Động thổ xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương
Đến dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở ngành; đại diện lãnh đạo các địa phương TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An.
Các đại biểu tham dự chương trình |
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dự án Vành đai 3 TP HCM là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa kết nối vùng nên lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với đó là được sự đồng thuận của người dân nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng triển khai một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Hiện công tác bàn giao mặt bằng đoạn nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương và TP HCM cơ bản đã hoàn thành khoảng 70%.
Dự án đường Vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 76,3 km đi qua 4 địa phương: TP HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng.
Máy móc phục vụ thi công công trình đã sẵn sàng |
Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6km, điểm đầu tuyến là nút giao Tân Vạn, điểm cuối tuyến tại cầu Bình Gởi; quy mô đầu tư 8 làn xe; tổng mức đầu tư 19.280 tỉ đồng, trong đó, dự án thành phần 5 (xây lắp) là 5.752 tỉ đồng, dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) là 13.528 tỉ đồng.
Diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn TP Thủ Dầu Một khoảng 12,6ha với kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.660 tỉ đồng; TP Thuận An khoảng 51ha với kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.000 tỉ đồng; TP Dĩ An khoảng 22,2 ha, bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.400 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Võ Văn Minh (mũ đen) khảo sát kỹ lưỡng tại công trình trước khi khởi công xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM |
Có 1.496 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 518 trường hợp tái định cư. Cụ thể, TP Thủ Dầu Một có khoảng 213 trường hợp bị ảnh hưởng (8 trường hợp tái địa cư); TP Thuận An khoảng 775 trường hợp bị ảnh hưởng (khoảng 205 trường hợp tái định cư); TP Dĩ An khoảng 508 trường hợp bị ảnh hưởng (khoảng 305 trường hợp tái định cư).
Ðến nay, TP Thủ Dầu Một đã chi bồi thường cho hơn 50 hộ dân, với số tiền gần 300 tỉ đồng; TP Thuận An đã chi trả tiền bồi thường đợt 1, với khoảng 267 tỉ đồng cho 38 hộ dân; TP Dĩ An đã trao tiền đền bù cho 43 hộ có đất thuộc diện thu hồi với tổng số tiền trên 688 tỉ đồng…
Dự án đường Vành đai 3 TP HCM đi vào hoạt động sẽ là động lực phát tăng trưởng mạnh kinh tế vùng Đông Nam bộ |
Đối với vị trí động thổ, khởi công sáng nay (29/6) là nút giao Bình Chuẩn, có diện tích mặt bằng thi công khoảng 31ha, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 570 tỉ đồng. Đây được đánh giá là nút giao thông cực kỳ quan trọng, có nhiều xe tải, xe container qua lại, sẽ được đầu tư cả cầu vượt, hầm chui và đường song hành để tránh ùn tắc, tai nạn giao thông và việc lưu thông hàng hóa đi sân bay, cảng biển sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Dự án đường Vành đai 3 TP HCM được thực hiện từ năm 2022, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.