Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tích lũy khi trẻ, vui khỏe khi già
Giúp người dân hiểu đúng về ý nghĩa của bảo hiểm xã hội
Với chủ đề truyền thông “Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tích lũy khi trẻ - vui khỏe khi già", lễ ra quân là một trong những hoạt động truyền thông cao điểm, theo chiến dịch phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình trên địa bàn Thủ đô.
Qua đó, giúp người dân hiểu đúng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm y tế hộ gia đình; truyền thông về quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Lễ ra quân lần này hướng đến nhóm đối tượng là người dân không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với độ tuổi từ 20 đến trên 50 tại địa bàn Thủ đô.
Tham gia lễ ra quân, các cán bộ, công chức, viên chức của Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã tuyên truyền, vận động trực tiếp tới nhiều đối tượng khác nhau. Cụ thể là hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, người buôn bán nhỏ; người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người nhận khoán đất, khoán rừng; người có việc làm thường xuyên tại các làng nghề truyền thống; người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động.
Lễ ra quân lần này hướng đến nhóm đối tượng là người dân không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với độ tuổi từ 20 đến trên 50 tại địa bàn Thủ đô |
Các cán bộ, công chức, viên chức cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tại các xã Nông thôn mới; học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; lao động tự do; người không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí do đã hoàn thành chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.…
Các nội dung truyền thông chủ yếu tập trung về quyền và lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế những rủi ro khi không tham gia. Từ đó, thay đổi thói quen của người dân từ hình thức tự dành dụm, tiết kiệm cá nhân để phòng thân sang chủ động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để về già có lương hưu hằng tháng và được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí, góp phần thực hiện lộ trình bảo hiểm xã hội toàn dân.
Tính đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn Hà Nội có hơn 79 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; chiếm 1,85% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 7,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 93,38% dân số.
Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình được quan tâm. Riêng 10 tháng năm 2023, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố đã phục vụ gần 10,4 triệu lượt bệnh nhân (hơn 8,7 triệu lượt người điều trị ngoại trú, gần 1,7 triệu người điều trị nội trú).
So với cùng kỳ năm 2022, số lượng bệnh nhân bảo hiểm y tế tăng 18,7%; số chi bảo hiểm y tế trong thời gian này là hơn 18.323 tỷ đồng, tăng 17%, tương ứng với số tiền gần 2.665 tỷ đồng.
Trung bình mỗi lượt bệnh nhân bảo hiểm y tế điều trị nội trú được chi trả hơn 7,8 triệu đồng, mỗi lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú được chi trả hơn 60.000 đồng, cao hơn nhiều so với mức chi trung bình của cả nước.
Trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5% dân số trở lên.
Tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đối với Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đây là chính sách an sinh xã hội nhân văn của Nhà nước tổ chức thực hiện, được triển khai từ ngày 1/1/2008 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2006.
Sau hơn 15 năm triển khai, chính sách đã có được những kết quả tích cực. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến hết tháng 10 năm nay cho thấy, số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên cả nước đạt khoảng 1,503 triệu người.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội nhân văn của Nhà nước tổ chức thực hiện |
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, một số nhóm đối tượng sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, mức hỗ cụ thể từ ngân sách là: 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ mức đóng cho người tham gia tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).
Hiện nay, người lao động tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình lên Quốc hội có đề xuất người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp điều kiện phát triển kinh tế xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Việc bổ sung chế độ thai sản vào bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách này, thu hút sự tham gia của người lao động, nhất là nhóm lao động trẻ tuổi.