Các bệnh viện Thủ đô từng bước “chuyển mình”
Bệnh viện như… “resort 5 sao”
Cách đây gần 10 năm, khi các bệnh viện ở Hà Nội đang đối mặt với khó khăn, nhất là tình trạng quá tải, ở nhiều nơi bệnh nhân phải nằm chen chúc, thậm chí 7 - 8 người chung một giường, người nhà đến chăm nom phải trải chiếu nằm dọc các hàng lang thì giấc mơ về một bệnh viện sạch, đẹp như khách sạn, là điều xa xỉ.
Nhờ sự đầu tư và các giải pháp đột phá, những năm gần đây, ngành Y tế Thủ đô đã được nâng lên một tầm cao mới. Trong đó, nhiều bệnh viện đã tự chủ, đầu tư cơ sở vật chất, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách Nhà nước. Các bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố, cấp huyện và xã được đầu tư nâng cấp.
Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Xanh Pôn) đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại nhất |
Thành phố cũng đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc. Trong đó tính đến hết năm 2022, số đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc Sở Y tế là 36/41 bệnh viện, đạt 88% và là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa.
Nằm trên phố Chu Văn An, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có tên cũ là Bệnh viện Saint Paul de Chartres, được Pháp xây dựng vào năm 1896. Đến nay, Đa khoa Xanh Pôn là bệnh viện Hạng I của Hà Nội với 7 chuyên khoa đầu ngành, có quy mô 870 giường bệnh với hơn 1.000 nhân viên.
Khuôn viên Bệnh viện Xanh Pôn |
Được sự quan tâm lãnh đạo TP cơ sở vật chất của bệnh viện được đầu tư cải tạo và nâng cấp toàn bộ cùng với trang thiết bị hiện đại đã giúp bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các kỹ thuật mới chuyên sâu.
Toàn bộ khuôn viên bệnh viện, các khoa, phòng, buồng bệnh, nhà vệ sinh, đường đi sạch sẽ. Trong bệnh viện có đầy đủ nước uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà vệ sinh, bồn rửa tay và xà phòng, dung dịch rửa tay cho người bệnh, người nhà người bệnh và cán bộ y tế.
Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, trực thuộc Bệnh viện Xanh Pôn cũng được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị công nghệ hiện đại được đầu tư bài bản |
Từ một bệnh viện hạng III, nay Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã vươn lên thành bệnh viện hạng I, với cơ ngơi khang trang, thiết bị y tế hiện đại. Với nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại được đầu tư bài bản và khép kín, bệnh viện đã vươn lên làm chủ nhiều kỹ thuật cao.
Giờ đây, bệnh viện không chỉ phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân Thủ đô mà còn được Bộ Y tế giao tiếp nhận, khám và điều trị cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung như một bệnh viện tuyến cuối về điều trị ung thư.
Trung tâm khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội |
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã khẳng định vị thế quan trọng của mình trong công tác điều trị, khám chữa bệnh sản, phụ khoa. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đơn vị đi đầu ngành Y tế Hà Nội triển khai đề án đổi mới toàn diện theo hướng xanh - sạch - đẹp và sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đặt lịch khám online.
Chị Nguyễn Thùy Vân (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Hai lần sinh con, tôi đều lựa chọn khoa D4 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bởi đi đẻ ở đấy đúng nghĩa đi… resort 5 sao. Bệnh viện sạch đẹp, phòng bệnh đầy đủ tiện nghi, khang trang, nhân viên, y, bác sĩ nhiệt tình, ân cần, niềm nở”.
Các sản phụ được chăm sóc tận tình trong suốt quá trình sinh nở |
Tương tự, nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Đức Giang, Thanh Nhàn… cũng đã mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh. Các bệnh viện đã bố trí khu vực ngồi chờ tiện nghi, đầy đủ ghế ngồi, bảo đảm an ninh, trật tự tại Khoa Khám bệnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin đã giúp công tác khám chữa bệnh, thanh toán viện phí và nhận thuốc được nhanh chóng, thuận tiện.
Cần tạo cơ chế đặc thù cho y tế Hà Nội
Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều chính sách đưa vào dự thảo, trong đó có các chính sách phát triển y tế Thủ đô rất quan trọng.
GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội đánh giá, trong lĩnh vực y tế, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống y tế của thành phố Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, hệ thống y tế công lập, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn chưa đồng đều và chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô Hà Nội.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ yếu tập trung ở khu vực nội đô; Có sự tập trung khá lớn các bệnh viện tuyến Trung ương. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của một số bệnh viện thành phố chưa xứng tầm với vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Nhân lực y tế còn thiếu, nhất là nguồn nhân lực chuyên khoa có chất lượng cao.
GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội phát biểu tại hội thảo khoa học định hướng quy hoạch Thủ đô |
Bên cạnh hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế ngoài công lập đang từng bước phát triển, thể hiện vai trò của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, hệ thống y tế tư nhân hầu như hình thành tự phát, chưa nằm trong quy hoạch tổng thể của mạng lưới y tế Thủ đô. Vai trò của các cơ sở y tế tư nhân còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tiễn; Đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng và chỉ chủ yếu tập trung ở một số các lĩnh vực chuyên khoa có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Điều này đã làm mất sự cân đối trong bức tranh tổng thể về cung cấp các dịch vụ y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, theo GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Hà Nội chưa có các chính sách vượt trội đặc thù dành cho lĩnh vực y tế như chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám, chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với địa bàn Thủ đô để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập; Tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Ngoài nguồn bảo hiểm, ngân sách thành phố chưa có chính sách ưu tiên bảo đảm cho hoạt động y học gia đình, cả công và tư, khuyến khích y tế tư nhân, để từ đó tăng cường được mạng lưới y tế cơ sở.
Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, trực thuộc Bệnh viện Xanh Pôn khang trang, hiện đại |
Trong quy hoạch thời gian tới, GS.TS.BS Tạ Thành Văn cho rằng, trong quy hoạch lần này cần hướng tới xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân và hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả.
Hà Nội có thể chọn Singapore làm mô hình phát triển y tế của mình. Trong đó, thực hiện chiến lược xây dựng nền y tế hướng nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, thay cho chiến lược tập trung phát hiện và điều trị bệnh, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế phù hợp với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân; Tăng ngân sách đầu tư cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe cho người dân Hà Nội với các nội dung trọng tâm.
“Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì thành phố mặc nhiên được hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có y tế.
Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các bệnh viện, trường đại học y - dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này. Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc Trung ương nhưng một khi ở trên địa bàn thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội”, GS.TS.BS Tạ Thành Văn nhấn mạnh.