Bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số - Bài 2: Nỗi lo mang tên máy tính
![]() |
Đắm chìm với game, Facebook
Sau ngày tổng kết năm học, Nguyễn Ngọc Tùng, 12 tuổi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được bố mẹ cho xả hơi tùy theo sở thích một tuần. Vừa nhận được nhã ý của bố mẹ, cậu bé lớp 6 xin sử dụng máy tính. Giữ lời hứa với con trai, anh Nguyễn Ngọc Văn (bố của Tùng) chiều lòng và để cho cậu bé thoải mái. Song, anh bất ngờ khi thấy Tùng sử dụng máy tính cả ngày không phải để xem phim, đọc tin tức mà say sưa với game online.
![]() |
Thấy con trai mải mê đến bữa cơm cũng không muốn ăn, bị la mắng thì cậu ăn qua quýt cho xong, rồi lại vùi đầu vào máy tính, anh Văn tá hỏa, yêu cầu Tùng hạn chế sử dụng máy tính và thoát khỏi mấy trò game online. Anh Nguyễn Ngọc Văn bày tỏ: “Tôi rất bực mình khi con chơi game tập trung cao độ. Có khi tôi gọi mấy câu liền, con cũng không để ý, mà còn quên ăn, quên ngủ vì game. Nhìn thấy con trai như vậy, tôi vừa tức vừa lo lắng”.
Bị bố mẹ để ý, rồi cấm không được chơi game, Tùng nói dối ra ngoài đi với các bạn sinh hoạt hè. Ngày một, ngày hai, thấy cậu bé đi thường xuyên, lại hay xin tiền, anh Văn sinh nghi ngờ và âm thầm theo dõi con trai, thì bắt gặp Tùng cắm cúi chơi game ở quán internet. “Kéo con từ quán internet về nhà, dù đau lòng nhưng tôi vẫn phải cho “ăn roi” để chừa thói mải chơi game”, anh Văn nói.
Thời gian gần đây, chị Lê Hà Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) ngoài công việc bận rộn còn phát sinh thêm một nỗi lo lắng nữa. Đó chính là đứa con trai 10 tuổi nhà chị có vẻ bắt đầu quá mải mê với game bạo lực. Cậu bé mới hết lớp 4 nhưng hễ về đến nhà là tìm cớ lên phòng bật máy tính lén lút chơi game với toàn hình thù kì quái, người máy, súng đạn, gươm dao.
Đã nhiều lần chị Hà Trang bắt gặp con chơi game trên máy tính. Thậm chí chị đã “chỉnh đốn” bằng việc nhắc nhở, dọa nạt và đánh không tiếc tay nhưng cậu trai quý tử vẫn chỉ cai nghiện game được vài ngày là đâu lại vào đấy. Kể cả khi chị Trang cài đặt mật khẩu cho máy tính nhưng cậu con trai vẫn mò mẫm phá được. Bị mẹ la lắng nhiều, cậu bé 10 tuổi tự ra ngoài hàng internet, đói thì mua mì gói ăn tạm, mệt lả thì lăn ra ngủ ngay tại quán. Vừa qua, hai vợ chồng chị Trang đỏ mắt đi tìm con cả đêm và đưa cậu bé về trong tình trạng kiệt sức.
Lan Chi, 15 tuổi đắm chìm trong thế giới mạng ảo, kết bạn, chát chít với nhiều người lạ trên Facebook, Zalo. Lan Chi chia sẻ: “Em không thể sống thiếu Facebook. Những ngày đến trường, cứ hết giờ học, em lên Facebook ngay để chat với bạn. Nghỉ hè, không phải lo học bài nữa nên có nhiều thời gian hơn, em vào Facebook và Zalo từ máy vi tính. Một ngày em thường vào Facebook hơn 10 tiếng, rảnh lúc nào là vào ngay. Lên đó để chat với bạn bè và chia sẻ những cảm xúc của mình, đăng ảnh của bản thân cho mọi người cùng biết, cùng chung vui, khi nào buồn thì đăng để chia sẻ tâm trạng”.
Hậu quả khôn lường
Lan Chi cũng như nhiều bạn trẻ vị thành niên khác ham Facebook đến nỗi quên cả việc nhà. Không những thế, cô bé còn đang yêu thầm một người lạ mặt qua Facebook. Mỗi ngày cô đều đợi chờ anh chàng kia online để nói chuyện. Theo Lan Chi, anh chàng hẹn cô mùa hè này sẽ gặp mặt nhau.
