Các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19
Không tổ chức khai hội các lễ hội lớn
Những ngày đầu năm Tân Sửu 2021, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng, các địa phương có lễ hội lớn đều không tổ chức lễ khai hội.
Tại Hà Nội, từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, thành phố Hà Nội yêu cầu quận Ðống Ða không tổ chức lễ hội gò Ðống Ða, huyện Mỹ Ðức không tổ chức khai hội chùa Hương...
Sau khi xuất hiện một số ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đóng cửa toàn bộ các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn từ 0 giờ ngày 16/2. Toàn bộ các di tích đã được bảo đảm thực hiện theo yêu cầu của thành phố.
Với một số di tích có diện tích rộng, nhiều đường ra vào, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng luân phiên túc trực để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn chống dịch.
Các chùa đều thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Ðiển hình là tại quần thể di tích Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), do có nhiều đường vào, cho nên có một số người tìm cách xâm nhập hoặc thuê người địa phương dẫn đi theo đường mòn để vào chùa. UBND huyện Mỹ Ðức, Ban Quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn đã huy động 200 người, túc trực suốt 24 giờ trong ngày tại chín điểm chốt ở các lối vào di tích; Yêu cầu các thuyền đò dừng vận chuyển khách vào chùa.
Ngày 15/2, Công an xã Hương Sơn đã xử phạt hai trường hợp dẫn khách vào chùa trái phép. Trưởng Ban Quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết: "Ðể phòng, chống dịch bệnh, di tích chùa Hương phải đóng cửa, khiến nhiều người dân trong xã mất cơ hội có thêm thu nhập. Tuy nhiên, nhìn chung mọi người đều nghiêm túc chấp hành để bảo đảm an toàn".
Tại Nam Định, khu di tích đền Trần mọi năm lượng khách thập phương đổ về đây tham gia lễ khai ấn rất đông đúc. Tuy nhiên, năm nay đền Trần cũng hủy phần lễ khai ấn nhằm hạn chế người dân tụ tập đông đúc.
"Việc tổ chức lễ khai ấn là việc phải làm để vinh danh các bậc tiền nhân có công với đất nước nhưng hiện nay chúng ta đang chống dịch Covid-19 nên đền Trần sẽ hủy toàn bộ phần hội. Đền vẫn đón khách về lễ nhưng với lượng khách quản lý được", ông Trần Huy Chiến, đại diện khu di tích đền Trần, cho biết.
Tại Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, Nguyễn Văn Thành cho hay: Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố Uông Bí đã yêu cầu dừng tổ chức lễ khai hội tại các di tích, trong đó có lễ hội Yên Tử. Khu di tích danh thắng Yên Tử đóng cửa, không đón du khách ngay từ mồng 4 Tết Tân Sửu.
Nghi lễ rước cầu quốc thái dân an tại Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) được thực hiện đơn giản, bảo đảm quy định phòng, chống dịch |
Cùng với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tuyên truyền tới Nhân dân và phật tử chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên (thành phố Cẩm Phả) cũng đóng cửa từ mồng 3 Tết để phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh và thành phố.
Ghi nhận của phóng viên ngày 24/2 cho thấy, xung quanh khu vực đền và trong đền đều rất vắng vẻ, không có người dân đến chiêm bái, chỉ có các cán bộ, nhân viên Ban Quản lý khu di tích làm nhiệm vụ tại đây. Phó Ban Quản lý khu di tích Nguyễn Duy Thanh cho biết: Cùng với việc tuyên truyền về dịch trên hệ thống loa truyền thanh, hệ thống biển báo, tại các khu vực và lối lên đền đều có cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý túc trực suốt 24 giờ trong ngày để kiểm soát chặt chẽ, nhắc nhở người dân, du khách không tụ tập đông người.
Tổ chức các khóa lễ trực tuyến
Hằng năm cứ vào dịp rằm tháng giêng, hàng nghìn người dân từ khắp mọi nơi lại đổ về chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) tham gia đại lễ cầu an, gây nên cảnh ùn tắc kéo dài hàng cây số tại Ngã Tư Sở.
Năm nay, đại lễ cầu an sẽ được nhà chùa tổ chức theo hình thức trực tuyến vào 20h ngày 25/2 (tức 14 tháng giêng năm Tân Sửu). Đại lễ sẽ được phát trực tiếp cùng lúc trên fanpage và kênh YouTube của nhà chùa.
Hình thức dâng sao giải hạn, cầu an trực tuyến cũng được chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), chùa Ngũ Xã (quận Ba Ðình)… tổ chức. Một số di tích dời ngày tổ chức lễ cầu an, dâng sao sang tháng 2 Âm lịch để bảo đảm các biện pháp phòng dịch. Những biện pháp này được đông đảo người dân, phật tử ủng hộ.
Nhiều người dân ủng hộ việc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, đóng cửa các di tích, cơ sở thờ tự, tôn giáo, tránh tập trung đông người để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh |
Bà Vũ Thị Mai ở phố Trường Lâm (phường Đức Giang, quận Long Biên) cho biết: "Tôi rất ủng hộ việc thực hiện các khóa lễ đầu năm theo hình thức trực tuyến. Khi hết dịch bệnh, chúng ta lại có thể hành hương, đi lễ bình thường".
Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức các lễ cầu nguyện quốc thái dân an, yêu cầu các chùa chiền thực hiện tốt công tác phòng dịch.
Sáng 21/2 (mồng 10 tháng Giêng), tại chùa Hoa Yên, khu danh thắng Yên Tử, thay vì tổ chức lễ khai mạc hội xuân như hằng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành các nghi lễ khai xuân với số lượng người tham gia hạn chế theo quy định phòng, chống dịch. Các nghi thức dâng hương, lễ Phật, đóng dấu thiêng Yên Tử… diễn ra đầy đủ, ngắn gọn và trang nghiêm, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Từ xưa đến nay, việc tham quan di tích, cơ sở tôn giáo để chiêm bái, cầu cho quốc thái dân an là một phong tục đẹp của người dân nước ta dịp đầu xuân mới. Tuy nhiên, do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, các cơ sở tôn giáo, di tích, người tu hành, tăng ni, phật tử đều nghiêm túc chấp hành, áp dụng các hình thức mới, phù hợp với tình hình thực tiễn để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa thiết thực góp phần kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, giữ an toàn cho cộng đồng, tạo điều kiện duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của các địa phương.