Bù đắp thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu
Lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn 2018 - 2021 sẽ được Chính phủ điều chỉnh “bù” lương hưu để đảm bảo các quyền lợi. Ảnh minh họa.
Bài liên quan
Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đóng BHXH
Đảm bảo chế độ lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu giai đoạn 2018 - 2021
TP HCM: Chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động còn nhiều vướng mắc
Hoạt động khởi nghiệp đã từng bước đi vào cuộc sống
Để có phương án bù đắp thiệt thòi cho hơn 91.000 lao động nữ trong diện này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ.
Ðiều chỉnh "bù" lương hưu
Quy định về cách tính lương hưu trong Luật BHXH năm 2014 đã nảy sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1/1/2018. Cụ thể, quy định công thức tính lương hưu của nam được thay đổi dần trong vòng 5 năm, còn của nữ thay đổi ngay trong năm 2018 dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (giảm từ 1 đến 10%); hay sự chênh lệch giữa lao động nữ và lao động nam (giảm từ 1 đến 2%).
Lý giải cụ thể về vấn đề này, lãnh đạo BHXH Hà Nội cho biết: Theo cách tính mới, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu là 75%, lao động nữ phải có 30 năm đóng BHXH thay vì 25 năm như trước. Cách tính lương hưu mới đã tác động đến các lao động nữ chưa có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm nhưng đã hết tuổi lao động. Có nghĩa, lao động nữ bị thiệt thòi hơn do Luật không quy định lộ trình áp dụng cách tính lương hưu mới của lao động nữ, còn lao động nam lại có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm.
Giả sử lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có đúng 25 năm đóng BHXH, thì hưởng lương hưu năm 2018 theo Luật BHXH với tỷ lệ chỉ 65%. Trong khi đó, lao động nữ nghỉ từ năm 2017 có cùng thời gian đóng bảo hiểm lại được hưởng tỷ lệ 75%. Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017.
Theo dự báo của BHXH Việt Nam, việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021 sẽ bị thiệt trong mối tương quan với lao động nam. Ước tính, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu bị thiệt thòi trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 mà có từ 20-29 năm 6 tháng đóng BHXH hơn 91.000 người. Trong đó, năm 2018 là 20.500 người; năm 2019 là 22.000 người; năm 2020 là 23.500 người và năm 2021 là 25.100 người.
Thực hiện theo phương án điều chỉnh nêu trên, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm sẽ phát sinh thêm nhu cầu kinh phí. Cụ thể, năm 2018 phát sinh thêm 27,8 tỷ đồng; năm 2019 là 23,7 tỷ đồng; năm 2020 là 18,1 tỷ đồng; năm 2021 là 10,3 tỷ đồng. Tổng cộng, số tiền phát sinh thêm khoảng 80 tỷ đồng. Chính phủ dự kiến nguồn kinh phí điều chỉnh do Quỹ BHXH đảm bảo. Ðây được xem là chính sách có tính chất đặc biệt, chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định với nhóm đối tượng xác định nhằm bảo đảm quyền lợi của nhóm lao động nữ bị ảnh hưởng bất lợi do thay đổi cách tính lương hưu; đồng thời, thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới.
Hướng dẫn điều chỉnh
Thực hiện Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 4894/BHXH-CSXH ngày 26/11/2018, gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân về việc hướng dẫn điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ.
Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 153/2018/NĐ-CP đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý, bao gồm các trường hợp đã được BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân giải quyết hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày Nghị định số 153/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiến hành chi trả tiền truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức trước và sau khi thực hiện điều chỉnh đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày nhận lương hưu mới. Ngoài ra, các đơn vị phải lập báo cáo kết quả đối tượng được điều chỉnh và tổng quỹ chi trả lương hưu tăng thêm của năm trước theo Mẫu số 01-NĐ153, gửi đến Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) trước ngày 10/1/2019.
Đối với BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị này thực hiện giải quyết điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 153/2018/NĐ-CP đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.
Công văn của BHXH Việt Nam cũng nêu rõ, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân kịp thời phản ánh về BHXH Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ được xem là chính sách có tính chất đặc biệt; thực hiện trong một thời gian nhất định với nhóm đối tượng xác định nhằm bảo đảm quyền lợi của nhóm lao động nữ bị ảnh hưởng bất lợi do thay đổi cách tính lương hưu; đồng thời, thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới.
Chính phủ sẽ điều chỉnh “bù” tương ứng với chênh lệch lương hưu
Theo Điều 57, Luật BHXH năm 2014, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH. Đây cũng là cơ sở cho việc Chính phủ điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ thời điểm 1/1/2018 đến 31/12/2021.
Theo tính toán, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; 2019 giảm 4%; 2020 giảm 6%; 2021 giảm 8% và năm 2022 giảm 10%. Trên cơ sở Quốc hội giao, Chính phủ sẽ điều chỉnh “bù” số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính theo Luật BHXH (10%) so với thực hiện theo lộ trình như nam giới, tức là sẽ bù vào tỷ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%; năm 2019 là 6%; năm 2020 là 4%; năm 2021 là 2% và từ năm 2022 sẽ không được bù vì kết thúc lộ trình.
Theo Nghị định số 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 có từ 19 năm 6 tháng đến 20 năm đóng BHXH khoảng gần 91.600 người; phát sinh nhu cầu kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề này, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ 1/1/2018 đến 31/12/2021 và nguồn kinh phí thực hiện do quỹ BHXH bảo đảm.