Bàn giao địa giới hành chính giữa các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm
Trưởng phòng Nội vụ quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Hiển cho biết, theo Nghị quyết số 1263/NQ-UBTVQH14, điều chỉnh 10,32ha diện tích tự nhiên khu vực 8 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý hành chính (bao gồm các tổ dân phố từ 25 đến 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm,q vào phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.
Điều chỉnh 1,86ha diện tích tự nhiên tổ dân phố số 28 do phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy quản lý hành chính đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm vào phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy... trên nguyên tắc bàn giao nguyên hiện trạng dân cư, đất đai và tài sản trên đất tại các khu vực điều chỉnh địa giới.
Theo ông Nguyễn Minh Hiển, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo các phường Nghĩa Tân, Mai Dịch rà soát, thống kê nhân khẩu, phối hợp với các phường Mỹ Đình 2, phường Cổ Nhuế 1 xác định đường địa giới phục vụ bàn giao. Tiếp đó, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc tại thực địa nhằm rõ hơn một số điểm địa giới mới giữa các phường.
Đại diện các quận bàn giao địa giới hành chính theo Nghị quyết số 1263/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Trong chương trình làm việc, lãnh đạo UBND các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm thống nhất tiếp tục giao các bộ phận chuyên môn thực hiện các điều chỉnh có liên quan để bảo đảm cuộc sống ổn định của người dân sau khi bàn giao địa giới hành chính.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1263/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm thuộc thành phố Hà Nội.
Nghị quyết nêu rõ, điều chỉnh 10,32ha diện tích tự nhiên khu vực 8 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý hành chính (bao gồm các tổ dân phố số 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm vào phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính: Phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy có 0,68km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 22.207 người. Phường Nghĩa Tân giáp các phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Nghĩa Đô và quận Bắc Từ Liêm.
Phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm có 2,22km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 45.274 người. Phường Cổ Nhuế 1 giáp các phường Cổ Nhuế 2, Phú Diễn, Xuân Đỉnh, Xuân Tảo; quận Tây Hồ và quận Cầu Giấy.
Theo nghị quyết, điều chỉnh 1,86ha diện tích tự nhiên tổ dân phố số 28 do phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy quản lý hành chính đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm vào phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy có 2,02km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 40.511 người. Phường Mai Dịch giáp phường Dịch Vọng Hậu; quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm.
Phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm có 1,94km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 32.000 người. Phường Mỹ Đình 2 giáp phường Cầu Diễn, phường Mỹ Đình 1 và quận Cầu Giấy.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính giữa các quận, quận Cầu Giấy có 12,44km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 292.536 người; có 8 phường. Quận Cầu Giấy giáp các quận Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Tây Hồ và Thanh Xuân.
Quận Bắc Từ Liêm có 45,24km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 340.605 người; có 13 phường. Quận Bắc Từ Liêm giáp các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ; các huyện Đan Phượng, Đông Anh và Hoài Đức.
Quận Nam Từ Liêm có 32,17km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 269.076 người; có 10 phường. Quận Nam Từ Liêm giáp các quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân và huyện Hoài Đức.
Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính theo quy định của pháp luật.
Chính phủ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; Ổn định đời sống của nhân dân địa phương; Bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.