BTV Minh Trang khuyên các em nhỏ "phóng sinh" động vật đúng cách
Nhà báo Minh Trang chia sẻ với các em nhỏ tại chương trình
Bài liên quan
"Kiến tạo tương lai" là chủ đề "Aquafina Vietnam International Fashion Week Xuân Hè 2019"
Trường Giang và Anh Đức "mê ăn" đến mức để lạc Lê Lộc
"Về nhà đi con" mở đầu khung giờ phim mới trên VTV1
Khám phá những địa danh có tên gọi kì lạ nhất Việt Nam
Cụ thể, trong chương trình, khi chị Lê Thị Kim Ngân - Điều phối Giáo dục và Nâng cao nhận thức, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã - Save Vietnam's Wildlife hỏi các em nhỏ tham gia sự kiện các biện pháp bảo vệ động vật, một em nhỏ đã đưa ra hoạt động là phóng sinh, thả động vật.
BTV Minh Trang đã rất tâm huyết về vấn đề này. Chị nói với các em nhỏ đây là hành động tốt, mang ý nghĩa tâm linh Phật giáo hướng thiện nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có sự chọn lọc. Nếu chúng ta mua các con vật để thả thì sẽ khiến các con vật khác bị bắt nhiều hơn để mang bán. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển từ nơi này đến nơi kia các con vật có thể bị chết.
Còn một điều nữa là có thể chúng ta không hiểu rõ môi trường sống của động vật, thả chúng vào những chỗ không thể sinh tồn được hoặc bị động vật khác tiêu diệt, hoặc mô tình thả những con vật phá hoại môi trường sống của con vật khác.
Như vậy, cách phóng sinh tốt nhất theo chị là hãy cứu những con vật khi chúng gặp nạn, bảo vệ chúng khỏi các nguy cơ chứ đừng mua để phóng sinh.
Các khách mời tọa đàm và hướng dẫn các em nhỏ tìm giải pháp thân thiện với thiên nhiên tại sự kiện |
Chị Lê Thị Kim Ngân - Điều phối Giáo dục và Nâng cao nhận thức, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã - Save Vietnam's Wildlife cũng tiếp nối ý kiến này. Chị cho rằng khi vào các khu bảo tồn thiên nhiên, nếu mua các động vật được bán ở đó rồi thả thì vô tình cứu một con mà làm hại nhiều con khác. Cách tốt nhất là khi phát hiện có người bán động vật hoang dã thì gọi điện đến các cơ quan chức năng, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã để được trợ giúp.
Sự kiện "Tippi hoang dã- Làm bạn với thiên nhiên" được tổ chức nhân dịp cuốn sách được tái bản lần thứ ba với sự có mặt của các khách mời: Nhà báo Minh Trang - Đài Truyền hình Việt Nam; PGS.TS.NCVCC. Vũ Văn Liên, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam và Bà Lê Thị Kim Ngân - Điều phối Giáo dục và Nâng cao nhận thức, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã - Save Vietnam's Wildlife.
Tại đây các em nhỏ cũng được tham gia các trò chơi thú vị xung quanh cuốn sách.
Các độc giả nhí hào hứng tham gia trò chơi tìm hiểu về "Tippi hoang dã" |
"Tippi hoang dã" là một trong những cuốn sách khoa học sáng giá của Nhà xuất bản Kim Đồng dành cho lứa tuổi thiếu niên 6+ về đề tài thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã và môi trường.
Xuất bản lần đầu tại Việt Nam năm 2008, trải qua hơn một thập niên, sự trở lại của Tippi Hoang Dã khẳng định sức sống và giá trị của cuốn sách trong lòng độc giả yêu mến cô bé Tippi lạ lùng, yêu mến những giá trị vĩnh cửu của thiên nhiên và con người.
Tippi sinh năm 1990, trong một ngôi làng ở Namibia, xứ sở xa xôi ở cuối Lục địa Đen, tiếp giáp với sa mạc Kalahari nóng như một chiếc chảo rang khổng lồ.
Bố mẹ cô là Alain Degré và Sylvie Robert, hai nhà nhiếp ảnh và làm phim nổi tiếng người Pháp, chuyên chụp những cảnh trong rừng rậm, muông thú ở miền Nam châu Phi, tác giả của những bộ phim tài liệu hấp dẫn đầy chất thơ như Sa mạc bí ẩn Kalahari, Trở về thung lũng sư tử...
Lòng say mê của họ với thiên nhiên hoang dã, nơi mà trên từng bước đi, những mối hiểm nguy song hành cùng những khám phá mới mẻ, đã được di truyền cho cô con gái bé bỏng. Họ luôn để mắt đến cô nhưng không ngăn cô sống hòa mình với thiên nhiên, thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt, và trưởng thành mạnh mẽ.
Tippi lớn lên như một cô bé thổ dân thuộc bộ lạc Himba, người châu Âu gọi là Bushmen (Những người sống trong lùm bụi) với lối sống gần như thời nguyên thuỷ”. Nơi đây, sự trưởng thành của một con người xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống. Bởi vậy, Tippi biết bơi trước khi… biết bò. Và chỉ 10 tháng tuổi, cô nhóc đã chân đất lẫm chẫm đi theo những muông thú đi cửa nhà, như bố cô kể “vì xung quanh nhà có rất nhiều gai nhọn, không thể bò mãi được”. Tiếng gọi “Mẹ” đầu tiên Tippi thốt ra là khi cô đang lê la ngoài vườn thấy một gã hổ mang chúa đang trườn lại gần mà dường như bản năng báo cho cô biết sự nguy hiểm đang cận kề từng giây.
Thế giới của Tippi không phải là giờ học hát, học múa, đi công viên hay dã ngoại với cha mẹ và bạn bè. Thế giới của Tippi là chú tắc kè hoa Léon, là bác voi Abu mà cô gọi là “ông anh của tôi”, là những con báo hoa mai, những con rắn, khỉ đầu chó, sư tử, đà điểu…
150 trang sách ảnh khổ lớn với hàng trăm bức ảnh tuyệt đẹp, ghi lại từng khoảnh khắc trong thế giới hoang dã theo lời kể giản dị và chững chạc đáng ngạc nhiên của Tippi.
Hơn cả một tập sách ảnh, "Tippi hoang dã" còn là một cuốn sách chất đầy tri thức khoa học về tự nhiên, tập quán của người dân châu Phi, về hệ sinh thái rừng, về cuộc sống hoang dã của các loài động thực vật vô cùng phong phú.
"Tippi hoang dã" dạy chúng ta bài học về tình yêu ban sơ giữa con người và thiên nhiên, về sự ứng xử hòa thuận, về lòng khoan dung biết chấp nhận những điều khác biệt, trong một thế giới quá đỗi khác biệt và lạ lùng.
Cuốn sách đánh thức bạn đọc nhỏ tuổi về một thông điệp đầy giá trị: Hãy làm bạn với thiên nhiên! Chỉ khi đó, chúng ta mới tận hưởng hết giá trị thực sự và niềm hạnh phúc mà Thiên Nhiên mang lại.