Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo Việt Nam theo quy định của pháp luật
Nhận thức rõ vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của biển, đảo nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm tới việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết tranh chấp trên biển và phát triển kinh tế biển.
Đặc biệt, ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, mở đầu một trang mới trong lịch sử tiến ra biển, thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên biển.Nghị quyết Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 5 phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thể hiện rõ: “Lập trường trước sau như một của Chính phủ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các tranh chấp khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Hiện nay, còn bốn vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cần phải giải quyết, đó là: Bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đảo An Bang
Việc giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình và ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trên biển Đông cần dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Trong quá trình tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các bên liên quan cùng nỗ lực duy trì ổn định, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trong đó có 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Các bên cũng cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC-2002; nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông (2012); tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (2012). Đồng thời, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Quan điểm của Việt Nam hết sức rõ ràng: Những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương; những vấn đề liên quan đến nhiều bên thì bàn bạc giữa các bên liên quan.
Trong giai đoạn hiện nay, việc bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc được kết hợp song song với phát triển kinh tế biển, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ quyền biển, đảo. Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.
Thực tế, thời gian qua, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, toàn hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động ủng hộ quân, dân Trường Sa có hiệu quả. Các cuộc vận động: "Nghĩa tình biên giới, hải đảo", "Góp đá xây Trường Sa", ''Quỹ vì Trường Sa thân yêu''; các chương trình "Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa", "Vì nghĩa tình biên giới hải, đảo", "Trường Sa xanh", hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương"… đã góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan, tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước đã tự nguyện hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng, góp phần đầu tư xây dựng hơn 40 công trình văn hóa, dân sinh, công trình kháng lực; đóng mới hơn 50 chiếc xuồng CQ, CV; mua sắm các trang bị, phương tiện phục vụ quân, dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.
Những công trình trên đã làm cho diện mạo, thế đứng của Trường Sa đổi thay từng ngày. Tạo cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền trong đấu tranh ngoại giao. Đồng thời, tạo niềm tin, chỗ dựa cho ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn, khai thác thủy hải sản, bám biển, bám ngư trường; góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình trên biển.
Để làm tốt công tác phối hợp trong giai đoạn mới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Quân chủng Hải quân đã thống nhất tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề có liên quan tới biển, đảo. Tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đối với ngư dân đánh bắt hải sản ngoài khơi, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Ngoài việc đẩy mạnh hỗ trợ người dân, Chính phủ cũng cần xem xét ưu tiên đầu tư cho các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, tìm kiếm cứu nạn để giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và đảm bảo an toàn trên biển, đảo.
Đặc biệt, chúng ta cần tập trung tuyên truyền cho nhân dân, nhất là lớp trẻ, để họ ngày càng hiểu rõ hơn về vai trò vị thế của biển, chủ quyền biển, đảo của đất nước, hiểu biết về lịch sử và pháp lý chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
* Đây là bài viết tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017