Bảo hiểm sẽ đền bù cho các xe hư hỏng do barrier tại các trạm ETC nếu có bằng chứng
Hình thức thu phí ETC được biết đến với nhiều ưu điểm và lợi thế, khắc phục hoàn toàn các bất cập của hình thức thu phí thủ công. Đồng thời góp phần hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thuận tiện cho chủ phương tiện, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, tăng cường tính công khai minh bạch trong thu phí BOT, tạo niềm tin cho người sử dụng dịch vụ,… .
Tuy nhiên, do hệ thống vẫn còn một số lỗi nhỏ khiến nhiều ô tô khi đi vào làn ETC gặp sự cố, gây bức xúc cho các tài xế. Cụ thể, xe ô tô mặc dù đã dán thẻ và trong tài khoản còn tiền nhưng barie tự động không mở khiến các phương tiện gặp khó khăn trong di chuyển.
Hơn nữa, có những xe khi đi qua thì bị barie tự động đóng xuống, đập thẳng vào nắp capo hay kính chắn gió phía trước. Tình trạng này gây ra bức xúc cho các tài xế và việc đền bù thiệt hại, sửa chữa xe sau va chạm với thanh chắn đang rất được quan tâm.
Trước vấn đề này, ông Xuân Đăng - Phó phòng kinh doanh tại một công ty bảo hiểm lớn tại Việt Nam - cho biết những trường hợp "bất khả kháng" sẽ được bảo hiểm xem xét và đền bù.
Các xe bị hư hại do barrier tại các trạm ETC sẽ được bảo hiểm thanh toán ứng trước tiền sửa chữa nếu xe đã mua bảo hiểm vật chất. Sau đó đơn vị vận hành thu phí sẽ chi trả bù lại cho doanh nghiệp bảo hiểm theo nguyên tắc thế quyền.
Trong trường hợp barrier chưa mở nhưng chủ phương tiện vẫn điều khiển xe ở vận tốc bình thường, nếu xảy ra va chạm, bảo hiểm vẫn sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Còn khi ô tô đang đi qua mà barrier bất ngờ đóng xuống gây thiệt hại về xe thì đơn vị chịu trách nhiệm sẽ là cơ quan vận hành barrier.
Nếu chủ xe có hành vi cố ý gây hư hỏng phương tiện, có nồng độ cồn trong máu và khí thở vượt mức quy định hay sử dụng chất kích thích hoặc các chất cấm theo quy định của nhà nước thì bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm đền bù.
Ngoài ra, sau khi bồi thường tổn thất cho chủ phương tiện, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu phía chủ xe ký hồ sơ thế quyền để làm việc với cơ quan vận hành barrier, góp phần bù đắp phần tài chính đã bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự cố.
"Nếu có thể, công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và chủ phương tiện áp dụng nguyên tắc thế quyền. Tuy nhiên, chủ phương tiện cần minh chứng được sự cố xảy ra do lỗi từ phía đơn vị vận hành barie, ví dụ như video quay từ camera hành trình", ông Đăng cho biết.
"Nếu công ty bảo hiểm chấp nhận bồi thường cho trường hợp này thì chủ xe phải ký hồ sơ thế quyền để công ty bảo hiểm yêu cầu cơ quan vận hành barrier đó bồi hoàn cho họ chi phí họ đã bồi thường cho chủ xe", vị này nói thêm.
Mặc dù hiện tại chưa có văn bản nào quy định từ chối đền bù đối với các phương tiện gặp hư hỏng do va chạm với barrier tại các trạm thu phí. Song, chủ phương tiện cần mua trước các gói bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm ô tô để được đền bù đúng theo quy định.
Theo ông Đăng, mức độ bồi thường thiệt hại sẽ có sự khác biệt dựa theo điều kiện và quy định trong hợp đồng của từng công ty bảo hiểm.
Để tránh những thiệt hại không mong muốn, các chủ phương tiện khi đi qua trạm thu phí không dừng cần thực hiện đúng theo hướng dẫn từ các nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã đưa ra lời khuyên cho các phương tiện khi qua trạm thu phí không dừng nên đảm bảo vận tốc ở mức khoảng 30 km/h.
Thêm nữa là các tài xế không nên điều khiển xe nối đuôi nhau, gây khó khăn cho việc đọc thẻ định danh từ hệ thống nhận diện phương tiện. Khoảng cách an toàn “lý tưởng” giữa 2 xe là từ 3 m đến 5 m.
Trước khi bắt đầu hành trình, các tài xế cũng cần kiểm tra số dư thẻ ETC để đảm bảo tài khoản vẫn còn đủ tiền thanh toán. Hiện nay, hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VDTC và VETC đều có tính năng thông báo khi số dư thẻ dưới 100.000 đồng, giúp người dùng kịp thời nắm bắt tình trạng số dư trong thẻ ETC.