Cà Mau chủ động triển khai nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn mặn
Một vài tuyến đường giao thông ở tỉnh Cà Mau bị sụp, lún nghiêm trọng gây ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân
Bài liên quan
Về vùng cực Nam ngắm “áo mới Cà Mau”
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại Cà Mau
Cảng Hòn Khoai sẽ giúp Cà Mau "cất cánh" mạnh mẽ hơn
Giải pháp phòng, chống sạt lở bờ biển hiệu quả từ đê trụ rỗng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết dự báo hạn mặn năm 2019-2020 tương đương và một số thời điểm cao hơn đỉnh điểm năm 2015-2016.
Cụ thể ông Nguyễn Hoàng Hiệp cung cấp thông tin năm nay, hạn mặn đến sớm hơn 1 tháng và có những nơi xâm nhập mặn đã vào sâu 67km. Dự báo từ tháng 1 đến giữa tháng 3/2020, xâm nhập mặn từ 55 - 110km.
Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 71/137 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc ở khu vực ĐBSCL. Do đó, có thể nói mùa khô, hạn mặn năm nay rất khốc liệt".
Dù vậy tình hình này đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách để các tỉnh kịp thời có phương án phòng chống.
Ngày 20/2, ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng phức tạp và gây nhiều thiệt hại, UBND tỉnh chủ động mời các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học đến tỉnh khảo sát, đánh giá nguyên nhân.
Trên cơ sở đó, các bộ ngành và nhà khoa học cùng với Cà Mau sẽ bàn các giải pháp xử lý căn cơ trước mắt, cũng như lâu dài.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện tại mực nước trên hệ thống kênh mương trên địa bàn khô cạn rất nhanh. Kênh trục chính và kênh cấp I chỉ còn khoảng 0,5m - 1m; kênh cấp II, III đã khô cạn.
Hiện tai mực nước trên hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh Cà Mau khô cạn rất nhanh. |
Trong khi đó, hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, diện tích có nguy cơ thiệt hại tiếp tục tăng trong thời gian tới; gần 43.000ha rừng (bao gồm Vườn Quốc gia U Minh Hạ) bị khô hạn, trong đó dự báo cháy cấp V (cực kỳ nguy hiểm) hơn 12.000ha; một số cống ngăn mặn đã bị soi mọt, rò rỉ đáy.
Hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh rạch bị sụt lún, sạt lở, với chiều dài gần 22km. Các công trình qui mô lớn như tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và tuyến đê biển Tây cũng bị sụp lún...
UBND tỉnh Cà Mau cho biết theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, hạn hán năm nay có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí đến tháng 6. Như vậy, thiệt hại sẽ tiếp tục xảy ra nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cụ thể, có xét đến phương án ưu tiên nước ngọt phục vụ sản xuất tại một số vùng, khu vực nhất định. Các địa phương thống kê diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, đánh giá nguyên nhân, đối chiếu quy định hiện hành để hướng dẫn lập thủ tục đề nghị hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định.
Tuyến đường giao thông ở tỉnh Cà Mau bị sụt, lún nghiêm trọng do hạn mặn |
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại cụ thể từng trà lúa, hoa màu...
Qua đó, ngành có những giải pháp phù hợp hướng dẫn chính quyền địa phương và người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra, trong đó, lưu ý đến các giải pháp kỹ thuật sát với tình hình, điều kiện cụ thể...
Các đơn vị thường xuyên kiểm tra vị trí đê xung yếu, cống đập, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa. Riêng đối với nước ngọt phục vụ sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương khẩn trương điều tra, thống kê, phân loại từng nhóm cụ thể.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn tỉnh khẩn trương khảo sát từng trường hợp thiếu nước một cách cụ thể trên tinh thần kịp thời, hiệu quả, bền vững; kêu gọi hỗ trợ, cùng với nguồn lực của tỉnh, quyết tâm không để người dân không có được nước sạch sinh hoạt trong mùa khô.
Các huyện thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kể cả trên người trong mùa nắng nóng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt… Ngành chức năng chủ động, khuyến cáo để người dân đăng ký sản xuất giống lúa ngắn ngày ST 24 cho vụ mùa tới.
Đối với công tác phòng chống cháy rừng, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy chữa cháy rừng; Đặc biệt là cần kiểm tra phương án phòng chống cháy rừng của các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, thành lập tổ đội quần chúng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng tại cộng đồng dân cư nơi có rừng.