Cả tháng lương chỉ mua được hai cân sữa do siêu lạm phát
Các siêu thị tại Venezuela lúc nào cũng trong tình trạng trống trơn. Ảnh: QZ
“Tình trạng siêu lạm phát gây áp lực lớn cho các gia đình”, giáo sư Álvaro nói. Tại siêu thị, 1 lít sữa có giá 4.200 bolivar tương đương 11% tiền lương hàng tháng của ông Álvaro. Trong khi đó, 1kg sữa bột có giá 19.995 bolivar, hơn 1/2 lương của ông
Mức lương tối thiểu ở Venezuela khoảng 18.000 bolivar, nghĩa là mua 1 lít sẽ chiếm gần 1/4 tiền lương hàng tháng của họ.
“Chính phủ Venezuela đã “đánh cắp” 20 năm cuộc đời của tất cả người dân Venezuela. Họ đã cho chúng tôi một cuộc sống kém chất lượng, ngăn cản chúng tôi có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Họ đã khiến Venezuela không tiến lên mà suy thoái về mọi mặt”, ông Álvaro than thở.
Tỷ lệ lạm phát phi mã
Venezuela được biết đến là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và từng là một trong những nước giàu nhất Mỹ - Latinh. Dầu mỏ là nguồn thu duy nhất của nước này, chiếm hơn 95% doanh thu. Tuy nhiên, mọi thứ thực sự xấu đi khi giá dầu bắt đầu giảm mạnh vào năm 2014.
Đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ bị cắt giảm dẫn đến sản lượng giảm, trong khi chi tiêu vẫn phải tiếp tục ngay cả khi nguồn thu từ dầu mỏ bắt đầu cạn kiệt. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ lên Venezuela cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Kết quả là nền kinh tế Venezuela lâm vào khủng hoảng, mức lương bình quân đã giảm 80%, nhập khẩu giảm 25%. Venezuela trở thành nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát tại Venezuela đến hết năm 2019 có thể lên tới 10.000.000%, gấp 7,7 lần năm trước.
Người Venezuela đang xếp hàng chờ mua thực phẩm trước một siêu thị tại thủ đô Caracas. Ảnh: Reuters |
Trong nỗ lực giải quyết siêu lạm phát, năm ngoái Chính phủ Venezuela đã tiến hành loại bỏ năm số 0 trên đồng Bolivar nhằm tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Steve Hanke ở Đại học John Hopkins cho rằng hành động này là một “trò lừa đảo”. “Nhiều tháng trôi qua, việc đổi mới tiền tệ đã không đem lại gì cho một nền kinh tế đang trong tình trạng rơi tự do”, giáo sư Steve Hanke nói.
Tổng thống Nicolas Maduro cũng được cho là đã bán hàng chục tấn vàng trong hai tháng 4 và 5 vừa qua để lấy tiền chi trả cho lượng hàng hóa nhập khẩu. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong vòng 5 năm qua, 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela đã tan thành mây khói. Doanh nghiệp cạn vốn không thể hoạt động.
Thiếu thốn lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm, xã hội rối loạn là những thứ đang diễn ra hàng ngày ở quốc gia Mỹ - Latinh này. Dân chúng Venezuela đang phải sống trong tình cảnh thiếu hụt các loại thực phẩm cơ bản, như sữa, các loại thịt, gạo, dầu ăn cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác... Nhiều người dân phải xếp hàng chờ đợi trong vô vọng tại các cửa hàng thực phẩm nhưng chẳng thể mua được bất cứ thứ gì. Hầu hết cửa hàng và siêu thị nếu có hàng hóa, thực phẩm cũng nhanh chóng bán hết trong tích tắc.
Bảy triệu người cần viện trợ nhân đạo
Theo thống kê của Liên hợp quốc (UN), khoảng 7 triệu người Venezuela, tương đương 24% dân số nước này cần được viện trợ nhân đạo do thiếu lương thực và thuốc men. Tình hình quá khó khăn buộc 10% dân số Venezuela phải bỏ nhà sang các quốc gia láng giềng Colombia, Peru, Ecuador, Argentina, Brazil... để kiếm sống.
