Bảo hiểm y tế san sẻ gánh nặng viện phí cho bệnh nhân nghèo
“Chiếc phao cứu sinh” của bệnh nhân nghèo
Với những người mắc bệnh về máu phải điều trị suốt đời, chi phí vô cùng tốn kém như: Thalassemia, Hemophilia… tấm thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) như chiếc “phao cứu sinh” để bệnh nhân được tiếp tục sống. Bởi với chi phí điều trị cao như những căn bệnh này nếu phải tự bỏ tiền túi chắc chắn đa số bệnh nhân nghèo sẽ phải bỏ cuộc.
Có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vào một buổi chiều muộn, trái với không khí nhộn nhịp, hối hả của phố phường Hà Nội, gương mặt của những người thân đi chăm bệnh nhân đang nằm điều trị ở viện thoáng chút đượm buồn, sốt ruột vì bệnh tật, hoàn cảnh và những ngày tháng ròng rã phải nằm viện điều trị của thân nhân.
Bà Vũ Thị Mai, mẹ của bệnh nhân N.V. Đạt (21 tuổi, quê ở Thái Nguyên) chia sẻ: “Con trai tôi không may mắc bệnh về máu nên phải nằm viện điều trị gần một tháng. Đang tuổi ăn, tuổi làm bỗng dưng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, gia đình vốn đã khó khăn nay lại mất đi hai lao động chính nên nguồn thu nhập giảm đáng kể.
Những người thân đi chăm bệnh nhân đang nằm điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương |
Cũng may, trước đó chúng tôi có tham gia BHYT hộ gia đình nên mọi chi phí khám, điều trị bệnh được san sẻ phần nhiều. Nếu không, tôi e rằng gia đình không đủ khả năng cho con trai tôi tiếp tục điều trị vì chi phí điều trị căn bệnh này rất tốn kém, lên tới hàng trăm triệu đồng”, bà Mai buồn rầu chia sẻ.
Theo bà Mai, hiện tại, vì để dành tiền cho quá trình điều trị lâu dài của con nên bà không thuê trọ bên ngoài mà chỉ mượn tạm hành lang hoặc cầu thang của bệnh viện để nghỉ ngơi mỗi tối, cũng tiện chăm sóc con trai. Chi tiêu chủ yếu hằng ngày là ba bữa ăn cho hai người, lâu lâu chi trả thêm tiền thuốc điều trị nên cũng đỡ áp lực kinh tế.
Cùng chung hoàn cảnh như bà Mai, bà Nguyễn Thị Lan, mẹ bệnh nhân Đ.T. Ngọc (27 tuổi, ở Phú Thọ) cũng đang chăm sóc con gái nằm điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Gương mặt thoáng nét buồn, bà Lan chia sẻ: “Con gái tôi đã lập gia đình và có hai đứa con rất kháu khỉnh, đáng yêu. Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi con gái hay tin nó mắc bệnh về máu. Ngày con gái tôi biết tin bị bệnh, gia đình nội ngoại hai bên sốc lắm, con bé lại càng buồn hơn.
Từ tháng 7/2020 đến nay, hai mẹ con tôi bám trụ ở viện để điều trị. Hai đứa con nhỏ nhờ bà nội chăm sóc, chồng nó thì đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cũng may, con gái tôi đi làm công nhân, có đóng BHYT nên nằm viện đỡ được gánh nặng chi phí thuốc men. Nếu không có bảo hiểm, gia đình tôi không biết làm thế nào để con tiếp tục điều trị với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng”.
Nhờ có tấm thẻ BHYT, nhiều bệnh nhân thoát khỏi gánh lo viện phí để tiếp tục điều trị |
Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là cơ sở chuyên khoa hàng đầu cả nước về khám chữa, điều trị bệnh máu. Mỗi ngày, viện điều trị nội trú cho khoảng 1.200 - 1.300 bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân đang được điều trị tại viện đều là những ca bệnh nặng, chi phí tốn kém trong thời gian dài. Do đó, nếu không có thẻ BHYT đồng hành, san sẻ gánh nặng viện phí, có lẽ nhiều bệnh nhân sẽ không có đủ khả năng để điều trị.
