Báo chí phát huy vai trò, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa Gìn giữ văn hóa Mường tại huyện Thạch Thất Tổng kết chương trình trao đổi, giao lưu văn hoá, giáo dục Hà Nội - Fukuoka 2023 |
Hội nghị diễn ra chiều 14/8 tại Hà Nội với sự tham dự của đồng chí Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng đông đảo phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí thuộc thành phố Hà Nội.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ văn hóa
Trong Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện điều này, tháng 9/2016, Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, ngành công nghiệp văn hóa ngày càng góp phần quan trọng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ văn hóa.
Đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Sau 2 năm, ngành công nghiệp văn hóa đạt 3,61% GDP. Những chuyển động tích cực của Việt Nam ghi nhận được khi xây dựng công nghiệp văn hóa đã hình thành rõ rệt. Đó là sự thay đổi trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về vai trò và vị trí của ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế.
Hệ thống đường lối, chủ trương chiến lược, luật pháp, chính sách từng bước quy định xác lập cơ chế vận hành, điều chỉnh chức năng, mục tiêu, phương thức hoạt động, quan hệ lợi ích của các tổ chức, chủ thể kinh tế nằm trong chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm công nghiệp văn hóa theo hướng tiến tới xác lập đồng bộ với các yếu tố thị trường hiện đại.
Bên cạnh đó, các hình thức hợp tác dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản... ngày càng trở nên phổ biến. Việt Nam cũng ưu tiên chính sách trong khi ký kết các văn bản hợp tác trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như giữa Việt Nam và các nước, tổ chức đối tác khác.
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày tại hội nghị |
Như vậy, phát triển công nghiệp văn hóa là con đường để thúc đẩy "Văn hóa là một trụ cột của phát triển". Công nghiệp văn hóa đang tạo ra sức mạnh mềm văn hóa thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của đất nước.
Bên cạnh những tồn tại cần khắc phục, PTS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cung cấp tới hội nghị một số giải pháp cho hiện tại và tương lai. Trong đó có việc hình thành hệ sinh thái văn hóa sáng tạo thông qua mô hình hợp tác "3 nhà". Đó là Nhà nước cung cấp cơ sở pháp lý, hạ tầng; Nhà đầu tư tập trung nguồn lực và Nhà sáng tạo kích hoạt sáng tạo.
Xây dựng Hà Nội phát triển bền vững
Là một trong 3 thành phố được lựa chọn trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, Hà Nội tiên phong ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Nghị quyết tập trung tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường; Đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; Hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Đông đảo phóng viên, nhà báo công tác tại các cơ quan báo chí của Hà Nội tham dự hội nghị |
Trước đó, ngày 30/10/2019, Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo thế giới. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, đây là bước đột phá để Hà Nội thực hiện các mục tiêu về phát triển văn hóa của mình.
Hà Nội đang nỗ lực tập trung nguồn lực thực hiện nhiều nhóm chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là: Chương trình 06-CTr/TƯ của Thành ủy Hà Nội khóa XII; Đề án đô thị thông minh; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin lấy con người làm trung tâm; Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và các chính sách hỗ trợ, phát triển làng nghề, cũng như bảo tồn di sản, hướng tới theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững; Hồ sơ thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới UCNN ở lĩnh vực thiết kế.
Năm 2018, công nghiệp văn hóa đóng góp 3,7% tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố. Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố. Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa trở thành ngành mũi nhọn, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP.
Sau 3 năm triển khai thực hiện chiến lược, thực tế cho thấy Hà Nội có thể vượt xa ngoài mục tiêu ban đầu, trở thành Thành phố thiết kế sáng tạo.
Tham gia hệ thống mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO ở hạng mục thiết kế sáng tạo là lựa chọn phù hợp với xu thế chung của thế giới, thời đại và phù hợp với tầm nhìn, khát vọng Thăng Long của Hà Nội từ nghìn năm trước.
Chiến lược thành phố thông minh đã, đang tạo ra các cơ hội thuận lợi để thiết kế sáng tạo trở thành tác nhân đưa Hà Nội trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa, trung tâm thiết kế sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.
Bởi Hà Nội có những cơ hội vô cùng tốt đẹp như: Lực lượng lao động dồi dào, tỷ lệ lao động trẻ chiếm 52,7 % (2018); Kinh tế phát triển mạnh mẽ (GRDP) đạt 39 42 tỷ đô la Mỹ năm 2018, hội tụ 254.672 nghìn doanh nghiệp. Thành phố có thiết chế giáo dục giàu tiềm năng với nhiều trường đại học và hàng loạt trung tâm nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực.
Hà Nội có cơ sở văn hóa xứng tầm thế giới: 5.922 di sản văn hóa vật thể và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 70 không gian sáng tạo, 42 bảo tàng, 54 thư viện, 18 nhà hát và 43 rạp chiếu phim, 40 gallery.
Hà Nội cũng là Thủ đô duy nhất trên thế giới hội tụ 1.350 làng nghề truyền thống cung cấp nguồn sinh kế của khoảng một triệu người.
