Các cơ quan báo chí thành phố phải đi đầu trong chuyển đổi số
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí thành phố
Bài liên quan
Chiều nay, thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Báo chí nước ngoài ngỡ ngàng về ATM gạo của Việt Nam
Nhà mạng miễn phí kết nối và hosting cho các cơ quan báo chí trong tháng 4, 5
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác truyền thông
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2559-TB/TU, kết luận của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, tại buổi làm việc với các cơ quan truyền thông thành phố.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu ngành Thông tin và Truyền thông thành phố cần tiếp tục nỗ lực, phát huy những kết quả đạt được và quyết liệt khắc phục những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra, tập trung thực hiện tốt ở tất cả các lĩnh vực công tác.
Trong đó, ngành tập trung triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng và các dịch vụ bưu chính, viễn thông theo xu hướng công nghệ mới, hiện đại, xác định đây là nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế xã hội; quan tâm đến lĩnh vực bưu chính đảm bảo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.
Sở Thông tin và Truyền thông tập trung tham mưu cho thành phố triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển ngành viễn thông, có kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm, tạo điều kiện cho các nhà mạng, doanh nghiệp viễn thông đầu tư, phát triển; triển khai kế hoạch tắt sóng 2G, ứng dụng rộng rãi công nghệ 5G phục vụ cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trong ngành Viễn thông, phổ quát rộng hơn nữa tới từng người dân Thủ đô.
Đồng thời, Sở tham mưu UBND thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử thành phố, xây dựng thành phố thông minh; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và đưa CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường chuyển đổi số; xác định chuyển đổi số là nền tảng phát triển chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh.
Cùng với xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hướng tới hình thành nền kinh tế số, xã hội số, các cơ quan báo chí thành phố phải đi đầu trong việc chuyển đổi số, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nền tảng CNTT, hạ tầng cho chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí thành phố cần có kế hoạch phối hợp với hệ thống mạng viễn thông, mạng xã hội trong nước như Zalo, Lotus để nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền của thành phố.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, bám sát Chỉ thị số 41-CT/TƯ, ngày 24/3/2020, của Ban Bí thư về “tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng” và Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 9/4/2020 của Thành ủy “về việc tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ phục vụ công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025”; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xã hội của thành phố theo mô hình 4 lớp (kiện toàn lực lượng tại chỗ; lựa chọn tối thiểu một tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia).
Các cơ quan truyền thông triển khai giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và các sản phẩm công nghệ do Việt Nam sản xuất, bám sát Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị "về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, phấn đấu mục tiêu đạt chỉ tiêu 1.000 dân có 1 doanh nghiệp CNTT; tham mưu, đề xuất về các chính sách thu hút, tạo điều kiện, phối kết hợp chặt chẽ, thu hút với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về CNTT đầu tư vào thành phố, đồng thời tạo ra hệ sinh thái để kích thích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về CNTT.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, ngành Thông tin và Truyền thông thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng; tuyên truyền về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.
Các đơn vị nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống thông tin cơ sở trên nền tảng ứng dụng CNTT và có sự đổi mới, nhất là trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, đảm bảo theo đúng Chỉ thị số 07-CT/TƯ ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”, Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT” và phù hợp với thực tiễn.
Các cơ quan báo chí chủ động, tăng cường các hoạt động tổ chức chương trình, sự kiện, hội thao, mở thêm các chuyên mục, chuyên trang chuyên ngành, trên cơ sở để kêu gọi quảng cáo, tài trợ, góp phần tăng nguồn thu, đảm bảo tài chính và nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, phóng viên; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất bản của thành phố, tạo nguồn lực và sức sống để thực hiện tự chủ theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 24/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”.