Chuyển đổi số trong báo chí: Thách thức và giải pháp
Cạnh tranh với các kênh truyền thông mới
Những năm trở lại đây,nhiều cơ quan báo chí tập trung loại hình báo mạng điện tử, xây dựng fanpage trên Facebook, lập kênh Youtube để giúp người đọc tiếp cận thông tin chính xác, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đó là một trong những biểu hiện của quá trình chuyển đổi số các tòa soạn đang thực hiện.
“Trong vài năm trở lại đây, chúng ta thấy ngày càng xuất hiện những dạng thức báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ như longform, e-magazine, mega-story, infographics… và chắc chắn trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều dạng thức báo chí hơn nữa.”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi |
Trên thực tế, thách thức với ngành báo chí Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số là không nhỏ. Hai năm trở lại đây, Tiktok trở thành nền tảng mạng xã hội có tốc độ phát triển chóng mặt, sở hữu lượng người dùng khổng lồ, bên cạnh Facebook, Youtube. Sự tăng trưởng của các kênh truyền thông mạng xã hội đẩy các cơ quan báo chí vào cuộc đua về tốc độ cung cấp thông tin chính thống và chống lại tin giả trôi nổi.
Ông Vũ Kiều Minh, Tổng Thư ký tòa soạn báo điện tử Dân Việt cho biết việc phát triển thông tin trên một nền tảng truyền thông mới ví dụ như Tiktok là một bài toán cơ quan đang nỗ lực giải quyết. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải chia nhỏ nguồn nhân lực và học thêm nhiều kiến thức mới để phục vụ công chúng trên nền tảng truyền thông mới.
“Tại Dân Việt, chúng tôi mất từ 1 - 2 năm để thay đổi tư duy phóng viên làm việc trên báo điện tử và phục vụ cho nhiều nền tảng khác. Hiện nay chúng tôi phát triển nhiều kênh như Youtube, Tiktok, podcast,... Chính bản thân tôi cũng phải học để làm báo trên điện thoại”, ông Vũ Kiều Minh chia sẻ.
Áp lực xây dựng tòa soạn hội tụ
Theo báo cáo thị trường của TopDev, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực ngành Công nghệ thông tin (CNTT) khi nhu cầu thị trường này tăng lên đến 530.000 người. Việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng tạo áp lực lớn cho quá trình chuyển đổi số nói chung và xây dựng mô hình hội tụ nói riêng của các tòa soạn.
Để thích nghi với mô hình mới, yếu tố con người là nòng cốt; cả lãnh đạo cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đều buộc phải nâng cao kỹ năng bản thân hoặc tụt lại phía sau.
Ông Vũ Kiều Minh cho rằng: “Tư duy của phóng viên làm báo chí truyền thống so với tư duy của phóng viên đa năng, đa phương tiện khác hẳn nhau. Báo điện tử chỉ chậm 1 - 2 phút thôi là thua rồi, nên cần có những mẹo, để cùng ngồi ở thông tin sự kiện, cùng tác nghiệp với nhau mà chúng ta nhanh hơn báo bạn. Cái đó cần kinh nghiệm thực chiến tại chiến trường, khả năng vận dụng sáng tạo”.
Ông Vũ Kiều Minh, Tổng Thư ký tòa soạn báo điện tử Dân Việt |
Theo ông Minh, thời điểm khoảng 4 - 5 năm trước, các phóng viên đã được đào tạo để phá vỡ tư duy truyền thống. Thay vì một ngày chỉ cần làm 1 - 2 bản tin, nhân lực của cơ quan báo chí hội tụ nay phải làm với số lượng gấp 4 - 5 lần.
“Không thể phủ nhận, áp lực của phóng viên hội tụ nay cũng nhiều hơn nhưng sẽ được trả công sức cao hơn. Nếu phóng viên không thay đổi và nâng cao hơn thì dễ bị đào thải”, ông Minh nêu quan điểm.
Đồng bộ nhiều giải pháp để chuyển đổi số thành công
Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí không đơn thuần chạy theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã đưa chuyển đổi số thành mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 100% cơ quan báo chí thực hiện chuyển đối số, đổi mới toàn diện hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội sẽ trở thành một trong các kênh truyền tải thông tin tuyên truyền chủ lực trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, khi so sánh với cách làm CNTT, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải thích ứng dụng CNTT là cách làm dọc; trong đó tập trung số hóa các chức năng cũ của tổ chức, không đòi hỏi thay đổi nhiều về các quy trình hoặc vận hành của tổ chức. “Chuyển đổi số là số hóa theo chiều ngang, số hóa toàn bộ tổ chức và tiếp theo là thay đổi quy trình, cách vận hành của tổ chức. Do vậy, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ”, Bộ trưởng phân tích.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng |
Như mọi lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong báo chí cần bắt đầu từ việc nhận thức, làm rõ vai trò và lợi ích của quá trình đổi mới nhằm tạo sự đồng bộ trong các cơ quan báo chí từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các phóng viên, biên tập viên. Trên cơ sở nắm rõ nội dung, người đứng đầu các tòa soạn hình thành kế hoạch chuyển đổi phù hợp với điều kiện, tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình.
Ngoài ra, để có nguồn nhân lực cho những tòa soạn chuyển đổi số, các cơ quan báo chí phải tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng phóng viên có khả năng nắm vững công nghệ tác nghiệp trên nền tảng số.
Ông Vũ Kiều Minh cho biết: “Hàng tuần chúng tôi tổ chức đào tạo, nâng cấp, tập huấn, thậm chí mời cả giảng viên Học viện Báo chí sang giảng dạy. Hiện nay, nhờ có mạng xã hội như facebook, chúng có thể dễ dàng quản lý, trao đổi trên các nhóm của Facebook, Zalo”.
Tất cả những điều kiện đó sẽ giúp các cơ quan báo chí tồn tại, có tính cạnh tranh, sáng tạo và phát triển phù hợp để không bị bỏ lại phía sau trong xu thế chung của toàn cầu.
Dai-ichi Life Việt Nam đạt danh hiệu Top 3 nơi làm việc tốt nhất ngành Bảo hiểm |
Grab ra mắt thẻ quà tặng GrabGifts |
RMIT Việt Nam tập trung mạnh vào STEM |
Người khuyết tật tại Việt Nam tìm hiểu thông tin vắc-xin COVID-19 |