Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra phòng, chống bão YAGI tại Quảng Ninh
Hướng đi của bão đã có sự thay đổi
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thông tin, tính đến 9 giờ ngày 7/9, chưa có thiệt hại đáng kể. Riêng thành phố Móng Cái, huyện Cô Tô gãy đổ một số cây xanh đô thị. Có 1 nhà dân ở huyện Vân Đồn bị tốc mái hoàn toàn.
Các lực lượng chức năng đã huy động 2.663 cán bộ, chiến sỹ và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; 68 ô tô các loại; 18 tàu; 59 xuồng; 6 xe đặc chủng cùng nhiều vật tư cần thiết khác sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Tỉnh đã kêu gọi toàn bộ các tàu du lịch, tàu các loại về nơi tránh trú. Huyện Cô Tô đã thực hiện cưỡng chế 3 tàu đánh bắt không chấp hành việc di dời vào nơi tránh trú.
Sáng 7/9, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng Đoàn công tác đã kiểm tra hiện trường và họp trực tuyến với lãnh đạo 13 địa phương trên địa bàn tỉnh về công tác phòng, chống bão số 3 |
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các lao động trên biển đã lên đất liền trong ngày 6/9. Các địa phương đã và đang thực hiện di dời các hộ dân tại nơi nguy cơ bị ảnh hưởng đến nhà người thân, nhà văn hóa để trú ẩn. Sức gió mạnh cấp 7 trở lên bao trùm các địa phương trong tỉnh và tiếp tục mạnh lên ở các địa phương phía Tây như Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều. Các địa phương đều đã có mưa. Tỉnh căn cứ vào các kịch bản để chủ động ứng phó, tập trung rà soát các nơi xung yếu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sức gió, hướng đi của bão đã có sự thay đổi. Dự báo sẽ đi vào các địa phương giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, trong đó có thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên, với bán kính phủ rất rộng kéo dài dọc theo tuyến biển vào đến Thanh Hóa và có thể đi sâu vào các nội đồng, địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng địa phương cần dự báo các tình huống có khả năng xảy ra khi bão vào. Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải nêu cao tinh thần ứng phó với bão, không chủ quan lơ là vì hướng đi của bão rất nhanh, diễn biến rất phức tạp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu |
Trước đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã thị sát tình hình bão tại Cảng Quốc tế Tuần Châu. Hiện các tàu du lịch đã ở khu neo đậu tránh trú bão an toàn, không còn khách du lịch ở các tuyến đảo. Hơn 2.000 khách du lịch đều đang lưu trú ở đất liền.
Kiểm tra tại hồ chứa nước Yên Lập (thị xã Quảng Yên), hiện lượng nước trữ nước ở mức 87%. Ngày 5/9, hồ thủy lợi Yên Lập đã mở cửa xả lũ công suất 100m3/s. Đến sáng 7/9, hồ Yên Lập đã tăng công suất xả lũ lên 160m3/s để đảm bảo an toàn. Hồ thủy lợi Yên Lập có dung tích 127 triệu m3, là hồ chứa lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên.
Sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh
Qua kiểm tra thực tế và nghe các địa phương trong tỉnh báo cáo nhanh về công tác phòng, chống cơn bão số 3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng chống bão.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, diễn biến của cơn bão số 3 vẫn rất phức tạp, vì vậy tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống có thể phát sinh, hất là tại các vị trí xung yếu như hồ đập, các tuyến đê biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tổ chức thường trực 24/24, theo dõi sát diễn biến của cơn bão để tiếp tục chủ động phòng, chống, mục tiêu cao nhất là đảm bảo về người, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tài sản.
Đoàn cũng đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại khu vực hồ Yên Lập |
Các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức cho người dân hiểu về mức độ rủi ro, nguy cơ thiệt hại đối với từng cấp gió để người dân chủ động phương án phòng tránh; tuyệt đối không để người dân quay trở lại các lồng bè, tàu đang neo đậu khi chưa đảm bảo an toàn. Chuẩn bị đầy các vật dụng thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi bão khi cần thiết; sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có vấn đề xảy ra.
Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu phải lên phương án sẵn sàng ứng phó hoàn lưu sau bão; tiếp tục đổi mới công tác thông tin về bão, phương pháp chống bão để người dân hiểu dễ, hiểu đúng, dễ làm theo. Trong thời gian tới, tỉnh nghiên cứu cơ chế xây dựng các cộng đồng dân cư ven biển để lấy đây là hạt nhân triển khai công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở.