Bền bỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững
Hàng trăm hộ dân đã được trao cơ hội thoát nghèo
Vợ chồng chị Phạm Thị Hằng, ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, không giấu nổi vui mừng khi được Quỹ “Vì người nghèo” của TP Hà Nội hỗ trợ máy ép nước mía trong dịp này. Chị Hằng cho biết, cuộc sống gia đình chị còn nhiều khó khăn, sức khỏe cũng không tốt, cho nên vợ chồng chị lâu nay vẫn mong muốn có máy ép nước mía để bán hàng tại nhà. Nay mong ước đã thành hiện thực, nhờ mặt trận các cấp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình chị.
Cũng may mắn được nhận hỗ trợ từ Quỹ "Vì người nghèo" đợt này, chị Nguyễn Thị Tiện (thôn Kim Chung, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn) xúc động: “ Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, một mình nuôi 5 con ăn học nên hằng ngày chỉ lo kiếm đủ tiền ăn, học cho các con đã là may mắn lắm rồi. Vậy mà giờ đây mẹ con tôi lại được Quỹ “ Vì người nghèo” của thành phố hỗ trợ 1 chiếc xe máy - tài sản rất có giá trị. Tôi sẽ dùng chiếc xe máy này để chạy chợ, kiếm thêm thu nhập để lo cho con cái, giúp gia đình tôi sớm thoát nghèo".
Còn với mẹ con chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Đầu Làng, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất), niềm vui sau hơn một tháng được sống trong nhà mới chưa hề vơi đi. Ngôi nhà có diện tích 40m2 trị giá trên 150 triệu đồng lợp mái tôn, trần gỗ, sân, cổng láng xi măng sạch sẽ là ước mơ tưởng chừng không có ngày thành hiện thực bởi nỗi lo cơm áo, gạo tiền luôn thường trực. Vậy mà, nhờ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thạch Thất hỗ trợ 100 triệu đồng và vận động các nhà tài trợ 10 triệu đồng, anh em họ hàng hỗ trợ 40 triệu đồng mẹ con chị đã có nhà mới và vững tâm hơn bao giờ hết.
Huyện Gia Lâm biểu dương các hộ thoát nghèo tiêu biểu |
Gia đình chị Hằng, chị Tiện, chị Phượng là một trong số hàng trăm hộ nghèo được nhận hỗ trợ sinh kế thoát nghèo trong thời gian gần đây.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường chia sẻ, để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2021 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố đã chi hỗ trợ trên 76,8 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 653 nhà Đại đoàn kết; Hỗ trợ phương tiện sản xuất như bò sinh sản, xe máy, máy khâu, máy cày, máy ép nước mía... Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, hết năm 2021, thành phố giảm được 3.057 hộ nghèo, đạt 262% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,04%, nâng số địa phương không còn hộ nghèo lên 12/30 quận, huyện.
Ở góc độ địa phương, từ đầu năm đến nay, toàn huyện Gia Lâm đã chi hơn 1,729 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã hỗ trợ xây mới 13 nhà với mức 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa 4 nhà với mức 30 triệu đồng/nhà, tổng trị giá 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, MTTQ huyện đã hỗ trợ 14 phương tiện sản xuất cho các hộ với số tiền 152 triệu đồng; Hỗ trợ khám chữa bệnh hiểm nghèo cho 5 trường hợp 18 triệu đồng…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm Hoàng Anh Tú cho biết, mặc dù trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo nhưng vẫn còn 317 hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội đang cần hỗ trợ để có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Huyện đặt mục tiêu hằng năm giảm 10% số hộ cận nghèo.
Tại huyện Thanh Trì, trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, Quỹ “Vì người nghèo” của huyện đã kêu gọi được số tiền 2,7 tỷ đồng.
Với phương châm “không để hộ nghèo không có người giúp đỡ”, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì phối hợp với UBND huyện, Uỷ ban MTTQ các xã, thị trấn tổ chức rà soát nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó, đã hỗ trợ 28 hộ xây sửa nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá 1,342 tỷ đồng; Hỗ trợ 120 lượt hộ phát triển sản xuất, khám chữa bệnh… với tổng số tiền 93,7 triệu đồng... Từ nguồn hỗ trợ của Quỹ “Vì người nghèo” đã góp phần giảm từ 290 hộ nghèo năm 2020 xuống còn 21 hộ nghèo năm 2021.
Lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp nhận ủng hộ và trao chứng nhận cho các đơn vị tại Lễ phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" và an sinh xã hội năm 2022 |
Tiền ủng hộ cho người nghèo phải đến được với người nghèo
Với mục tiêu hằng năm giảm 25-30% số hộ nghèo và 10% số hộ cận nghèo; Phấn đấu đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn Thủ đô đang tích cực kêu gọi sự chung tay, chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để chung sức giúp người nghèo vươn lên
Phát huy truyền thống đoàn kết “Tương thân, tương ái”, huyện Gia Lâm đã phát động đợt cao điểm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” từ ngày 17/10 đến 18/11. Tại lễ phát động, đã có 71 đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, Nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Ban vận động Quỹ Vì người nghèo huyện Gia Lâm cũng trao hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho 6 hộ gia đình, mỗi hộ 60 triệu đồng.
Hưởng ứng lời kêu gọi, ngay tại buổi lễ phát động, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị và các xã, thị trấn, trường học, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đóng góp ủng hộ 2,6 tỷ đồng vào quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Quận Đống Đa đã tiếp nhận 30 đơn vị ủng hộ với số tiền gần 700 triệu đồng. Huyện Đan Phượng đã vận động ủng hộ được hơn 500 triệu đồng...
Năm nay, Tháng cao điểm "Vì người nghèo" và an sinh xã hội của thành phố Hà Nội diễn ra từ ngày 17/10 đến 18/11. Để Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2022 triển khai hiệu quả, công tác vận động Quỹ đạt kết quả tích cực, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Trưởng ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương yêu cầu hệ thống Mặt trận các cấp cần phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.
Song song với đó, Hà Nội cần tập trung rà soát, nắm chắc số lượng, tình hình, nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể.
Trưởng ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” TP Hà Nội nhấn mạnh, việc vận động, quản lý, sử dụng Quỹ "Vì người nghèo" cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy chế quản lý quỹ, bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tiền ủng hộ cho người nghèo phải đến được với người nghèo.
Với sự tích cực từ chính quyền và Mặt trận các cấp cùng sự chung tay hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm... "hành trình" bền bỉ của TP Hà Nội nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững sẽ gặt hái thêm nhiều kết quả nổi bật ngay trong tháng cao điểm này.