Dĩ nhiên cũng có rủi ro, là nếu trừ tất cả các loại chi phí nhưng nếu không đủ số hành khách trung bình là 240 khách.
Như vậy, tiềm năng, cơ hội, thực tế của hãng, tất cả các loại chi phí của hãng, số liệu chi phí cho một tàu bay đều hoàn toàn khách quan và chính xác đến từng đôla.
Đó là thuê, còn đối với Bamboo Airways, có giám đốc khu vực của Boeing ngồi đây, đến tháng 12/2019, chúng tôi sẽ nhận máy bay đầu tiên 787-9 của Boeing, chúng tôi đã quyết định sử dụng động cơ GE của Mỹ để Boeing hoàn thiện, bàn giao chiếc tàu bay đầu tiên theo thỏa thuận đã ký kết với sự chứng kiến của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump".
"FLC sẽ thành công với đường bay thẳng tới Mỹ"
Nêu quan điểm về việc Bamboo Airways mở đường bay thẳng Việt – Mỹ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Tôi rất thích cách tiếp cận thẳng thắn, đầy tinh thần khởi nghiệp của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Tôi tin chúng ta sẽ thực hiện được giấc mơ bay thẳng Mỹ. Tuy nhiên, giấc mơ này có hai màu sáng - tối, nên phải cố gắng làm sao để màu sáng nhiều hơn”, ông Lộc nói.
“Tôi tin rằng bài toán tổng thể mà ông Quyết tính tới không chỉ là một đường bay. Trong những năm đầu đường bay thẳng có thể phát sinh lỗ nhưng với bài toán dài hạn, tổng thể của cả tập đoàn, FLC sẽ thành công”, ông Lộc nói thêm.
![]() |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI |
Ông Lộc cho biết, trước đây, đã có hai người khổng lồ hàng không của Mỹ đã bỏ cuộc khi mở chặng bay thẳng Mỹ - Việt, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines cũng đang đắn đo, nên quyết định của Bamboo Airways rất dũng cảm. Với tinh thần khởi nghiệp, Bamboo Airways có nhiều khả năng thành công. Tuy nhiên, thành công đến đâu còn phụ thuộc vào "bệ đỡ" của cả nền kinh tế.
Theo ông Lộc, thứ nhất, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành một công xưởng của các doanh nghiệp FDI thế hệ mới, rất nhiều sản phẩm của công xưởng mới phải vận chuyển bằng máy bay. Do đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không rất lớn.
Thứ hai, Việt Nam cũng được mệnh danh là bếp ăn thế giới, là 1 trong 18 quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch, mở ra rất nhiều tiềm năng cho ngành hàng không.
Thứ ba, Việt Nam có 2 triệu kiều bào tại Mỹ, nhu cầu bay để về nước của họ rất lớn, cũng như người từ Việt Nam sang Mỹ thăm người thân cũng không hề nhỏ.
Thứ tư, những người Mỹ đến Việt Nam dưới hình thức thăm lại chiến trường xưa cũng là dòng khách du lịch đáng chú trọng.
Thứ năm, Mỹ là nơi có nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới, và ngày càng nhiều du hoạc sinh Việt Nam sang Mỹ.
Cuối cùng, Mỹ cũng là cái nôi của phong trào Khởi nghiệp nên thu hút rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ các nước trong đó có Việt Nam.
“Tất cả những điều trên mở ra tiềm năng rất lớn cho thị trường hàng không, đặc biệt là đường bay thẳng Việt – Mỹ, ông Lộc nói.
Cũng tại tọa đàm, ông Lộc cho biết, ông rất thích cách ông Quyết đặt ra bài toán kinh tế, bài toán cộng trừ. “Tôi không bàn về kỹ thuật vì Bamboo Airways đã mua máy bay hàng đầu Mỹ, về nhân sự cũng có đội bay, đội ngũ tiếp viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản,… Vấn đề tôi muốn bàn là vấn đề quản trị, với tinh thần khởi nghiệp chúng ta có thể đưa ra giải pháp quản trị hiện đại, để đưa ra phương thức quản trị hợp lý”, ông Lộc cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lộc, khi tính về bài toán thương mại, sự cạnh tranh với các trung tâm hàng không trong khu vực rất lớn, nếu làm tốt bài toán quản trị chúng ta có thể cạnh tranh được, nhưng đòi hỏi tinh thần quyết tâm rất lớn. Bên cạnh đó cần có sự hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng hàng không để biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực, từ đó hỗ trợ cho các hãng hàng không.