"Người bạn" đồng hành của người bệnh
Có thể thấy rằng, với các bệnh nhân mắc bệnh về máu, chi phí điều trị rất tốn kém, lại kéo dài suốt đời, tấm thẻ BHYT là cơ hội để họ duy trì cuộc sống và sống khoẻ mạnh. Nhờ chiếc thẻ BHYT, nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh nợ nần do chi phí điều trị quá lớn.
Chia sẻ về ý nghĩa của tấm thẻ BHYT đối với những bệnh nhân mắc bệnh về máu, TS. BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Việt Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: Với bệnh nhân Hemophilia, nhất là bệnh nhân thể nặng, để giảm thiểu các biến chứng do chảy máu gây ra, giảm nguy cơ biến chứng lâu dài, người bệnh cần được điều trị định kỳ bổ sung các yếu tố đông máu thiếu hụt để hạn chế tối đa chảy máu tự nhiên. Nhất là với các trường hợp kháng thuốc, việc điều trị còn khó khăn hơn nhiều và chi phí cũng rất lớn.
Với các bệnh nhân không may mắc bệnh, chi phí điều trị rất tốn kém tấm thẻ BHYT là cơ hội để họ duy trì cuộc sống và sống khoẻ mạnh |
Đã có những trường hợp kháng thuốc phải sử dụng các chế phẩm thay thế “đường tắt” vô cùng đắt đỏ, tới vài trăm triệu mỗi đợt điều trị và phải kéo dài. Trung bình mỗi đợt điều trị nhẹ của bệnh nhân cũng mất vài chục triệu đồng, có những trường hợp còn lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí lên tới cả tỷ đồng.
“Nếu không có BHYT thì những bệnh nhân mắc bệnh nặng về máu không thể sống được. Bởi vì chi phí quá lớn mà điều trị kéo dài như vậy, không gia đình nào có thể tự gánh vác. Nhờ chính sách ưu việt của BHYT, người bệnh đã được tiếp cận điều trị”, TS. BS Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh.
Cũng theo BS Mai, quá trình điều trị cho thấy không phải những bệnh nhân mắc bệnh mới cần BHYT mà tất cả người dân trong xã hội đều cần. Người bình thường sẽ không biết được có thể khỏe mạnh đến lúc nào, khi nào ốm đau. Nếu không may bị bệnh mới đi mua BHYT thì sẽ không thể kịp thời trong việc chữa trị cho mình.
Bên cạnh đó, khi người dân mua BHYT cũng là đóng góp được một phần rất nhỏ để hỗ trợ cho những người không may bị bệnh có thể được hưởng quyền lợi. Bởi nếu có nhiều người tham gia thì BHYT cũng sẽ có nguồn lợi, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho những người mắc bệnh. Vì vậy, tất cả người dân đều nên mua BHYT để có dự phòng cho mình và hỗ trợ những người khác.
“Hiện nay gần như tất cả các bệnh lý về máu đã được BHYT chi trả. Chúng tôi mong muốn ngành BHXH phối hợp với các đơn vị liên quan tìm ra tiếng nói chung trong việc sử dụng nguồn lực đó cho hiệu quả. Các bệnh viện cũng chủ động trong sử dụng nguồn lực này một cách kịp thời, giúp việc điều trị cho bệnh nhân tốt nhất”, TS. BS Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Với những giá trị mà tấm thẻ BHYT đem lại đã thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Đây là một chính sách an sinh xã hội rất hữu hiệu đối với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp. BHYT càng thể hiện rõ hơn hiệu quả kinh tế đối với những người bệnh nghèo. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu, nghèo; Giúp đối tượng nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình.