Bùng nổ “thành phố thông minh”
Thủ đô London của Vương quốc Anh đứng đầu bảng xếp hạng Thành phố thông minh nhất thế giới. Ảnh: Forbes
Những thành phố thông minh nhất thế giới
Theo bảng xếp hạng thường niên các thành phố thông minh nhất thế giới của Trường Kinh doanh IESE (IESE Business School) thuộc Đại học Navarra (Tây Ban Nha), châu Âu là nơi có nhiều ứng cử viên trong bảng xếp hạng nhất, với 7 trong số 10 thành phố dẫn đầu. Sở dĩ như vậy vì châu Âu đạt điểm cao về chất lượng cuộc sống, các yếu tố bền vững, giao thông và quản lý công cộng.
Theo sau đó là Bắc Mỹ với 13 thành phố, châu Á với 5 thành phố (trong đó Tokyo (Nhật Bản) và Singapore lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và thứ 7 trên bảng xếp hạng), châu Đại Dương có 4 thành phố (đứng đầu là Sydney (Australia) xếp hạng thứ 19). Châu Mỹ Latinh và châu Phi cũng có hai đại diện lần lượt là Santiago de Chile (Chile) xếp thứ 66 và Casablanca (Maroc) xếp thứ 155.
Báo cáo này đã khảo sát 174 thành phố thuộc 80 quốc gia và phân tích, đánh giá dựa trên 9 phương diện: Vốn nhân lực, gắn kết xã hội, kinh tế, môi trường, quản trị, quy hoạch đô thị, tiếp cận quốc tế, công nghệ, tính di động và giao thông vận tải.
Theo ông Joan Enric Ricart, giáo sư trường IESE, đồng tác giả của báo cáo, cho biết, một thành phố thực sự thông minh là hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân; đảm bảo kinh tế, xã hội và bền vững môi trường.
Mặc dù còn phải xem quá trình Brexit có thể ảnh hưởng đến vị trí như thế nào trong tương lai nhưng năm nay thủ đô London (Vương quốc Anh) vẫn đứng đầu bảng xếp hạng những Thành phố thông minh nhất thế giới.
Năm ngoái, Thị trưởng London Sadiq Khan đã phát động một kế hoạch lớn nhằm khai thác nhân tài của thành phố cũng như công bố lộ trình xây dựng thành phố thông minh mang tên “Smarter London Together” (Cùng nhau đưa London trở nên thông minh hơn).
Theo đó, các dịch vụ công cộng trong thành phố sẽ được hỗ trợ để sử dụng công nghệ và các dữ liệu thông tin nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giải quyết một số vấn đề lớn như cải thiện chất lượng không khí, thiết kế đô thị và kết nối kỹ thuật số.
Kế hoạch gồm trên 20 sáng kiến được xem là hướng đi táo bạo tăng cường khả năng kết nối kỹ thuật số, trong đó có việc kết nối mạng bằng hệ thống cáp quang cho tất cả các nhà ở được xây mới.
Đồng thời, kế hoạch có sự phối hợp với cơ quan quản lý giao thông vận tải ở London và các hội đồng để triển khai dịch vụ internet 4G trong các tòa nhà công và cơ sở hạ tầng sẵn có, hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc tài trợ thử nghiệm dịch vụ internet 5G.
Với ứng dụng công nghệ tiên tiến, Singapore là một trong 10 thành phố thông minh nhất thế giới. Ảnh: Siemens |
Tokyo là một trong những đại diện của châu Á và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng này. Là một trong những đô thị có tỷ lệ năng suất lao động cao, thành phố đặc biệt nổi bật trong bảng xếp hạng về kinh tế và nguồn nhân lực. Ngoài ra, nó cũng nằm trong top đầu về quy mô đô thị, giao thông và công nghệ.
Tokyo đã được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội Olympic vào năm 2020. Thành phố dự định sẽ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để bảo đảm an ninh. Trong khi đó, Tokyo cũng dự kiến cung cấp dịch vụ taxi không người lái chở các vận động viên và khách du lịch từ nơi này sang nơi khác.
Nhắc đến những thành phố thông minh nhất thế giới không thể bỏ qua Singapore. Năm nay, đảo quốc sư tử xếp thứ 7 trên bảng xếp hạng.
Singapore có các dịch vụ được áp dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất. Thành phố này là một trong những đô thị sạch sẽ nhất thế giới với hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và có sự cam kết mạnh mẽ để phát triển bền vững. Ở Singapore, mọi thứ đều xoay quanh công nghệ. Thành phố này đã triển khai một hệ thống thông tin giao thông toàn diện gọi là One Monitoring. Theo đó, người dân có thể truy cập thông tin giao thông được thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và taxi bằng GPS.
Ngoài ra, Singapore cũng triển khai hệ thống hướng dẫn đỗ xe, cung cấp cho các tài xế thông tin theo thời gian thực về tình trạng chỗ đỗ xe. Năm 2015, thành phố cũng đã giới thiệu các thùng rác thông minh như một phần của chương trình quản lý chất thải thông minh.
Trong ngành y học, robot cũng được sử dụng rộng rãi để phân phối thuốc vì chúng di chuyển nhanh hơn, từ đó làm giảm thời gian chờ tại các hiệu thuốc. Taxi không người lái hay những trang trại nông nghiệp công nghệ cao cũng đã không còn xa lạ tại Singapore.
Xu hướng quốc tế
Vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh. Dự án do liên danh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo Corpration (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng vốn 4,138 tỷ USD. Đây là một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Dự án này sẽ góp phần thúc đẩy giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh tại các khu đô thị, nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp và thuận lợi hơn.
Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong bối cảnh phát triển thành phố thông minh đang trở thành xu hướng toàn cầu.
Điểm nổi bật của dự án là áp dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố như: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh.
Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng. Tại dự án dự kiến cũng triển khai hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, kết nối khu vực Thành phố thông minh với trung tâm Hà Nội.
Đồng thời, dự án cũng sẽ lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng nhằm theo dõi chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa cũng như an ninh, đảm bảo an toàn tối đa cho cư dân.
Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào đời sống người dân như: Công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của thành phố Hà Nội.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2028, dự án sẽ là nền tảng để xây dựng thêm nhiều thành phố thông minh tại Việt Nam. Đây sẽ là một trong những động lực cơ bản và quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thành phố thông minh là một đô thị ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đô thị; cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.
Bài liên quan
Những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua
Người nước ngoài sẽ không được nhập cư vào Mỹ nếu không có bảo hiểm y tế
Sinh viên Mỹ và gánh nặng nợ học phí
Nhật Bản: Vấn nạn cha mẹ bạo hành con cái gia tăng