“Cuối cùng, tôi cho rằng không đòi hỏi FLC phải hy sinh lợi nhuận cho cả nền kinh tế, nhưng FLC cần có bài toán kinh tế tổng hợp để có lãi, các hoạt động khác phải hỗ trợ. Ngoài ra, việc thành công với đường bay thẳng, uy tín của FLC sẽ tăng lên và thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn”, ông Lộc chốt lại.
"Với bài toán kinh tế tổng hợp, Bamboo Airways chắc chắn có lãi"
TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, việc Việt Nam được công nhận CAT1 là sự tin cậy của Chính phủ Mỹ và hàng không Mỹ đối với ngành hàng không Việt Nam. Việc mở được đường bay thẳng sang Mỹ sẽ giúp khẳng định được thương hiệu không chỉ của Bamboo Airways hay hàng không Việt Nam và còn là hình ảnh của cả dân tộc.
Đứng ở khía cạnh của cử tri và nhân dân cả nước, đây là một sự kiện đang được trông mong. Tôi rất thích bài tham luận của ông Trần Gia Huy với tiêu đề “ Bay thẳng sang Mỹ thôi, tại sao không?” Về mặt tinh thần, tôi đặt cao ước vọng tự nhiên của con người, của cử tri, của nhân dân.
![]() |
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội (bên phải) |
Ông Nhưỡng cho rằng, cho đến thời điểm này hầu như không còn vướng mắc gì về thể chế, do đó các hãng hàng không như Bamboo có đủ độ tin cậy với cơ quan nhà nước để thực hiện mục tiêu này.
Như Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trương Phương Thành đã phát biểu, Bamboo Airways đã chuẩn bị một cách nghiêm túc cho mục tiêu mở đường bay thẳng sang Mỹ. “Đây không phải là bài toán kinh tế thông thường mà là bài toán kinh tế tổng hợp, dù thời gian đầu lỗ nhưng chắc chắn về sau phải có lãi”, ông Nhưỡng đánh giá.
“Đến nay, chúng ta đã có đầy đủ thể chế về Luật Hàng không, Luật Du lịch, có thêm hạ tầng của doanh nghiệp, hạ tầng của ngành hàng không, chúng ta có đủ năng lực để cất cánh”, ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.
Tuy nhiên, cần lưu ý tới bốn vấn đề. Một là, “Việt Nam+”, nghĩa là không chỉ bay thẳng mà có thể bay nối điểm tại một nước thứ 3. Hai là, “Bamboo+” nghĩa là có thêm hãng hàng không khác mở bay sang Mỹ. Đồng thời, Bamboo cũng đang tiếp tục mở rộng đội tàu bay. Thứ ba là, “Mỹ+” bởi không chỉ có hành khách từ Mỹ mà còn có hàng khách từ các quốc gia khác và cuối cùng là “Hàng không+”, không chỉ đơn thuần là hàng không.
“Đối với quyết tâm trở thành một cánh hải âu vượt biển của BamBoo Airways để nối thẳng Việt Nam đến Mỹ, tôi chúc mừng tinh thần khởi nghiệp, tinh thần dấn thân, tinh thần dân tộc của Bamboo Airways để đưa ước vọng của dân tộc ta ra thế giới”, ông Nhưỡng nói.
20 năm kế hoạch bay thẳng Mỹ chưa thành công, cho đến khi có Bamboo Airways
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiệp hội rất hoan ngênh sáng kiến của Bamboo, nếu FLC mở ra đường bay đầu tiên đến Mỹ thì đó cũng là niềm vui của ngành du lịch. Thị trường Mỹ là thị trường mơ ước của ngành du lịch. Chúng tôi đã dẫn một đoàn sang Mỹ để xúc tiến, chúng tôi tổ chức xúc tiến ở quận Cam, tiểu bang California trong bối cảnh cảnh sát phải bao vây bảo vệ nhưng chúng tôi vẫn làm bởi niềm tin với tiềm năng ngành du lịch Việt Nam.
