Bình Dương sẽ có hai tuyến đường sắt "khủng"
Phương án kéo dài tuyến metro số 1 TP Hồ Chí Minh
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, tỉnh này và TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai đang nghiên cứu phương án kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đi qua 2 địa phương này. Việc kéo dài tuyến đường sắt trên được các tỉnh, thành đánh giá là cần thiết để tăng kết nối vùng, kích cầu du lịch, kinh tế - xã hội các đô thị trong tương lai.
Một đoạn tuyến Metro số 1 |
Phương án kéo dài tuyến Metro số 1 về Bình Dương, Đồng Nai chia làm 2 đoạn.
Đoạn 1 từ ga bến xe Suối Tiên đi trên cao bên phải Quốc lộ 1 rồi vượt sang trái để về ga Bình Thắng (ký hiệu S0) trước nút giao Tân Vạn (tỉnh Bình Dương), dài khoảng 1,8 km. Tổng mức đầu tư đoạn này khoảng 125,95 triệu USD (2.973 tỷ đồng). Phương án tổ chức cấu trúc tuyến của đoạn này đã được sự thống nhất của các địa phương.
Đoạn 2, tại ga Bình Thắng sẽ triển khai tiếp 2 tuyến nhánh độc lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Nhánh 1 (hướng về Đồng Nai) dài khoảng 18,3 km, đi trên cao từ ga Bình Thắng qua ngã ba Vũng Tàu đến Chợ Sắt và về khu vực Hố Nai (huyện Trảng Bom). Nhánh 2 (hướng về Bình Dương) dài khoảng 29,55 km, đi trên cao từ ga Bình Thắng đến gần nút giao Bình Chuẩn và đi về Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương (thị xã Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một).
Hai hướng dự định kéo dài lên Đồng Nai, Bình Dương. Đồ họa: Khánh Hoàng |
Phương án kéo dài tuyến Metro số 1 đi trên cao nên công nghệ xây dựng không quá phức tạp. Điều này cũng giúp nâng cao cảnh quan đô thị nếu được thiết kế tốt.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, hệ thống metro kết nối vùng sẽ có 8 tuyến, gồm: Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh và các tuyến đường sắt chuyên dụng nối ra cảng Hiệp Phước. Đến năm 2030, các địa phương tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn; Phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường kết nối Thủ Thiêm - Long Thành; Đối với tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đầu tư đầu tư theo hình thức công tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp... |
Tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, đoạn tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép thuộc các tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng có chiều dài hơn 125 km.
Đối với đoạn từ TP Dĩ An đến cảng Cái Mép - Thị Vải, Bộ GTVT bổ sung phương án hướng tuyến từ ga Dĩ An - nút giao Phước Tân (vị trí giao đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng với đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu) vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và tỉnh Bình Dương đi khảo sát thực tế và nghe báo cáo tình hình về các dự án tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; Tuyến Metro Suối Tiên - thành phố mới Bình Dương - Bàu Bàng; Điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và Dĩ An; Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... |
Dự kiến, đoạn đường sắt từ TP Dĩ An - huyện Bàu Bàng có chiều dài khoảng 41,65km. Tổng mức đầu tư dự kiến là 34.300 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 9.500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; giai đoạn 2 đầu tư hệ thống đường ray và hệ thống nhà ga theo quy hoạch khoảng 24.800 tỷ đồng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Hiện, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh để nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An.
Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ phương án kéo dài dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu về đến ga An Bình; Bên cạnh đó, tiếp tục cùng phối hợp kiến nghị Trung ương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng các nguồn vốn hợp pháp khác
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chủ trương điều chỉnh vị trí ga An Bình từ bên trái tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sang bên phải tuyến.
Hiện Cục Đường sắt Việt Nam đang được Bộ GTVT giao lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP Hồ Chí Minh, trong đó có điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và bổ sung chức năng ga hành khách cho ga An Bình.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chủ trương điều chỉnh vị trí ga An Bình từ bên trái tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sang bên phải tuyến. Hiện Cục Đường sắt Việt Nam đang được Bộ GTVT giao lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP Hồ Chí Minh, trong đó có điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và bổ sung chức năng ga hành khách cho ga An Bình. |