Bỏ án tử hình không phải là khoan dung với tội phạm
Tử hình đối tượng sát hại người phụ nữ ở Tân Kỳ (Nghệ An) Tuyên án tử hình trùm giang hồ “Quân Idol” cùng đồng phạm Chính phủ trình Quốc hội bỏ án tử hình đối với 8 tội danh |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại tổ, các ĐBQH đoàn TP Hà Nội đồng tình với việc xem xét bỏ hình thức tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ bởi đây không phải tội phạm xâm phạm tính mạng nên có thể xử lý bằng các biện pháp khác…
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ Hà Nội chiều 20/5 |
Góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ĐBQH Lê Nhật Thành bày tỏ tán thành khi cơ quan soạn thảo bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh; bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở các tội bỏ hình phạt tử hình; bổ sung quy định không thi hành án tử hình trong các trường hợp người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS…
Ông Thành cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật là phù hợp với yêu cầu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và yêu cầu tránh oan, sai trong tố tụng hình sự; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
"Trên thế giới hiện nay có 104 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình; có 28 quốc gia tuy pháp luật còn quy định nhưng trên thực tế không còn áp dụng; 8 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình trên thực tế nhưng sẽ áp dụng trong một vài trường hợp bất khả kháng (như tội phạm chiến tranh). Còn 55 quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình và thì hành án tử hình trong đó có Việt Nam", đại biểu cho biết.
Cũng theo đại biểu, với tình hình chính trị, kinh tế - xã hội hiện nay chưa phải là thời điểm Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình, tuy nhiên, cũng cần hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình. Điều này vừa phù hợp với xu hướng tất yếu và yêu cầu chung của thế giới, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế và tình hình xã hội ở Việt Nam.
Việc loại bỏ bớt tội tử hình với một số tội danh thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự, tuy nhiên vẫn bảo đảm tính răn đe và nghiêm khắc cần thiết.
![]() |
ĐBQH Lê Nhật Thành phát biểu thảo luận tổ |
"Những tội danh được bỏ hình phạt tử hình sẽ được thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, một mặt đảm bảo quyền được sống của con người, một mặt vẫn đảm bảo cách ly vĩnh viễn họ khỏi đời sống xã hội", đại biểu Nhật Thành nhấn mạnh.
Ủng hộ bỏ bớt một số tội có án tử hình, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung bày tỏ băn khoăn khi bỏ tử hình với tội vận chuyển ma túy. Hiện tội phạm ma túy có rất nhiều hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng, trong khi đó, dự thảo Luật giảm án cho hành vi vận chuyển.
"Ở các tỉnh miền núi vất vả quá, không có tiền người ta nghĩ ngay đến vận chuyển ma túy từ biên giới sang. Nếu vận chuyển vài gam thì khác, còn vận chuyển cả tấn thì sao. Có nước làm cả tàu ngầm để vận chuyển thì tác hại thế nào?", đại biểu Hải Trung nêu vấn đề và đề nghị vẫn cần tử hình tội vận chuyển ma túy nhưng phân hóa theo mức độ vận chuyển để áp dụng các hình phạt khác nhau.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Hải Trung phát biểu thảo luận tổ |
Quan tâm đến các nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý phải tăng cường đấu tranh với tội phạm rất nguy hiểm trong giai đoạn này như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho biết có 7 nhóm tội phạm cần ưu tiên đấu tranh gồm: Kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại (an toàn thực phẩm, hàng giả), sử dụng công nghệ cao, môi trường, ma túy.
Trong Bộ Luật Hình sự hiện nay có nhiều khách thể bị tội phạm xâm hại, song quan điểm của Đảng ta trong lần sửa đổi này tập trung vào 7 nhóm tội phạm nguy hiểm trên. Vì thế, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi các quy định để có sự phân hóa mạnh hơn, nghiêm khắc hơn với 7 nhóm tội phạm nguy hiểm này; các nhóm tội phạm khác sử dụng như quy định hiện nay hoặc có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tăng mức tiền phạt gấp đôi với tất cả các nhóm tội phạm là chưa hợp lý, không phân hóa được các nhóm tội phạm, nhất là 7 nhóm tội phạm nguy hiểm trên.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo cân chắc để thể hiện rõ nội dung phân hóa các nhóm tội phạm này”, đại biểu nêu quan điểm.
![]() |
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu thảo luận tổ |
Liên quan đến hình phạt tử hình, đại biểu cho biết trong dự thảo luật cũng hướng đến 7 nhóm tội phạm nguy hiểm này.
“Liệu chúng ta có nên bỏ hình phạt tử hình của 7 nhóm tội phạm này không? Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, nếu chúng ta tiếp tục ưu tiên chống nhóm này thì không nên bỏ hình phạt tử hình, còn tiếp tục rà soát nhóm kia để bỏ nhóm này thì không phù hợp”, đại biểu phân tích.
Trong tờ trình của Chính phủ đề nghị nghiên cứu giảm bớt tội danh về hình phạt tử hình sang hình phạt tù, có nghĩa giảm cả việc thi hành án tử hình. Đại biểu đồng tình với chủ trương này, song dự thảo luật sửa đổi lần này lại tự “gói lại” chỉ trong 2 đối tượng gồm ung thư và HIV chuyển sang giai đoạn AIDS.
“Trong khi đó còn nhiều loại bệnh hiểm nghèo được xếp tương đương như suy tim độ 3, suy thận độ 4, lao độ 4 kháng thuốc… nhưng lại không được xếp vào nhóm không thi hành án tử hình. Vậy sao chúng ta không mở rộng đối tượng không thi hành án tử hình để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và bảo đảm tính nhân văn”, đại biểu kiến nghị.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chủ động phối hợp thực hiện đồng bộ mô hình chính quyền 2 cấp

Định hướng công tác nhân sự đại biểu HĐND sau sắp xếp xã, phường

Công an xã có thể được khởi tố vụ án hình sự

Đề xuất tăng mức phạt tù với một số tội về môi trường, an toàn thực phẩm

Chính phủ trình Quốc hội bỏ án tử hình đối với 8 tội danh

Đề xuất tăng kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao lên 27 người

Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Gia Lâm đề xuất 4 trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