Chúng ta sẽ không thể mong vợt hết được khách vì mỗi hãng hàng không nhắm đến tiêu chí khác nhau. Năm gần nhất có 678 nghìn lượt bay từ Mỹ sang Việt Nam trong đó 80% là người gốc Việt, như vậy số người Mỹ không đáng kể. Đương nhiên chúng ta quý Việt kiều và khách nào cũng là khách. Vì vậy một tháng mới mở mà muốn phát triển thì chúng ta phải chọn ra loại khách vừa rồi.
Năm 2018, 93 triệu người Mỹ ra nước ngoài tiêu 287 tỷ USD – đây là mơ ước của các hãng hàng không và công ty du lịch. Trong nhóm này, đến châu Á hàng năm khoảng 10%, chủ yếu họ sang châu Mỹ, Tây Âu, Úc và một số nơi khác. Lượng khách Mỹ sang châu Á còn thấp so với kỳ vọng của chính phủ Mỹ. Rõ ràng không cân xứng với mục tiêu của chính phủ Mỹ.
"Việt Nam chúng ta hiểu rằng tiềm năng của khách Mỹ rất lớn. Từ năm 2002, chúng tôi đã bàn với nhau và mơ ước về đường bay thẳng. Chúng tôi rất mừng là nếu FLC mở đường bay thẳng đến Mỹ, thấp thoáng đã 20 năm, kế hoạch vẫn chưa thành công. Về phía du lịch, chúng tôi sẵn sàng góp tay mở rộng thị trường Mỹ. Người Mỹ tiêu pha nhiều, nhưng họ không dễ tính, dù vậy sẵn sàng hòa nhập. Chúng tôi đã có kế hoạch hàng chục năm để liên kết của ASTA sang dự, họ đọc bài diễn văn tại hội nghị du lịch lớn nhất của Việt Nam", ông Bình nói.
![]() |
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam |
Theo ông Bình, các đối tác tại Mỹ đã suy nghĩ về Việt Nam nhiều. Năm ngoái, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã dẫn đầu đoàn hơn 50 doanh nghiệp lữ hành sang nhiều sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam tại Mỹ, Canada, nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội du lịch Mỹ (ASTA). Người Mỹ từng nói tại sao nước Mỹ lại để xảy ra chiến tranh với Việt Nam, một đất nước quá thân thiện và xinh đẹp. Chúng tôi đang hướng tới sự kiện ASTA vào năm 2020 với 500 đại diện công ty lữ hành đến Việt Nam tìm hiểu về Việt Nam. Đây có thể nói là sự kiện rất lớn. Chúng tôi đang tìm cơ hội để sang năm tổ chức sự kiện tại Việt Nam.
Nếu Bamboo bay được vào năm 2020, giám đốc của 500 công ty lữ hành sẽ ngồi trên máy bay Bamboo sang Việt Nam, đó là cơ hội quảng bá tuyệt vời cho Việt Nam, chúng tôi có thể mơ đến đoàn khách Mỹ quy mô đến 1 nghìn người. Sắp tới đây nếu chúng ta kết hợp chặt chẽ với ASTA. Với quan hệ sâu sắc Việt Nam – Mỹ hiện nay, du lịch chắc chắn sẽ có thể phát triển một cách mạnh mẽ. Và phía người Việt Nam cũng làm được mơ ước đặt chân đến Mỹ.
"Đại diện của đại sứ quán Pháp cũng đã cám ơn tôi vì chúng tôi đã góp phần giúp số lượng khách Việt Nam đến Pháp vượt 100 nghìn. Có lẽ chúng ta cũng phải thừa nhận rằng các nước đang quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Mở hãng hàng không ra chúng ta sẽ làm được 2 chiều, đón khách về và đưa khách đi. Thay mặt cho những người làm du lịch, chúc cho Bamboo Airways thành công", ông Bình nói.
