Bình Định: Vì đâu núi Hóc Giản tan hoang?
Bài liên quan
Bình Định cần sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bình Định: Doanh nghiệp ngang nhiên khai thác đất sét trái phép, qua mặt cơ quan chức năng
Bình Định: Nhà máy được cấp phép nhanh nhất tỉnh thành đống phế liệu
Bình Định: “Vàng tặc” gây hậu quả nặng nề cho người dân xã Ân Nghĩa
Núi Hóc Giản biến thành đại công trường khai thác đất |
Tại núi Hóc Giản, ngoài các doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất, còn xuất hiện những “đoàn quân” đất tặc. Trong đó, có cả sự tiếp tay của cán bộ địa chính.
“Đất tặc” lì lợm, chính quyền bất lực
Theo đường Ql.19B đi vào con đường đất thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn là tới khu vực núi Hóc Giản. Càng đi sâu vào phía trong núi càng thấy mức độ khai thác đất ở đây quy mô lớn như thế nào.
Cả khu vực núi Hóc Giản tan hoang, chỗ lồi, chỗ lõm, bóng cây xanh trên núi không còn, thay vào đó những vạt đất đồi bị lấy sâu tạo thành hốc đất lớn, có nơi sau khi đất bị lấy đi đã thành "bình địa".
Tại xã Cát Nhơn hiện có 3 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Tân Lập; Công ty TNHH Đinh Phát và Công ty TNHH ĐTXD và TMDV Yến Tùng được cấp Giấy phép khai thác đất san lấp phục vụ công trình dự án đường trục Khu Kinh tế nối dài và một số công trình trọng điểm khác của tỉnh Bình Định.
Khu vực đất núi Hóc Giản xã Cát Nhơn bị lấy độ sâu trên dưới chục mét |
Tuy nhiên, tại núi Hóc Giản qua xã Cát Nhơn, không chỉ có 3 doanh nghiệp trên khai thác đất mà còn có Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành là đơn vị chưa có giấy phép nhưng nhiều tháng nay vẫn ngang nhiên khai thác đất tại núi Hóc Giản. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết nhưng không xử lý.
Tìm hiểu thêm, phóng viên được biết khu vực đất mà Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành đang lấy nằm ở độ sâu âm xuống gần chục mét. Công ty này múc đất từ dưới múc lên vì địa hình đất nằm trên cao đã tạo thành những lõm hố sâu, rộng rất nguy hiểm, với khối lượng khai thác ước chừng hàng trăm nghìn m3 đất.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Sự - Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn cho biết: Chính quyền đã làm việc và lập biên bản đình chỉ việc khai thác đất trái phép đối với Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành nhưng doanh nghiệp vẫn lì lợm tiếp tục khai thác đất trái phép.
“Khi chính quyền tiến hành kiểm tra thì toàn gặp tài xế chứ không gặp được chủ doanh nghiệp. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện Phù Cát ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì vượt quá thẩm quyền xử phạt của cấp xã”. – Ông Sự thông tin.
Doanh nghiệp lấy đất từ dưới lấy lên tạo thành hầm hố |
Có hay không cán bộ địa chính bắt tay với doanh nghiệp khai thác đất lậu?
Từ núi Hóc Giản địa phận xã Cát Nhơn băng qua xã Cát Tường chỉ vài trăm mét, mới tận thấy sự càn quét khốc liệt của con người đối với tài nguyên thiên nhiên. Không một bóng cây xanh, đâu đâu cũng chỉ màu vàng, đỏ của đất, bụi bay mù mịt che khuất cả bóng người lẫn xe.
Tại núi Hóc Giản, thôn Chánh Liêm, xã Cát Tường hiện Công ty TNHH Công nghệ Xây dựng Nam Ngân; Công ty TNHH TPV (Công ty TNHH Tân Lập) có Giấy phép khai thác đất san lấp phục vụ công trình đường trục Khu Kinh tế nối dài.
Thế nhưng, theo người dân địa phương và tài xế chở đất phản ánh thì không hiểu vì lý do gì Công ty TNHH Nam Ngân không trực tiếp khai thác mà để Công ty TNHH Xây dựng Vận tải Tổng hợp Bình Diễm khai thác, rồi chở đất đem bán cho các dự án khác và khai thác đất nằm ngoài vị trí mỏ được cấp. Công ty này cũng vừa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác đất trái phép tại núi Mò O với số tiền 50 triệu đồng.
Một đơn vị khác là Công ty TNHH Tường Quang cũng mới bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác đất trái phép. Tuy nhiên, Công ty này vẫn tiếp tục ngang nhiên lấy đất trái phép tại núi Hóc Giản.
Theo phản ánh của người dân, cùng chung sức với chủ doanh nghiệp Tường Quang (ông Mười Tàu - pv) khai thác đất lậu có cả cán bộ địa chính xã. Tuy nhiên, khi vụ việc bị phát hiện xử lý thì vị cán bộ này vô can(?).
Núi Hóc Giản đang bị khai thác rầm rộ |
Cũng theo người dân, điểm chung các doanh nghiệp là khai thác đất chưa được cấp phép. Việc khai thác đất không phải phục vụ công trình đường trục Khu Kinh tế nối dài mà đem bán cho các công trình dự án bất động sản đang xây dựng trong Khu Kinh tế Nhơn Hội.
PV liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Hoàng – Chủ tịch UBND xã Cát Tường nhiều lần, nhưng ông Hoàng không bắt máy, nhắn tin cũng không trả lời.
Trước đó, liên quan tới việc khai thác đất ở núi Hóc Giản, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định là ông Hồ Quốc Dũng có chỉ đạo xử lý, yêu cầu các nhà nhà thầu nghiêm túc thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản và các quy định về môi trường đối với việc khai thác đất san lấp tại núi Hóc Giản theo quy định.
Vậy nhưng, tình trạng "liên minh" cùng nhau khai thác đất lậu, bán tài nguyên trục lợi theo kiểu lợi ích nhóm vẫn diễn ra, chính quyền cơ sở thì bất lực. Chưa kể đến, có thêm sự tiếp tay, góp sức của cán bộ địa phương nên cuộc chiến với đất tặc, đất lậu tại Bình Định vẫn còn dài dài nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định.
Tuổi trẻ Thủ Đô sẽ tiếp tục thông tin