Biến đổi khí hậu gây thời tiết bất thường ở nhiều châu lục
Biến đổi khí hậu có thể khiến hơn 200 triệu người rời bỏ nhà cửa Khủng hoảng khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn Biến đổi khí hậu tạo ra các loại virus mới đe doạ cuộc sống của con người |
Mưa lớn tại khu vực miền Nam Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Ít nhất 15 người đã thiệt mạng do mưa lớn tại khu vực miền Nam Trung Quốc. Trong đó, các tỉnh thiệt hại nặng là Phúc Kiến và Vân Nam. Mưa lũ cũng đã phá hủy nhiều đường xá, cầu cống, hệ thống thông tin liên lạc và điện lực.
Trước đó, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp lũ lụt cấp độ 4 trước dự báo mưa lớn sẽ diễn ra tại 7 tỉnh miền Nam nước này.
Tại khu vực Đông Bắc Brazil, ít nhất 79 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích do mưa lũ nghiêm trọng xảy ra cuối tuần qua. Một số khu vực đã ghi nhận lượng mưa nhiều hơn tổng lượng mưa dự báo cho cả tháng 5.
Bang Pernambuco chịu thiệt hại nặng nhất với ít nhất 44 người thiệt mạng, hàng nghìn người phải sơ tán; Ngoài ra hơn 3.900 người dân đã bị mất nhà cửa vì thiên tai.
Mưa lớn gây ngập lụt các đường phố ở bang Pernambuco, Đông Bắc Brazil (Ảnh: AP) |
Các trận mưa dữ dội đã liên tục ập đến Brazil trong những tháng gần đây. Hồi tháng 12/2021, những trận mưa như trút nước đã khiến hai con đập ở bang Bahia gần đó bị vỡ, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và nhấn chìm các đường phố.
Các chuyên gia nhận định, sự biến đổi khí hậu và La Nina (hiện tượng vùng biển ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương bị lạnh đi một cách bất thường) là thủ phạm gây mưa dữ dội ở Brazil.
Tuần trước, nhiều bang tại Australia cũng đã khôi phục cảnh báo lũ lụt khi các trận mưa lớn liên tục đổ xuống lưu vực và các con đập vốn đang đầy nước trong khi người dân cũng được khuyến cáo cẩn thận khi di chuyển.
Tại Canada, số người thiệt mạng vì trận giông bão mạnh tại 2 tỉnh đông dân nhất nước này đã lên đến ít nhất 8 người. Kéo dài hơn 2 giờ với sức gió giật lên đến 132km/giờ, cơn giông gây thiệt hại nặng nề tại Ontario và Quebec ngày 21/5, làm mất nguồn cung điện của hơn 500.000 người.
Một người đàn ông tạt nước vào mặt để giải nhiệt ở Islamabad, Pakistan (Ảnh: Getty Images) |
Trong khi đó nhiều quốc gia đang trải qua những trận nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ tăng vọt trong những tuần gần đây tại nhiều vùng của Pakistan và Ấn Độ làm nhiều trường học phải đóng cửa, mùa màng bị hư hại, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp năng lượng và khiến người dân phải ở trong nhà.
Thành phố Jacobabad thuộc tỉnh Sindh, Pakistan - một trong những thành phố nóng nhất trên thế giới - đạt nhiệt độ lên đến 51 độ C vào hôm 15/5. Trước đó một ngày, nhiệt độ nơi đây cũng đạt ngưỡng cao ở mức 50 độ C. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại thủ đô Delhi của Ấn Độ với mức nhiệt trên 49 độ C.
Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu khiến khả năng xảy ra những đợt nắng nóng kỷ lục ở khu vực tây bắc Ấn Độ và Pakistan cao gấp 100 lần.
Nhiều khu vực của Tây Ban Nha cũng đang trải qua tháng 5 nóng chưa từng thấy, với nhiệt độ ở Jaén lên đến 40,3 độ C vào ngày 20/5, cao hơn 16 độ C so với nhiệt độ trung bình tháng 5 của thành phố này.
Những khu vực khác ở Tây Ban Nha ghi nhận mức nhiệt cao hơn ít nhất 7 độ C so với mọi năm. Cơ quan Thời tiết quốc gia Tây Ban Nha AEMET chiều 22/5 (giờ địa phương) đã ban bố cảnh báo nắng nóng bất thường đối với 17 vùng trên khắp cả nước.
Người dân tránh nắng nóng tại khuc vực đài phun nước ở Bordeaux, Pháp ngày 18/5 (Ảnh: TTXVN) |
Theo thông tin từ trung tâm khí tượng quốc gia Meteo (Pháp), trong ngày 18/5, các thành phố như Albi, Toulouse và Montelimar ở miền Nam nước Pháp đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, trong khoảng từ 33,4 - 33,9 độ C, trong khi nhiệt độ các khu vực ở bờ biển miền Tây và miền Bắc lên mức cao chưa từng có.
Nắng nóng tại Pháp ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nông dân khi vụ lúa mỳ của nước này đang bước vào giai đoạn tăng trưởng quan trọng trong tháng 5. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng tháng 5/2022 có thể là tháng nóng nhất kể từ khi nước này bắt đầu theo dõi nhiệt độ, vượt qua mức nhiệt đã được ghi nhận hồi tháng 5/2011.
Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của các đợt nắng nóng bất thường hiện nay trên thế giới là do tác động của hiện tượng Trái Đất ấm lên.