Bay thẳng Việt - Mỹ và các việc cần làm
Tại toạ đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh", ông Nguyễn Đức Ngọc Minh - Giám đốc phụ trách Khai thác bay kiêm Đào tạo, Huấn luyện tổ bay Bamboo Airways cũng chia sẻ các nghiên cứu của hãng hàng không này về việc mở đường bay từ Nội Bài và Tân Sơn Nhất tới Mỹ cũng như các bước để tiến hành mở đường bay sang thị trường này.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Ngọc Minh - Giám đốc phụ trách Khai thác bay kiêm Đào tạo, Huấn luyện tổ bay Bamboo Airways |
Ông Minh cho biết, đối với một hãng hàng không muốn khai thác vào thị trường Mỹ phải được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép thì cơ quan an toàn hàng không Mỹ mới tiến hành bước đánh giá tiếp theo.
Như Bamboo Airways muốn khai thác vào thị trường Mỹ phải được Cục Hàng không Việt Nam cho phép và phải cử các chuyên viên an ninh trên không nay vào Mỹ để tăng cường an ninh. Ngoài ra, cũng cần sự đánh giá từ Văn phòng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Mỹ cũng như đánh giá về về mặt an toàn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ và đáp ứng quy định của các tiểu bang.
Sau CAT1, các bước tiếp theo về thủ tục pháp lý là gì?
Sau CAT1, các bước tiếp theo về thủ tục pháp lý cũng được bà Nguyễn Mai Anh – Chuyên viên phòng Pháp chế và Hợp tác Quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam giải đáp: "Chúng ta có 5 cơ quan cần phải gửi hồ sơ đến: Bộ Giao thông để có quyền vận chuyển hàng không; Cục hàng không liên bang Hoa Kỳ để được cấp phê chuẩn an toàn cho các hãng hàng không; Cục An ninh Vận tải TSA; Ủy ban điều tra tai nạn giao thông để được xem xét kế hoạch hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp xấu, các quy định này nếu tại điều 14 của CSA; ngoài ra phải có phương án thu nộp phí và các phê chuẩn: hợp đồng thuê ướt dài hạn, chuyến bay charter theo thương quyền 5.
![]() |
Bà Nguyễn Mai Anh – Chuyên viên phòng Pháp chế và Hợp tác Quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam |
Thứ nhất, làm thế nào có được thương quyền và được cấp phép. Chúng ta có 2 dạng cấp quyền vận chuyển: Cấp giấy trực tiếp hay miễn trừ. Bộ Giao thông sẽ cấp quyền trên nhiều vấn đề lớn: hãng hàng không có thực sự mang pháp nhân Việt Nam hay không; hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định vận chuyển hàng không Việt Nam – Hoa Kỳ.
Khi nộp hồ sơ cho Bộ giao thông Hoa Kỳ, phải nộp cho các hãng hàng không đã được cấp quyền đến Việt Nam, các hãng tham vấn cho Bộ để đảm bảo nguyên tắc có đi có lại.
Hãng hàng không khai thác nước ngoài cần phải nộp hồ sơ trước 3 tháng, khi FAA nhận thấy đáp ứng được các tiêu chuẩn mà FAA đã công bố. Hãng hàng không cần phải nộp hồ sơ TSA trước 90 ngày khai thác, hãng hàng không sau đó nếu không được chấp thuận phải nộp lại trong 30 ngày.
Hãng hàng không phải nộp lại hồ sơ hỗ trợ hành khách đến Ủy ban điều tra tai nạn giao thông. Theo luật, ủy ban cần phải xem xét kế hoạch hỗ trợ hành khách trong trường hợp xấu".
Để đạt được CAT1 phụ thuộc vào vấn đề năng lực chứ không phải vấn đề xin - cho
Về việc cần chuẩn bị hạ tầng như thế nào để có thể thực hiện bay thẳng Việt – Mỹ, ông Hồ Minh Tấn - Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Ông Tấn cũng nói rõ hơn về quá trình thi và đạt được CAT1. Ông ví việc đạt được CAT1 cũng giống như quá trình học hết bậc phổ thông, tức là mất đúng 12 năm.