Theo “Khảo sát điều kiện sống hàng năm” của Venezuela (ENCOVI), gần 75% dân số cho biết họ gầy đi 8,7kg trong năm 2016 và 64% cho biết họ đã giảm 11kg trong năm 2017 do thiếu lương thực, thực phẩm. Các bệnh viện chứa đầy trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng.
Theo một thông cáo độc lập của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, khoảng 3,2 triệu trẻ em tại Venezuela cần sự hỗ trợ nhân đạo, với tỷ lệ cứ 3 trẻ lại có một cần hỗ trợ. Tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi đã tăng gấp đôi từ 14/1.000 trẻ sinh ra năm 2010 - 2011 lên 31/1.000 trẻ, năm 2017.
Tình trạng tồi tệ khiến nhiều khu vực ở Venezuela rơi vào hỗn loạn. Tại nhiều nơi, lực lượng chức năng thậm chí cũng không ngăn cản được các vụ cướp hàng ngay trước mắt.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm được bày bán ở các khu chợ đen. Ảnh: NYT |
Một kỹ sư thông tin đã đăng trên Twitter về nạn siêu lạm phát đối với người dân Venezuela. Hai lít nước cam có giá 5.000 bolivar và một ly cà phê giá rẻ chỉ bằng một nửa. Như vậy, một người có mức lương tối thiểu chỉ có thể chi trả hơn 7 ly cà phê và khoảng 4 lít nước cam mỗi tháng.
Tuy nhiên, Inti, cha của đứa trẻ 8 tuổi, nói rằng, giá thực phẩm tại Venezuela cũng chỉ nên coi như “một tài liệu tham khảo”. Khi có tiền trong tay, họ tiêu tiền ngay lập tức. Vì họ không biết đồng tiền còn giá trị bao nhiêu vào ngày mai.
Inti cho biết: “Tôi không phải nhớ giá cả hay băn khoăn về việc món hàng rẻ hay đắt. Thật khó để tôi đưa ra quyết định mua dựa trên giá ở thời điểm này”.
Inti nói rằng khi đứa con lớn lên, hy vọng sẽ thấy thực phẩm có giá cả phải chăng cho tất cả người dân Venezuela.
Một người dân khác, ông Luis đã nghỉ hưu, sống ở thủ đô Caracas cho biết: “Tôi sống sót vì con trai gửi tiền cho tôi. Tất cả tiền tiết kiệm mà tôi dành dụm được đã không còn gì bởi siêu lạm phát”.
Cả hai người con trai lớn của Luis đã di cư và ông còn phải nuôi hai đứa con nhỏ ở Venezuela. Khoản trợ cấp hưu trí hàng tháng của ông chỉ có thể mua được khoảng 1kg phô mai.
“Tôi có thể đem lại cho hai đứa nhỏ những điều cơ bản như giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng nhờ sự hỗ trợ của hai đứa con trai đã di cư. Nếu chỉ có tôi, điều đó là không thể”, ông Luis cho biết.
Anh Maurice từng có cuộc sống vật chất đầy đủ nhờ nghề thợ xây và thợ hàn tại Maracaibo, trung tâm dầu mỏ của Venezuela. Do kinh tế suy giảm, Maurice xoay xở làm đủ thứ việc, cố kiếm tiền nuôi 7 đứa con nhưng đứa nào cũng gầy như que củi.
Anh thường câu cá ở San Francisco, một thị trấn nơi có dòng nước đen kịt bởi dầu liên tục rò ra từ giếng khoan, để kiếm thêm thực phẩm cho gia đình. “Không biết chỗ cá này ăn được hay không nhưng với tình hình hiện tại, chúng tôi buộc phải mạo hiểm vì không còn cách nào khác là ăn chúng. Tôi cảm thấy thật khủng khiếp. Chúng tôi chưa bao giờ lâm vào cảnh này. Tình cảnh bây giờ thật hỗn loạn”, anh Maurice thở dài nói.
Bài liên quan
Nghịch lý thiếu xăng dầu tại Venezuela
Venezuela: Lương tối thiểu của người lao động tăng 34 lần
Vụ nổ nhằm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro