Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh nâng trần chi phí lãi vay lên 30%?
Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh nâng trần chi phí lãi vay lên 30%
Bài liên quan
Bộ Tài chính trình Chính phủ 12 Nghị định về biểu thuế ưu đãi
Cuối năm, ngành hải quan quyết liệt thu hồi nợ thuế
Đề xuất giảm thuế đối với thịt lợn, thịt gà và một số loại hoa quả
Thủ tướng giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020
Việc ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 20) đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo ý kiến phản ánh của một số doanh nghiệp, trong quá trình thực hiện Nghị định 20 cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, quy định này áp dụng chung, không loại trừ cho những trường hợp đặc thù, ví dụ như khoản vay đã thực hiện trước đây của một số dự án của các doanh nghiệp thuộc vốn chủ sở hữu nhà nước, đặc biệt là khoản vay cũ khi cổ phẩn hóa, các khoản vay thực hiện dự án công tư, dự án chuyển giao.
Quy định khống chế tổng chi phí lãi vay không rõ theo hướng gộp (không cho trừ doanh thu lãi từ tiền cho vay) hay thuần (cho trừ doanh thu lãi từ tiền cho vay), gây khó khăn cho doanh nghiệp; quy định khống chế chi phí lãi tiền vay 20% ảnh hưởng đến huy động vốn trung và dài hạn…
Để tháo gỡ những vướng mắc trên đây, cũng để tiếp tục hoàn chỉnh, củng cố quy định quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay tại khoản 3 Điều 8, Nghị định 20.
Cụ thể, dự thảo nghị định hướng dẫn, tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay thuần, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Dự thảo nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay và các khoản có tính chất tương tự được xác định theo pháp luật về kế toán và thuế. Chi phí lãi vay bao gồm chi phí lãi vay và các khoản có tính chất tương tự lãi vay, bao gồm cả chi trả tiền vay được tính vào giá trị đầu tư theo quy định của pháp luật về kế toán và thuế.
Bộ Tài chính cho biết, về tác động định tính, phương án hướng dẫn rõ áp dụng tổng chi phí lãi vay thuần cho phép các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động trung chuyển vốn, vay, cho vay lại, quản lý quỹ, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn sẽ giải quyết được toàn bộ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị có ý kiến khi áp dụng chi phí lãi vay gộp theo quy định tại Nghị định 20.
Về định lượng, khi áp dụng đồng thời các phương án tháo gỡ gồm khống chế 30% chi phí lãi vay thuần và cho chuyển lãi vay tương ứng chuyển lỗ, về đối tượng áp dụng, số lượng doanh nghiệp bị loại chi phí lãi vay năm 2017 giảm từ 2.799 đơn vị xuống 1.034 đơn vị; năm 2018 giảm từ 3.080 đơn vị xuống còn 1.093 đơn vị, tốc độ giảm tương ứng là 63 - 65%.
Giải thích về việc khống chế chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, để tránh việc đánh thuế trùng, OECD khuyến nghị các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10 - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay (EBITDA).
Sau khi cân nhắc mức ngưỡng cụ thể nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc nâng khống chế 30% là phù hợp với thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.