Bệnh lao kháng thuốc “cuộc chiến” nhiều thách thức
Tổ chức diễn tập tình huống giả định bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện tại Bệnh viện Phổi Hà Nội để thực hiện việc cách ly, xử lý bệnh nhân kịp thời đồng thời tiến hành khử khuẩn để hạn chế lây lan đến mức thấp nhất
Bài liên quan
Ca phẫu thuật "cân não" cứu sống bệnh nhân biến chứng lao phổi
Hà Nội: Phát hiện thêm 3 ca mắc Covid-19
Tập đoàn DOJI chung tay ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19
Gian nan điều trị lao kháng thuốc
Lao kháng thuốc là bệnh mà vi khuẩn lao đã kháng lại thuốc điều trị lao thông thường (thuốc điều trị lao thông thường không còn có tác dụng điều trị với vi khuẩn lao), trong đó nguy hiểm nhất là bệnh lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc.
Về nguyên nhân gây ra lao kháng thuốc có rất nhiều nhưng kết quả thăm dò từ các trường hợp hiện đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Nội cho thấy, đa phần bệnh nhân không tuân thủ đúng theo nguyên tắc điều trị như uống thuốc không đều, không đủ thời gian, dùng thuốc chống lao vài ba tháng khi thấy khỏe hơn đã tự ý ngừng uống thuốc (bỏ thuốc)…
Việc điều trị bệnh lao theo đúng phác đồ phải tiêm và uống thuốc đều đặn hàng ngày, đủ liệu trình kéo dài trong khoảng 6 - 8 tháng dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Quá trình điều trị kéo dài, cộng thêm một số tác dụng phụ của thuốc chống lao (hay còn gọi là phản ứng bất lợi) như ngứa, phát ban ngoài da, viêm gan, suy thận..., những phản ứng này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của bệnh nhân lao.
Không ít bệnh nhân không tuân thủ nguyên tắc điều trị, bỏ điều trị, dẫn tới tình trạng vi khuẩn lao kháng thuốc. Khi mắc lao kháng thuốc, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Số lượng thuốc điều trị phải tăng lên từ 5 đến 7 loại tốn kém hơn, thời gian điều trị phải kéo dài. Vì vậy, lao kháng thuốc thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Nhìn nhận rõ thực tế trên, các chuyên gia trong ngành phòng chống lao của Bệnh viện Phổi Hà Nội đã áp dụng phác đồ điều trị lao mới, chỉ trong vòng 6 tháng đối với lao thông thường và 9 tháng đối với lao kháng thuốc. BV Phổi Hà Nội cũng đã triển khai phương pháp này trong 2 năm qua và điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân mắc lao kháng thuốc.
Theo báo cáo kết quả điều trị lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi Hà Nội trong quý IV năm 2019 được thực hiện trong 24 tháng thu nhận điều trị, trong 69 bệnh nhân lao kháng thuốc có 47 bệnh nhân lao kháng R/đa kháng thuốc (RR/MDR-TB) phác đồ điều trị dài hạn đã khỏi 25 bệnh nhân, 2 bệnh nhân hoàn thành điều trị, 7 bệnh nhân thất bại, 7 bệnh nhân bỏ trị, 6 ca tử vong; còn lại 22 bệnh nhân lao kháng R/đa kháng thuốc (RR/MDR-TB) phác đồ điều trị ngắn hạn đã khỏi 20 bệnh nhân, 2 bệnh nhân điều trị thất bại. Kết quả điều trị bằng phương pháp mới rất khả quan, trên 90% bệnh nhân khỏi bệnh, tái phát hay điều trị thất bại chỉ nằm trong giới hạn cho phép.
Do thời gian điều trị ngắn, nhân viên y tế có thể theo dõi bệnh nhân kỹ lưỡng hơn, công tác kiểm tra nhân lực, vật lực cũng nhiều thuận lợi hơn. Riêng với bệnh nhân, nhờ rút ngắn quá trình điều trị, người bệnh tuân thủ điều trị hơn, tác dụng phụ cũng giảm hẳn so với phác đồ dài hạn. Trong thời gian tới, Bệnh viện Phổi Hà Nội đang tiến hành thí điểm, nghiên cứu phương pháp điều trị lao chỉ trong 4 tháng.
Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Để tiến tới cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn hết năm 2020, mục tiêu so với năm 2017 sẽ giảm 20% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng; giảm 40% số người chết do bệnh lao; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện; giảm 50% số gia đình chịu gánh nặng chi phí thảm họa do bệnh lao gây ra.
Tương tự, giai đoạn đến năm 2025, giảm 70% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng; giảm 75% số người chết do bệnh lao; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện; giảm 75% số gia đình chịu gánh nặng chi phí thảm họa do bệnh lao gây ra.
Tổ chức diễn tập tình huống giả định bệnh nhân nhiễm virus Corona nhập viện tại Bệnh viện Phổi Hà Nội để thực hiện việc cách ly, xử lý bệnh nhân kịp thời đồng thời tiến hành khử khuẩn để hạn chế lây lan đến mức thấp nhất |
Chấm dứt bệnh lao cũng thống nhất chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3-2020 là “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, nhằm kêu gọi người dân chung tay, tích cực trong phòng, chống bệnh lao.
Tuy nhiên, để điều trị thành công tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 thì vấn đề phải phát hiện sớm những người nhiễm lao mới với tinh thần “không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng” cũng rất quan trọng.
Do đó, song hành việc áp dụng phác đồ điều trị mới, Bệnh viện Phổi Hà Nội còn triển khai các phương pháp xét nghiệm hiện đại để chẩn đoán bệnh như xét nghiệm GeneXpert, xét nghiệm phản ứng chuỗi PCR, xét nghiệm sinh hóa Quantiferon(IGRA)… Những công nghệ này đảm bảo cho kết quả nhanh, chính xác nhất, chẩn đoán sớm bệnh lao, nhất là bệnh lao kháng thuốc để lựa chọn phác đồ phù hợp. Bệnh viện cũng đã chuyển giao các kỹ thuật hiện đại cho tuyến y tế cơ sở, đồng thời thực hiện việc liên kết xét nghiệm qua mạng internet.
Để có thể tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 theo mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tại Hà Nội, ngoài việc tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao kiến thức phòng bệnh cho mọi người, chúng ta còn cần sự chung tay của cả cộng đồng. Ví dụ như tập trung vào các hoạt động phát hiện, phối hợp với các hệ thống y tế công và tư nhân trong công tác phòng chống bệnh lao, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán mới, chú trọng chất lượng quản lý điều trị, triển khai thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp ở tuyến y tế cơ sở…
Thành phố cũng sẽ đầu tư trang thiết bị chủ động phát hiện người mắc lao ở người nhiễm HIV, mở rộng quản lý lao kháng thuốc, tăng cường công tác sàng lọc lao cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây, bao gồm cả điều trị bệnh lao và điều trị dự phòng lao; tăng cường triển khai nghiên cứu khoa học, các thử nghiệm thuốc, phác đồ điều trị và các mô hình mới trong công tác phòng chống lao.