Xử lý dứt điểm vi phạm, đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ
Xử lý nhiều trường hợp vi phạm đê điều
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có các sông lớn chảy qua như: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu và sông Cà Lồ. Do đó, để bảo đảm an toàn cho thành phố trong mùa mưa lũ, Hà Nội có một hệ thống đê dài hơn 626km được đầu tư xây dựng dọc theo các con sông, đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 209/579 phường, xã, thị trấn.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội sôi động tại các vùng ven đê, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai thời gian qua diễn biến phức tạp. Nhiều công trình, nhà ở, cây trồng, rào dậu nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều. Các hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi nhiều nơi không đúng quy định. Xe quá tải trọng đi trên đê gây hư hỏng mặt đê...
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố đã phát sinh 34 vụ vi phạm đê điều, đã xử lý 7 vụ. Các vi phạm đều được Hạt Quản lý đê lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và kịp thời chuyển đến cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý.
Vi phạm đê điều vẫn diễn biến phức tạp |
Tại quận Tây Hồ, để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ năm 2023, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã ra quân phá dỡ 117 lượt công trình với tổng diện tích 3.357 m2. Trong đó, phường Tứ Liên 44 trường hợp, phường Yên Phụ 35, phường Phú Thượng 23, phường Nhật Tân 15.
Ngoài việc xử lý vi phạm cũ, UBND quận yêu cầu UBND các phường có đất ngoài bãi ngăn chặn việc đổ thải, trồng 7 cọc bê tông ngăn chặn các phương tiện đổ trộm; Tổ chức lực lượng trực tại các chốt có lối đi ra khu vực bãi sông; Cắm các biển cấm hạn chế ô tô tại các tuyến đường khu vực ngoài đê và các biển thông báo tại khu vực đất công do phường quản lý.
Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa triệt để, còn một số trường hợp không chấp hành như: 4 trường hợp vi phạm tại khu tập thể F361, An Dương, Yên Phụ đã được nêu trong kết luận 5982/KL-TTTP ngày 20/12/2021 của Thanh tra thành phố Hà Nội; Một số trường hợp vi phạm đổ đất màu, san gạt, tôn tạo, nâng cốt nền khu vực bãi sông tại ngõ 264, 464 Âu Cơ phường Nhật Tân... Ngoài ngăn chặn, UBND quận yêu cầu UBND các phường khẩn trương xây dựng phương án đấu giá thuê đất phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa chống lấn chiếm, vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, mới có UBND phường Nhật Tân thực hiện được. Các phường Phú Thượng, Tứ Liên việc lập phương án đấu giá còn chậm.
UBND quận Tây Hồ cũng đã giao UBND các phường phối hợp với Hạt quản lý đê tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ, xử lý nghiêm, đầy đủ và ngăn chặn kịp thời không để phát sinh vi phạm mới; Đồng thời chỉ đạo công an phường và các bộ phận chức năng tăng cường công tác tuần tra địa bàn kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; Kiên quyết xử lý dứt điểm, triệt để các trường hợp vi phạm, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo quận thu hồi đối với các khu vực diện tích bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Xử lý dứt điểm vi phạm
Trước thực trạng các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô, tính chất ngày càng phức tạp, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản gửi chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc vi phạm đề nghị chỉ đạo, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật. Riêng đối với kết luận Thanh tra thành phố đã chỉ ra nhiều vi phạm về lĩnh vực đê điều, Chi cục đề nghị UBND các quận Tây Hồ, Hoàng Mai, các huyện Phúc Thọ, Thường Tín và Gia Lâm xây dựng kế hoạch, xử lý dứt điểm các vi phạm này.
Tuyến đê kiểu mẫu ở phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) |
Để tăng cường quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, địa phương tổng kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, đê điều đối với công trình xây dựng, lắp dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực bãi sông; Rà soát, phân loại, hoàn thiện hồ sơ xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng, đê điều ở khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều như: Xây dựng, lắp dựng công trình, lều lán, nhà xưởng, đổ chất thải, phế thải xây dựng, lấn chiếm lòng sông, bãi sông, phạm vi bảo vệ đê điều…; Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ đất bãi sông (đất công, đất nông nghiệp), không để xảy ra tình trạng mua bán, bao chiếm, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái pháp luật; Rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với các khu vực diện tích đất bãi sông, ven đê sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật…
Đồng thời, các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu thi công khắc phục sự cố, hư hỏng công trình đê điều xảy ra trên địa bàn; Đặc biệt quan tâm xử lý và tập trung nguồn lực để hoàn thành xử lý các sự cố đê điều đã xảy ra trong những mùa lũ, bão trước, kịp thời đưa công trình vào hoạt động chống lũ năm 2023…
Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp cơ quan liên quan tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê; Xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm, điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; Phối hợp, hiệp đồng với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được phê duyệt…