Bỏ xếp loại trên bằng đại học: Bằng cấp và kiến thức - cái nào quan trọng hơn?
Bài liên quan
Sinh viên Bách khoa “làm chủ” công nghệ 3D
Phát động chào mừng “Tuần lễ học tập suốt đời”
Bằng đại học mới sẽ không còn phân biệt loại hình đào tạo
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên
Cô giáo mầm non chủ động ứng dụng công nghệ trong dạy học
Thầy 9X và bí quyết “dạy Văn không ru ngủ”
Đó là một trong những ý kiến được bạn đọc bày tỏ xung quanh dự thảo lần 1 lấy ý kiến Thông tư về nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự).
Nhiều ý kiến không đồng tình
Bộ GD – ĐT vừa công bố dự thảo lấy ý kiến đóng góp về Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự.
Có thể dễ dàng thấy rằng thay đổi lớn nhất của cách thức ghi trên văn bằng chính là việc loại bỏ phân biệt về xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình. Ngoài ra, không phân biệt rõ hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn như văn bằng giáo dục đại học hiện thời. Việc phân biệt rõ các khối ngành như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ... cũng không còn được sử dụng. Theo quy định mới chiếu theo thông tư kể trên, tất cả sẽ được gọi chung là cử nhân.
Cụ thể, 10 nội dung được ghi trong văn bằng giáo dục đại học như sau:
- Tiêu đề: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ);
- Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng;
- Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng;
- Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng;
- Quốc tịch của người được cấp văn bằng;
- Ngành đào tạo;
- Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng;
- Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;
- Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng;
Dự thảo đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Bày tỏ sự không đồng tình, Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sinh viên năm thứ ba, Học viện Ngân hàng) cho rằng: “Việc học bây giờ đòi hỏi tính chủ động của sinh viên. Việc xếp loại khá, giỏi ghi nhận quá trình nỗ lực, phấn đấu của mỗi người, từ việc học tập, đến tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đó là áp lực lớn nhưng cũng là động lực để chúng mình cố gắng. Nếu bây giờ, người nỗ lực cũng nhận tấm bằng như người chây ì thì đó là sự cào bằng bất công”.
Cùng chung ý kiến như Hạnh, Hoàng Đức Minh (sinh viên Đại học Thủy lợi) cho rằng: “Tấm bằng “đỏ” là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng, quý giá mà mỗi sinh viên đều khao khát có được trong suốt quãng thời gian học tập ở trên giảng đường. Đó cũng là “điểm cộng” trong mắt nhà tuyển dụng, khiến chúng mình dễ dàng hơn trên con đường tìm kiếm việc làm. Vì vậy, mình nghĩ nếu bỏ đi thì sẽ rất phí. Thêm nữa, nếu bằng chính quy với bằng tại chức cũng như nhau, nhiều người sẽ nghĩ cần gì học chính quy cho tốn thời gian”.
Nên hay không nên?
Tuy nhiên, đứng từ góc độ nhà tuyển dụng, chị Nguyễn Thị Hằng (bộ phận nhân sự của một công ty thương mại trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thấy việc xếp loại khá giỏi hay loại hình đào tạo cũng không còn quá quan trọng trong xu hướng phát triển hiện nay. Nếu giáo dục chỉ chạy theo thành tích, bằng giỏi mà năng lực không đáp ứng được yêu cầu, cũng không có giá trị. Ngược lại, nhiều người bằng cấp “nhàng nhàng” nhưng họ nhanh nhạy, biết ứng dụng kiến thức vào thực tiễn công việc, họ vẫn được doanh nghiệp coi trọng. Cốt lõi vẫn là sau quá trình học, mỗi sinh viên thu nạp được gì”.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nên chiếu đúng theo luật để xếp loại bằng cấp. "Bằng là để chứng nhận hoàn thành trình độ cử nhân, thạc sĩ... Nhiều người nói bằng không quan trọng, tại sao phải hỏi xếp loại quan trọng? Tôi thấy hơi mâu thuẫn. Hơn nữa, trong tuyển dụng, doanh nghiệp còn phải xem xét kỹ bảng điểm mới đánh giá trọn vẹn được cá nhân ứng tuyển".
Trước những ý kiến trái chiều, ngày 6/10, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT) đã có ý kiến về dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học”. Chia sẻ về thông tư kể trên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT) cho biết, dự thảo thông tư vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của dư luận theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Trinh cũng phân tích rõ trong Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học quy định rõ người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.
Phụ lục văn bằng giáo dục đại học được quy định cụ thể trong Mục 2, Điều 8 của "Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân":
- Thông tin của người được cấp văn bằng: họ và tên; ngày tháng năm sinh; mã sinh viên; số chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân.
- Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng; ngành đào tạo; chuyên ngành đào tạo; ngày nhập học; ngày cấp bằng; nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu); ngôn ngữ giảng dạy;
- Thông tin về trình độ đào tạo theo khung trình độ quốc gia: Trình độ đào tạo đã hoàn thành theo khung trình độ quốc gia; Loại hình của chương trình đào tạo; Thời gian đào tạo; Trình độ đào tạo kế tiếp;
- Kết quả học tập: tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.