Nơi đây cũng có năng lực kết nối quốc tế mạnh: Tập trung các Đại sứ quán, hợp tác chính thức với hơn 50 thành phố trên thế giới.
Bởi vậy, Hà Nội sẽ sử dụng sáng tạo như một động lực phát triển bền vững. Để làm được điều đó, Hà Nội đưa ra các sáng kiến. Ở cấp địa phương là: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội.
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội (Ảnh minh họa) |
Sáng kiến ở cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; Diễn đàn mạng lưới Các thành phố sáng tạo Đông Nam Á; Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ.
Tác động của Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các sáng kiến đã ươm mầm các ý tưởng dẫn đến sự phát triển tài năng thiết kế sáng tạo; Ứng dụng công nghệ cao, tạo dựng cơ sở hạ tầng cho các hoạt động thiết kế sáng tạo; Nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống; Mở rộng nguồn sinh kế cho các cộng đồng có liên quan; Tạo môi trường, không gian tương tác giữa các nhóm thực hành sáng tạo, kết nối nghệ sỹ và công chúng; Tổ chức các sự kiện, diễn đàn mang tầm cỡ quốc tế về thiết kế sáng tạo.
Phát huy vai trò của báo chí trong mục tiêu chung
Tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng nhấn mạnh về vai trò, sức mạnh của báo chí trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Bởi lẽ, báo chí là một phần của công nghiệp văn hóa. Báo chí vừa là một phần của chuỗi sáng tạo vừa là kênh truyền dẫn tác động đa chiều trong hoạt động sáng tạo công nghiệp văn hóa.
Báo chí truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi hoạt động sáng tạo phân phối, quảng bá, bảo vệ bản quyền, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa; Phản ánh, thông tin, tôn vinh, lan tỏa, kết nối các chủ thể sáng tạo trong việc nhận diện, tìm kiếm các giải pháp tạo sự chuyển động của các ngành công nghiệp văn hóa nói chung, Hà Nội nói riêng.
Đặc biệt, báo chí cũng đóng vai trò phản biện những mặt được và chưa được trong mục tiêu chung về phát triển văn hóa của thành phố. Điều này tạo nên bức tranh toàn cảnh của công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội.
Báo chí đóng góp vào việc quảng bá hình ảnh Hà Nội, giới thiệu hình ảnh thành phố hòa bình tới cộng đồng; Thúc đẩy phát triển nghệ thuật, văn hóa, du lịch và góp phần tăng trưởng kinh tế từ các hoạt động văn hóa (Ảnh minh họa) |
Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong các hoạt động sáng tạo của Hà Nội từ khi gia nhập Thành phố thiết kế sáng tạo từ năm 2019 đến nay có một phần đóng góp quan trọng của báo chí.
Báo chí truyền thông nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chủ thể sáng tạo tại Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ thành viên khi tham gia Thành phố thiết kế sáng tạo. Đó là việc triển khai các hoạt động phù hợp với tuyên bố sứ mệnh và khuôn khổ chiến lược của mạng lưới, vạch ra tầm nhìn chung và các mục tiêu chung của Thành phố thiết kế sáng tạo.
ben cạnh đó, truyền thông cũng thúc đẩy việc xây dựng được cụ thể báo cáo bốn năm một lần về việc thực hiện kế hoạch hành động được trình bày trong hồ sơ ứng cử, nhằm ghi lại những thành tựu chính và đề xuất các sáng kiến chiến lược trung hạn trong tương lai.
Hà Nội tham gia vào Hội nghị thường niên của Thành phố thiết kế sáng tạo, cuộc họp chiến lược lớn của mạng lưới; Từ đó cân nhắc hỗ trợ tài chính cho Mạng lưới thông qua cơ chế đóng góp tài chính của mạng lưới thành phố sáng tạo tùy theo tình hình và khả năng tài chính của thành phố thành viên.
Tiếp đó, thành phố tham gia vào các hoạt động của tiểu mạng lưới dựa trên thiết kế và 6 lĩnh vực sáng tạo, bao gồm cả cuộc họp thường niên của tiểu mạng lưới và cân nhắc đăng ký nhóm chỉ đạo phụ trách điều phối các thành phố thành viên trong lĩnh vực sáng tạo và liên lạc với Ban thư ký UNESCO.
Từ sự kết nối của báo chí truyền thông, giải pháp hình thành hệ sinh thái văn hóa sáng tạo thông qua mô hình hợp tác "3 nhà" đã được lan tỏa.
Do đó, báo chí cần phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. "Hà Nội với sức mạnh nội tại và khát vọng ngàn đời; Bên trong mỗi người Hà Nội có quyết tâm vô cùng mạnh mẽ đồng thời có tính kết nối để thôi thúc thực hiện thành công các khát vọng của mình. Tôi tin rằng, sự vào cuộc nhiệt tình của báo chí sẽ là chất xúc tác để mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa sớm thành hiện thực", PTS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng trao đổi với phóng viên các báo và gợi ý những đề tài báo chí có thể triển khai trong thời gian tới nhằm tham gia tích cực và thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.