Bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi
Kịp thời nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của thời tiết thiên tai cực đoan, mực nước các sông tại Hà Nội hiện nay đang ở mức cao. Cụ thể, mực nước trên sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc đang ở mức báo động lũ cấp III; tại trạm Kim Quan ở mức báo động II.
Còn trên sông Đáy, mực nước tại trạm Ba Thá đang ở mức báo động I; sông Bùi tại trạm Yên Duyệt đang ở mức báo động III. Sông Nhuệ tại trạm Đồng Quan đang ở mức báo động I... Nhiều vị trí trên địa bàn thành phố đang ngập úng cục bộ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Hà Đông, Sơn Tây; các công ty thủy lợi... tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị dụng cụ, vật tư, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, lũ năm 2024; bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình...
Huyện Chương Mỹ huy động lực lượng chống tràn đê sông Bùi. Ảnh: Bảo Châu |
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, tăng cường theo dõi thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố; kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm, xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sập đổ công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Cùng với việc trên, các đơn vị, địa phương đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công các công trình dự án, đặc biệt là các cống qua đê, các công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai; triển khai các phương án ứng phó thiên tai, bảo vệ công trình trong mùa lũ, bão năm 2024; kiểm tra, rà soát việc tổ chức lực lượng và thực tế triển khai công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn thành phố; kiểm soát các phương tiện cơ giới đi trên đê theo quy định đặc biệt nghiêm cấm các xe vượt quá tải trọng cho phép...
Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp nhận định: Từ tháng 7 đến tháng 9, thành phố Hà Nội có khả năng ảnh hưởng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; 3-5 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trên các sông có khả năng xuất hiện 5-8 trận lũ với biên độ lũ lên 1-3m.
“Từ tháng 7 đến tháng 9 là thời kỳ lũ chính vụ. Do vậy, trên các sông chảy qua địa phận thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều trận lũ có thể đe dọa an toàn hệ thống đê điều”, ông Nguyễn Văn Hiệp cảnh báo.
Để bảo đảm an toàn các tuyến đê trong mùa mưa lũ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành công tác tu bổ đê điều, nhất là tại các vị trí, địa bàn trọng điểm, xung yếu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ)…
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn |
Thực hiện chỉ đạo trên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, đơn vị đã kiểm tra chất lượng vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê; chỉ đạo các hạt quản lý đê phát quang cây cối để kịp thời phát hiện sự cố trên đê.
Các địa phương có đê đã chuẩn bị vật tư dự phòng trên đê; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng canh đê, xung kích hộ đê…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên, huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch, hiệp đồng với các đơn vị công an, quân đội, huy động 5.552 cán bộ, chiến sĩ, 32 ô tô, 4 xuồng, 1 xà lan, 4 máy phát điện sẵn sàng ứng phó với từng tình huống thiên tai, sự cố đê điều, công trình thủy lợi có thể xảy ra trên địa bàn…
Còn Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho hay, huyện đã thành lập 2 đại đội xung kích tập trung gồm 300 người làm nhiệm vụ hộ đê, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các xã có đê chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư, bảo đảm mỗi điếm canh đê có 5m3 cát, 5m3 đá, 100 bao tải, 50kg rơm, 10m2 phên nứa, 10 cây tre... Các xã còn thành lập đội tuần tra, canh gác, bảo vệ đê với 12-18 người thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1/6 đến 31/10…
Thành phố Hà Nội đang bước vào thời kỳ lũ chính vụ. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch hộ đê đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.