“Chúng tôi bắt đầu dự án từ 2007, mất 12 năm học và thi thử, đến năm 2019 mới chính thức thi và đỗ luôn CAT1”, ông cho biết.
Để đạt được CAT1, phải vượt qua được 8 yêu cầu của ICAO. Cục Hàng không Mỹ (FAA) chỉ đánh giá năng lực giám sát an toàn hàng không và cấp chứng chỉ CAT1 dựa trên việc có đạt được các yêu cầu của ICAO hay không, chứ không phải dựa theo tiêu chuẩn của FAA.
![]() |
Ông Hồ Minh Tấn - Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam |
Tất nhiên quan hệ Việt – Mỹ hiện nay rất tốt, nhưng để đạt được CAT1 phụ thuộc vào vấn đề năng lực chứ không phải vấn đề xin – cho. Nên cũng không sợ vấn đề họ cho và sẽ thu lại được, vì việc thu hồi chỉ khi năng lực của chúng ta giảm sút, ông Tấn cho biết thêm.
Với những quốc gia đã đạt được CAT1 có thể mở đường bay trực tiếp đến Mỹ hoặc liên doanh với các hãng hàng không tại Mỹ để mở đường bay đến Mỹ.
Ông Tấn chia sẻ, từ năm 2013, Cục Hàng không Việt Nam đã định thi để nhận CAT1 (tức là khi tốt nghiệp cấp 2 xong là thi) tuy nhiên khi làm đánh giá thử chưa đạt nên đã hoãn lại.
Vấn đề kỹ thuật rất phức tạp nhưng bài toán về kinh tế mới là đau đầu nhất
Nhìn nhận về việc cách đây hơn một thập kỷ các hãng hàng không Delta Air lines và United Airlines cũng từng mở đường thẳng Mỹ - Việt Nam nhưng phải dừng vì không giải được bài toán kinh tế, GS.TSKH. Đỗ Nguyên Khoát - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, để mở đường bay thẳng Việt – Mỹ vấn đề kỹ thuật rất quan trọng và phức tạp nhưng bài toán về kinh tế mới là bài toán đau đầu nhất bởi cạnh tranh với các hãng hàng không lớn và nhiều kinh nghiệm trên thế giới không phải là đơn giản.
![]() |
GS.TSKH. Đỗ Nguyên Khoát - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam |
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, với việc bay transit và bay thẳng thì bay thẳng có lợi thế hơn hẳn không? Việc bay thẳng đúng là có những lợi thế ưu việt với chi phí nhiên liệu và không mất chi phí transit ở một số nước khác nhưng lại cần đầu tư đội tàu bay hiện đại với chi phí ban đầu lớn. Vì vậy phải nghiên cứu kỹ càng chứ không phải bay ngay được với đội bay hiện tại.
Ngoài ra, ông Khoát cũng phân tích về các vấn đề kỹ thuật, thị trường khi bay thẳng và bay transit. Theo ông Khoát cần tính toán kỹ, thiết kế đường bay cho phù hợp, khi bay transit có thể có thêm khách còn bay thẳng chỉ lấy khách từ Việt Nam, trong khi trên thực tế, lượng khách Việt Nam đi Mỹ cũng còn khiêm tốn. Và cuối cùng là các vấn đề về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, khả năng quản trị.. cần tính toán thêm. Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả về đường bay.
GS. Khoát cho rằng, việc mở đường bay sang Mỹ, thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn, tuy vậy, ông tin tưởng Bamboo Airways sẽ thành công.
Gần 700 khách/ngày hiện nay chưa được phục vụ, tương đương gần 2 cái máy bay
![]() |
Ông Andy J. Gayer - Trưởng Đại diện Boeing tại Việt Nam |
Trước vấn đề được đặt ra, các đường bay thẳng từ Mỹ đến Việt Nam đã bị dừng từ cách 3 năm vì nhiều lý do, không phải do lý do kỹ thuật, mà do lý do kinh tế, bài toán về kinh tế với đường bay thẳng như thế nào, ông Andy J. Gayer - Trưởng Đại diện Boeing tại Việt Nam cho biết, thị trường ngày nay rất khác so với trước đây, thị trường hiện nay rất tốt, chúng ta có dữ liệu và nhóm để có thể làm marketing.
Phân tích của chúng ta cho thấy chuyến bay giữa TP.HCM và Los Angeles là thị trường chưa được thực hiện đến Bắc Mỹ, thị trường lớn nhất Đông Nam Á chính là Manila, ước khoảng 684 khách/ngày, thị trường TP.HCM 409 khách/ngày. Số lượng khách rất lớn, chúng ta gọi đây là nguồn cầu lớn giữa LAX và TP.HCM.
Còn San Francisco và TP.HCM là 273 khách/ngày. Như vậy hoàn toàn có đủ khách để khai thác. Đây là thị trường chúng ta chưa khai thác, chưa phục vụ. Nhu cầu đang tăng lên, dịch vụ bay thẳng giữa Los Angeles và TP.HCM ước khoảng 409 khách/ngày, thị trường này các hãng hàng không có thể thực hiện khai thác.
Như các bạn có thể thấy, Việt Nam có 2 thị trường chưa được phục vụ, như vậy có gần 700 khách/ngày hiện nay chưa được phục vụ, tương đương gần 2 cái máy bay.
Bamboo Airways đã tính đến nhiều yếu tố khi lên kế hoạch cho chuyến bay thẳng đến Mỹ
Ông Trương Phương Thành – Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, trong phiên đầu tiên chúng ta đã lắng nghe nhiều chia sẻ, đến phiên 2 chúng ta tiếp tục nói đến nhiều khó khăn về việc làm sao để chúng ta có thể bay thẳng được. Cục hàng không đã có CAT1, đó là khởi đầu quan trọng, nhưng sau đó đến doanh nghiệp hàng không, Bamboo Airways của chúng ta cũng như vậy, thế nhưng còn rất nhiều yếu tố về thủ tục. Những cái khó này cần đến sự đồng hành của Cục hàng không để có thể giải quyết được.
![]() |
Ông Trương Phương Thành – Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways |
Chúng ta cũng bàn nhiều đến vấn đề kỹ thuật. Máy bay của chúng ta có thể vươn đến Los Angeles, chúng tôi đã đặt trước kế hoạch, tính toán và đầu tư. Chúng tôi sẽ thuê/mua máy bay 7878, máy bay 7879 – tầm vươn 7.600 dặm trở lên. Nếu đi Los Angeles vào mùa hè, khoảng chừng 6.800 hoặc 6.900 dặm, vào mùa đông, đường đi lại dài hơn, và thậm chí còn ngược gió, tầm vươn sẽ hơn 7.000 dặm.Vậy chúng tôi phải bàn với Boeing để có thể đặt hàng với Boeing để có thể tính toán kỹ thuật vươn đến Seattle.
Với câu hỏi về Delta hoặc UA, Delta chưa bao giờ bay thẳng, còn với United Airlines, chúng ta cần nhớ họ vào Việt Nam 2004, chúng ta vào WTO năm 2006, nhu cầu khi ấy rất khác. UA thời điểm đó cũng vào để phá vỡ thế độc quyền. Bước lui cũng có mục đích. Về thị trường, đại diện của Boeing cũng có đặt ra số liệu từ 1 công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, họ chỉ ra rằng vẫn còn 2 đường bay từ Los Angeles đi TP.HCM hoặc từ San Francisco về TP.HCM.
Hiện nay, chúng ta đang có bao nhiêu hãng từ Việt Nam đến hai điểm trên, khoảng mười mấy hãng nhưng đều bay qua các điểm trung chuyển chính là hub của họ, còn chúng ta nếu bay qua đó lại phải trả phí, rồi lại xin thêm thương quyền 5 – một hình thức bảo hộ của ngành hàng không các nước.