Thừa nhận việc mình “nghiền” Facebook, Lan Chi chia sẻ: “Nhiều khi em định “cai” Facebook nhưng dường như một ngày mà không lên không chịu được, cảm giác rất khó chịu. Nhiều lúc thức đêm, muốn ngủ nhưng các bạn cứ nhắn tin, em lại trả lời, cứ thế thời gian qua nhanh vèo cái đến 3- 4 giờ sáng. Những đêm thâu chát chít thành chuyện thường”.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm khác khi Lan Chi và nhiều bạn nhỏ sử dụng Facebook là ở môi trường đó, có quá nhiều thông tin, lời nói và từ ngữ không phù hợp. Các bạn có xu hướng sử dụng từ “lóng”, từ thô tục, từ liên quan đến giới tính, tình dục mà ít dám sử dụng trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó là vô vàn những tện nạn, thói hư, tật xấu khác phơi bày trên mạng, mà thông qua những cú click chuột máy tính, các bạn nhỏ dễ dàng tiếp cận và trở thành nạn nhân. Điều đó “đầu độc” thế hệ trẻ, khiến nhiều bạn hư hỏng.
Chị Lê Thị Tuyết (Ba Đình, Hà Nội), phụ huynh của một bé gái 13 tuổi, chia sẻ: “Tôi hết sức lo lắng khi thực tế cho thấy có nhiều trẻ vị thành niên mê máy tính đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc học hành. Nhiều trẻ vị thành niên sau khi quay lại bàn học vẫn lưu luyến mạng ảo mà không thể tập trung được”.
Hiện nay, các thiết bị công nghệ như máy tính bảng, laptop, máy vi tính nối mạng được sử dụng rộng rãi, dường như trong từng gia đình, nhất là ở thành thị đều có thiết bị số. Trong khi, các bậc cha mẹ do bận công việc hàng ngày nên phó mặc thời gian rảnh rỗi của con cho các thiết bị công nghệ này. Nhiều bạn trẻ còn rất nhỏ, thậm chí có em chưa tròn 5 tuổi đã sử dụng khá thuần thục máy tính, điện thoại…
Theo các chuyên gia tâm lý, bên cạnh những yếu tố tích cực, thiết bị công nghệ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ như nghiện “chat” trực tuyến, chơi game ly kỳ mạo hiểm, bạo lực, lạc vào thế giới ảo và không có nhu cầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài; trẻ bỏ ngủ, bỏ ăn để chơi game, nếu chơi với thời gian quá mức gây suy nhược cơ thể, hư mắt sớm.
Ngoài ra, trẻ em thiếu các mối quan hệ, kỹ năng xã hội và đối phó kém, có nguy cơ lớn hơn để phát triển thói quen trực tuyến không phù hợp hoặc quá mức. Nghiện thiết bị công nghệ còn khiến trẻ kém tương tác với người khác, kỹ năng xã hội kém, thậm chí bỏ ăn do quá mải mê trong thế giới ảo.
Thực tế, chúng ta không phủ nhận những lợi ích của máy tính, mạng internet mang lại nhưng nếu sử dụng không đúng cách, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Rất nhiều trẻ em hiện nay đang gặp phải vấn đề tâm lý vì nghiện những sản phẩm công nghệ như máy tính bảng, điện thoại, máy vi tính... Nhiều trẻ thông minh bỗng trở nên ù lì, thụ động, xa lạ trong chính ngôi nhà của mình và với cha mẹ trẻ.
Khoa học đã chỉ ra rằng, nếu trẻ suốt ngày xem màn hình máy tính hoặc ti vi sẽ gây ra những thay đổi trong não, có hại như người nghiện ma túy, nghiện rượu và hàng loạt vấn đề về sức khỏe: Cholesterol cao, nhồi máu cơ tim, mất tập trung hay suy giảm khả năng làm toán, đọc, rối loạn giấc ngủ và tự kỷ…
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bài 2: Vốn và tài chính – Rào cản lớn nhất của các start-up

Start-up trẻ bứt phá cùng công nghệ

Bài 2: Chuyển đổi số hoạt động của Đoàn

TP Hồ Chí Minh: Khai mạc Lễ hội Thanh niên năm 2025

Tuổi trẻ tiên phong đổi mới sáng tạo, cùng Agribank bứt phá trong kỷ nguyên mới

Hơn 1.000 thành viên tham gia Hội trại thanh niên Quảng Nam

Doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng: Khát vọng cống hiến tạo nên thành công

Hòa khát vọng thanh xuân với khát vọng chung của toàn dân tộc

Hành động của Đoàn thực hiện Nghị quyết 57
