Băn khoăn về tính khả thi của quy định về hộ chiếu gắn chíp điện tử
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bài liên quan
Bế mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Bất hợp lý thì sửa để không thể nói ách tắc là do luật
Chiều 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Trình bày tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân...
Tuy nhiên, cần thiết ban hành luật để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài, từ nước ngoài về nước và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo báo cáo, số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng (2007: 1,9 triệu lượt; 2008: 2,6 triệu lượt; 2010: 3,2 triệu lượt; 2013: 6,1 triệu lượt; 2016: 7,7 triệu lượt; 2017: 9,2 triệu lượt; 2018: 9,6 triệu lượt). Để đáp ứng nhu cầu xuất cảnh của công dân, công tác quản lý xuất nhập cảnh đã liên tục được cải tiến, đơn giản hóa thủ tục.
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật còn hướng đến để đảm bảo thời hạn cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và công dân không phải mất thời gian chờ đợi khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh như máy đọc hộ chiếu tại các cửa khẩu quốc tế, khai tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, dán mã vạch vào giấy thông hành, cửa kiểm soát tự động…
Về những điểm mới, dự án Luật đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, quy định công dân có 4 quyền mang tính nguyên tắc: Quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật cũng quy định các trường hợp, thời hạn, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh (trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành); quy định đối tượng, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh để thể hiện sự minh bạch, phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác, từng trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vẫn có thể được xem xét cấp hộ chiếu, đây là điểm mới so với quy định hiện hành là tạm hoãn xuất cảnh không được cấp hộ chiếu...
Trình dự án Luật ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Cho ý kiến về dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Nhất trí với tên gọi “Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam,” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng việc cấp giấy phép, xét duyệt hay thẩm định là những hành vi trong quá trình quản lý, những việc làm cụ thể. Tên gọi này là đủ tính bao quát, phù hợp với các luật khác.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung số liệu, hoàn thiện thêm báo cáo đánh giá tình hình xuất nhập cảnh trong thời gian gần đây, bổ sung những ý kiến của các Bộ để hoàn thiện thêm hồ sơ dự án Luật.
Đánh giá về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga góp ý thêm rằng dưới góc độ của thực tiễn và hoạt động tư pháp, Luật này phải góp phần ngăn chặn tội phạm nước ngoài xâm nhập vào trong nước thông qua con đường nhập cảnh và tội phạm trong nước ra nước ngoài bằng cách xuất cảnh, đặc biệt là nhóm tội phạm về tham nhũng.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Luật này phải đưa ra được những quy định cụ thể để hạn chế tình trạng trên cũng như phải đặt ra yêu cầu minh bạch trong thủ tục về xuất, nhập cảnh…
Các ý kiến góp ý khác tại phiên họp cho rằng yêu cầu đặt ra của dự án Luật là phải tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó cần phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.
Một số ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của các quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, hạ tầng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến; việc cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam.
Nhiều đại biểu cho rằng những nội dung này khó triển khai, áp dụng đồng bộ để khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu chung kể từ ngày Luật này có hiệu lực (ngày 1/7/2020). Trường hợp này, các đại biểu đề nghị, bổ sung quy định chuyển tiếp để có lộ trình thực hiện cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung việc giải thích các từ ngữ: Hộ chiếu, hộ chiếu có gắn chíp điện tử, hộ chiếu không gắn chíp điện tử, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, giấy thông hành vì cho rằng những từ ngữ này gắn liền với nội dung toàn bộ dự thảo Luật...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu các ý kiến trên để quy định bảo đảm tính khả thi cao hơn.