Chúng ta còn phải suy nghĩ đến việc rằng nếu chúng ta bay thẳng khách sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, nhiều chuyến bay qua Nhật transit đến 6,7 tiếng rồi lại bay 10 tiếng nữa. Như vậy rõ ràng hành khách thích bay thẳng hơn so với trung chuyển. Chúng tôi đã tính đến các yếu tố trên để làm rõ trong kế hoạch bay sang Mỹ.
Tâm lý lạc quan là có cơ sở nhưng cũng cần giải quyết năm vấn đề
Phân tích về những bài toán cần giải quyết để mở đường bay thẳng Việt – Mỹ, TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao cho rằng, đối với mục tiêu này xu hướng tích cực vẫn là chủ đạo.
25 năm trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ là 500 triệu USD nhưng đến nay đã lên tới con số 50 tỷ USD, đây là con số mà lúc đó chúng ta không thể tưởng tượng được.
![]() |
TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao |
Dù vậy, dư địa trong quan hệ Việt - Mỹ còn rất lớn. Một điểm tích cực nữa là hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Nhà nước và chúng ta đã làm tốt ở cấp độ Nhà nước nhưng lại chưa làm tốt ở cấp độ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt những lợi thế từ quá trình hội nhập quốc tế cũng như chưa tận dụng hết ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam ký kết. Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều chuyển biến đáng mừng.
Về việc mở đường bay thẳng sang Mỹ, tâm lý lạc quan là có cơ sở nhưng cũng cần giải quyết năm vấn đề. Thứ nhất là vấn đề pháp lý, đối với nước Mỹ, vấn đề pháp lý chưa bao giờ đơn giản. Chúng ta phải đồng hành với các công ty luật của Mỹ để giải vấn đề này.
Thứ hai là câu chuyện về an ninh, trước đó, chính quyền Obama cho rằng khủng bố là mỗi đe doạ hàng đầu của nước Mỹ, đặc biệt là với ngành hàng không nhưng đến nay là an ninh mạng và sân bay Nội Bài của chúng ta cũng từng gặp sự cố.
Vấn đề thứ ba cần giải quyết là bài toán kinh tế, bởi chúng ta chưa tính đến nhiều ẩn số như giá cả nguyên liệu, sân bay tắc nghẽn…
Thứ tư là vấn đề cạnh tranh, các hãng hàng không khác cũng không phải tầm thường, họ cũng có nhưng thế mạnh của họ, do vậy chúng ta phải lấy tiêu chuẩn cao để vượt lên họ.
Cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực…
“Việt Nam có lẽ đã vượt qua giai đoạn giảm thiểu rủi ro và đã đến lúc chúng ta cần chấp nhận rủi ro trong một số trường hợp bởi năng lực của chúng đã khác, nơi nào rủi ro cao thì cơ hội kinh doanh lại lớn”, ông Tĩnh nhìn nhận.
Hy vọng quý IV/2020 Bamboo Airways sẽ thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên sang Mỹ
Phát biểu bế mạc tọa đàm ông Trịnh văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, bên lề toạ đàm ông đã trả lời khoảng 20 cơ quan báo chí và hy vọng cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan báo chí.
Ông cũng hy vọng quý IV/2020, Bamboo Airways sẽ thực hiện được chuyến bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam sang Mỹ như dự tính và trở thành con chim hải âu đầu đàn của Việt Nam bay đến phía Tây bán cầu.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Du khách phấn khích check-in với quầy buffet thời bao cấp tại Ba Na Hills

Vinamilk hoà cùng niềm vui của ngày hội thống nhất non sông

SABECO trong dòng chảy đầy tự hào và vinh quang của Việt Nam

BSR doanh thu gần 32.000 tỷ đồng trong quý I/2025

PVCFC: Đột phá trong chuẩn mực quốc tế và mục tiêu Net Zero

Bình Điền ra mắt Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới

MobiFone huy động hàng nghìn nhân sự, đảm bảo mạng lưới phục vụ đại lễ 30/4

Lợi nhuận trước thuế của ABBANK tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ

Hòa Phát cung cấp thép dự ứng lực cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
