Bức tranh kinh tế Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2024
Cần Thơ: Hợp tác đẩy mạnh xuất khẩu lao động
|
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 5,73%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,21%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 7,05%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,06%.
Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ chủ trì buổi họp báo |
Cơ cấu kinh tế cơ bản ổn định: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,63%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,46%; khu vực dịch vụ chiếm 53,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,56%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,08% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 5,79% so cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 8,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,04% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại – dịch vụ ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 64.717,48 tỷ đồng, tăng 11,26% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 47,67% kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 1.156,271 triệu USD, tăng 7,12% so với cùng kỳ, đạt 52,94% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện 269,843 triệu USD, tăng 2,92% so với cùng kỳ, đạt 50,34% so với kế hoạch năm.
Tổng số khách tham quan, du lịch ước đạt 3.730.000 lượt, tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 61% kế hoạch năm; khách du lịch lưu trú ước đạt 1.696.000 lượt, tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 55% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 3.321 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 55% kế hoạch năm.
Lĩnh vực nông nghiệp phát triển, đã triển khai cổng thông tin kết nối tiêu thụ nông sản để tăng cường quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, cải thiện hiệu quả kinh doanh với tên miền “chonongsancantho.vn”. Hiện nay, đã có 114 đơn vị đăng ký trên cổng thông tin “chonongsancantho”.
Cây lúa đã xuống giống 155.774 ha, đạt 76% KH năm, giảm 8% so cùng kỳ”. Diện tích gieo trồng 9.455 ha, đạt 71% kế hoạch, giảm 10% cùng kỳ; đã thu hoạch 6.296 ha.
Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP.
Cần Thơ tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển. Qua tổng hợp kết quả giải ngân chi tiết theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, đến hết ngày 24 tháng 6 năm 2024 số vốn đã giải ngân là 2.843,968 tỷ đồng, đạt 32,14% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao chi tiết và đạt 27,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 1,04 lần về giá trị nhưng giảm 1,56% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2023.
Ước 6 tháng năm 2024, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 875 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 8.300 tỷ đồng, đạt 48,61% KH về số lượng doanh nghiệp và đạt 63,85% KH về vốn, tương đương về số lượng doanh nghiệp và tăng 44,5% về vốn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 700 lượt doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 42,3% so cùng kỳ; 105 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng 38,2% so với cùng kỳ. Ước tổng số có 300 lượt doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,7% so cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố có 3 dự án mới, vốn đầu tư đăng ký 727,135 tỷ đồng (02 dự án được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, 01 dự án cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Điều chỉnh 03 dự án (1 dự án giảm quy mô và 02 dự án điều chỉnh tiến độ thực hiện). Lũy kế đến hiện nay có 93 dự án được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.910,2 ha.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TP Cần Thơ cấp mới 01 dự án, vốn đăng ký 150.000 USD, chấm dứt hoạt động 1 dự án”, vốn đăng ký 150.000 USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.274,97 triệu USD.
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế TP Cần Thơ dần phục hồi, doanh nghiệp nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời triển khai các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Nghị quyết của HĐND TP để cụ thể hóa, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện.
Các chính sách đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống nhân dân được cải thiện tích cực. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số tiếp tục ưu tiên thực hiện; vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công đánh dấu sự chuyển biến đột phá trong đẩy mạnh cải cách hành chính. Hoạt động đối ngoại triển khai đồng đều trên các lĩnh vực.