Báo chí với doanh nghiệp: Đồng hành cùng phát triển, sẻ chia lúc khó khăn
Báo chí luôn là “người bạn” đồng hành của doanh nghiệp
Hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã càn quét toàn cầu cùng với những biến động địa chính trị khó lường trên thế giới đã gây ra những tổn thất hết sức nặng nề đến nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp là chủ thể chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Tuy nhiên, gian nan mới tỏ mặt anh hào, nhờ sự vào cuộc hỗ trợ quyết liệt của Đảng, Nhà nước cùng với sự đồng hành của cơ quan báo chí trong việc thông tin tuyên truyền các chính sách, định hướng thương hiệu nên các doanh nghiệp đã tạm vượt qua được muôn vàn khó khăn, thách thức, tiếp tục trụ vững để phát triển sản xuất, kinh doanh, thắp sáng niềm tin về sự phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế.
Nói như vậy để thấy được vai trò rất quan trọng của báo chí với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung, bởi thực tế, sự phát triển của doanh nghiệp, chính là sự phát triển của nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp mạnh, kinh tế đất nước phát triển, chính vì vậy, việc thông tin tuyên truyền về doanh nghiệp trên báo chí không chỉ là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các tờ báo mà trên nữa là tinh thần tương hỗ như một đôi bạn đồng hành.
Khi doanh nghiệp phát triển, một phần dựa vào cơ chế chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực phát huy vào sức mạnh nội tại của họ, nhưng một phần rất quan trọng khác đó là sự ủng hộ tuyên truyền của báo chí. Có thể nói chưa bao giờ doanh nghiệp nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ báo chí như hiện nay, không chỉ có các tờ báo chuyên về kinh tế viết bài đưa tin phản ánh về doanh nghiệp, mà cả các tờ báo về chính trị đều có chuyên mục về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân.
Thực tế, thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến không ít doanh nghiệp phải lâm cảnh khốn cùng, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người tiêu dùng.
Ông Trần Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings |
Theo ông Trần Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, với vai trò là cầu nối, báo chí vừa tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân, trong tuyên truyền phát triển kinh tế, vừa phát hiện, biểu dương doanh nghiệp có những cách làm mới sáng tạo, những kinh nghiệm tốt, doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, đất nước. Đồng thời, báo chí đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến nền kinh tế vĩ mô.
“Cùng với việc phản ánh hoạt động của doanh nghiệp nhằm thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, báo chí cũng đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, phản biện và đưa những chính sách của Nhà nước đến với doanh nghiệp nhanh và hiệu quả hơn. Do đó, báo chí cần phải phát huy hơn nữa vai trò cầu nối của mình”, ông Trần Hồng Phúc chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, theo ông Phúc, doanh nghiệp cần có báo chí, truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, để động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp và người lao động.
Cũng theo ông Phúc, báo chí và doanh nghiệp phải xem nhau như bạn đồng hành, là người bạn tri kỷ chia sẻ với nhau những khó khăn, phân tích đúng sai của nhau để tìm hướng tốt hơn. Nếu các doanh nghiệp là điển hình tốt thì tuyên truyền ủng hộ, còn nếu là doanh nghiệp yếu kém có nhiều hạn chế thì chia sẻ để rút kinh nghiệm, tránh không vấp phải tiêu cực, phát triển hiệu quả hơn, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.
“Là doanh nghiệp hay bất cứ chủ thể nào khi hoạt động đều không tránh khỏi những va vấp, khó khăn. Những lúc đó chúng tôi cần đến sự sẻ chia của báo chí để cùng tìm ra được những hướng đi mới hiệu quả, với tinh thần thượng tôn pháp luật. Ở chiều ngược lại, khi doanh nghiệp phát triển thì cũng sẽ có những chương trình hợp tác tài trợ, hỗ trợ đóng góp vào nguồn thu của cơ quan báo chí để duy trì hoạt động, vận hành và phát triển. Vừa rồi, cơ quan chức năng xử lý sai phạm của lãnh đạo một số doanh nghiệp nhưng đó là vi phạm của các cá nhân, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giúp họ sớm vượt qua khủng hoảng”, ông Phúc chia sẻ thêm.
Cùng nhau gắn kết, xóa mờ những khoảng cách
Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xuất hiện những khoảng cách bởi có những lúc cả hai chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc APEC Group, báo chí là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chính vì vậy, báo chí phải làm tốt vai trò truyền đạt cũng như định hướng thông tin tư tưởng của mình, mà vai trò này lại rất quan trọng với xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc APEC Group |
"Mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí và doanh nghiệp luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. Báo chí tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, còn doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế. Bởi vậy, không chỉ bảo vệ doanh nghiệp, báo chí còn hiến kế cùng doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách thể chế", ông Huy chia sẻ.
Ông Huy cho biết, báo chí là cơ quan phản ánh thông tin khách quan, trung thực về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp; Phổ biến pháp luật, chính sách chế độ để giúp doanh nghiệp thấu hiểu, thực hiện hoạt động kinh doanh theo pháp luật.
“Ngoài chức năng thông tin, báo chí còn là cơ quan giám sát, cảnh báo sớm cho doanh nghiệp; Trong quá trình kinh doanh cần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Cùng với đó, báo chí cũng là cơ quan truyền thông hiệu quả cho doanh nghiệp về thông điệp kinh doanh, quảng bá sản phẩm để khách hàng, xã hội biết đến sử dụng và trải nghiệm”, ông Nguyễn Quang Huy nói.
Cũng theo ông Huy, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp là đối tượng cung cấp chất liệu thông tin đa dạng cho báo chí để các chuyên gia phân tích, phản ánh kịp thời tới độc giả và cũng là đối tác đồng hành trong các hoạt động của cơ quan báo chí với phương châm “minh bạch, khách quan, kịp thời, thượng tôn pháp luật”.
Bên cạnh mối quan hệ mật thiết, ông Huy cũng thừa nhận ở đâu đó giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn xuất hiện khoảng cách cần xóa mờ. Bởi vẫn còn có tình trạng một số bài báo tập trung phê phán, trù dập gây bất lợi cho doanh nghiệp, thay vì cùng nhau tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
“Quan trọng nhất là sự cảm thông, chia sẻ để cùng nhau đứng vững trên thương trường. Những cái nào sai, doanh nghiệp sẵn sàng ghi nhận để tiếp thu, sửa chữa với tinh thần chấp hành pháp luật; Đúng thì biểu dương ủng hộ để doanh nghiệp có động lực tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Huy nói.
Hiện nay, nhiều tờ báo đều có trang hoặc chuyên mục về kinh tế. Với những báo, tạp chí chuyên về kinh tế, chuyên mục này được phản ánh, tuyên truyền khá tốt. Tuy nhiên còn không ít tờ báo, tạp chí không chuyên viết về kinh tế thì có lúc thông tin, tuyên truyền phát triển doanh nghiệp bị thiên lệch, chỉ nhấn mạnh đến mặt này mà không chú ý đến mặt khác.
Do đó, để khắc phục tình trạng trên, theo ông Huy, trước hết cơ quan chủ quản cần xác định rõ mục đích tôn chỉ của cơ quan báo chí, trên cơ sở đó, chỉ đạo cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch thống nhất cân đối giữa các chủ đề thông tin, tuyên truyền để làm sao hiệu quả cho cả cơ quan báo chí và doanh nghiệp.
Cùng với đó, để phải làm tốt vai trò định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội, báo chí cần không ngừng đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Mặt khác, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cũng cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, tạo mọi điều kiện để báo chí hoạt động có chất lượng và hiệu quả.