Báo chí khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội
Báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững Chuyển đổi số trong báo chí: Thách thức và giải pháp |
Các đồng chí điều hành hội nghị tại điểm cầu chính Hà Nội |
Tham dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí...
Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại
Trình bày Báo cáo công tác báo chí năm 2021 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.
Trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Năm 2021, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ; Là diễn đàn tin cậy của Nhân dân; Báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Báo chí đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Các hoạt động đối ngoại cấp cao; Các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng đảng, đối ngoại, văn hóa; Các ngày lễ, kỷ niệm…
Quang cảnh hội nghị |
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 rất rõ nét, kịp thời, công bằng, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19; Chú trọng nhiều hơn đến tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế hiệu quả, nhất là tinh thần vượt khó khăn, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm; Quan tâm hơn đến nhu cầu thông tin, giải trí, đáp ứng phần nào nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, trong năm 2021, công tác quản lý, hoạt động báo chí vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Về phía cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước, công tác hội, trong một số trường hợp khi xảy ra các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, diễn biến nhanh, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc cung cấp thông tin cho báo chí còn lúng túng, chưa kịp thời, thiếu thống nhất gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí. Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là đối với các tạp chí điện tử trực thuộc Hội đã đạt được kết quả cụ thể nhưng đây vẫn còn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội và báo giới. Một số định mức kinh tế kỹ thuật về báo chí và cơ chế đặt hàng báo chí chưa được tháo gỡ triệt để; nhiều nơi còn lúng túng và gặp khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế. Một số Hội Nhà báo các cấp chưa thực sự chủ động trong việc đưa ra những phán quyết về chuyên môn nghiệp vụ và xử lý kỷ luật hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, do đó chưa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa, cảnh tỉnh những trường hợp vi phạm.
Về phía cơ quan chủ quản, sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản trong công tác báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời. Một số cơ quan báo chí có những vi phạm nghiêm trọng, đã được nhắc nhở, phê bình, đề nghị cơ quan chủ quản làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan nhưng cơ quan chủ quản thiếu quyết liệt chấn chỉnh, xử lý kỷ luật hoặc xử lý không nghiêm.
Một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; Chưa nắm chắc các quy định để chỉ đạo, định hướng, quản lý cơ quan báo chí trực thuộc; chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chưa làm tốt công tác tư tưởng dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp trong cơ quan báo chí. Một số cơ quan chủ quản vẫn để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; Không kiểm tra, giám sát sinh hoạt Đảng, cá biệt có cơ quan chủ quản can thiệp trái quy định vào hoạt động của cơ quan báo chí... Quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí của một số cơ quan chủ quản chưa bảo đảm đúng quy định.
Về phía các cơ quan báo chí, thông tin trên báo chí có thời điểm, có nội dung chưa bao quát, toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội, nhất là đối với một số tạp chí thuộc các hội, viện, còn nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; Ciệc giật “tít” phản cảm, sai lệch bản chất chưa có nhiều chuyển biến.
Một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; Còn chạy theo mạng xã hội ở một số vụ việc cụ thể. Một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời, không bám sát tôn chỉ, mục đích; Xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử không đều, thiếu liên tục và bền vững gây dư luận xấu trong xã hội.
Đồng chí Trần Thanh Lâm trình bày cáo cáo tại hội nghị |
Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước...; Có trường hợp vi phạm luật và đạo đức nghề nghiệp; Câu kết với một số đối tượng xấu nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo, đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái.
Một số chương trình liên kết trên truyền hình, tập trung ở các chương trình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế, chưa được quản lý chặt chẽ, đã để xảy ra một số sai sót trong nội dung thông tin, như: hình ảnh, lời thoại phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ, giáo dục…; Có hiện tượng đối tác liên kết tự thiết lập, sản xuất nội dung các kênh truyền thông trên nền tảng internet, mạng xã hội gây nhầm lẫn cho xã hội; quảng bá kênh chương trình liên kết theo hướng là kênh thuộc sở hữu của đối tác liên kết.
“Tổng kiểm tra sức khoẻ” hệ thống báo chí
Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn trình bày cho biết, việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg (3/4/2019) của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đúng tiến độ, đúng quy định, có kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn 2.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn trình bày báo cáo tại hội nghị |
Về rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí thực hiện Quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan chủ quản thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Báo chí, rà soát về cơ cấu tổ chức, kinh tế báo chí, các nội dung liên quan hoạt động báo chí; Đánh giá việc thực hiện quy định của Luật Báo chí của cơ quan báo chí trực thuộc; từ đó, đề xuất, kiến nghị về việc cấp lại giấy phép đối với các cơ quan báo chí xét thấy cần thiết và đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương rà soát điều kiện hoạt động báo chí, trong đó có điều kiện về người đứng đầu cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho hơn 130 cơ quan báo chí, trong đó có một số cơ quan báo chí được cấp lại giấy phép cùng với cấp phép thực hiện thêm loại hình điện tử. Có một số trường hợp tạp chí đã hết thời hạn của giấy phép hoạt động báo chí nhưng chưa được xem xét cấp phép lại vì quá trình xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan báo chí cho thấy nhiều vấn đề không đảm bảo đủ điều kiện có thể cấp phép hoạt động tiếp tục.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí cũng có thể được coi như một đợt “tổng kiểm tra sức khoẻ” đối với hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam từ nhiều góc độ: Cơ cấu tổ chức, hoạt động chuyên môn, kinh tế báo chí..., qua đó nắm bắt thêm những vấn đề tồn tại trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí. Trên thực tế, hoạt động của một số cơ quan báo chí được cấp phép sau khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi mô hình vẫn còn có những bất cập, điển hình như: vẫn còn tình trạng kiểm soát thiếu chặt chẽ đối với việc đăng, sửa, xóa tin, bài trên báo, tạp chí điện tử hoặc trên chuyên trang, ấn phẩm của cơ quan báo chí.
Một số cơ quan báo chí sau khi được cấp phép lại vẫn có biểu hiện chuyên trang điện tử hoạt động theo tên miền độc lập cũ, không đúng với giấy phép được cấp, gây khó khăn cho việc thống nhất chỉ đạo, hoạt động. Một số tạp chí được cấp phép hoạt động tạp chí khoa học nhưng thực tế sử dụng giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo để hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền như: Cấp giấy giới thiệu, sử dụng thẻ nhà báo để đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cung cấp tin tức về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đề nghị cung cấp toàn bộ tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin... Có tạp chí chỉ thực hiện loại hình in, số lượng phát hành ít nhưng hoạt động thu thập thông tin kiểu trên thường xuyên lấy cớ là nghiên cứu khoa học, không phân biệt hoạt động tác nghiệp báo chí và hoạt động nghiên cứu khoa học.