Các đối tượng lừa đảo bán sản phẩm phòng dịch Covid-19 có bị dẫn độ sang Mỹ xét xử?
Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố nhóm đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia gồm: Nguyễn Duy Toản (33 tuổi), Phan Đình Thư (22 tuổi, cùng quê Thanh Hóa), Trần Quốc Khánh (36 tuổi, ở Hà Nội) và Đỗ Chí Huy (27 tuổi, trú Đắk Lắk) về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Duy Toản có vai trò cầm đầu, chủ mưu.
Nguyễn Duy Toản (trái) và Phan Đình Thư là hai đối tượng trong nhóm lừa đảo xuyên quốc gia vừa bị Công an TP Hà Nội khởi tố bắt giam |
Theo cơ quan chức năng, vào khoảng tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Hoa Kỳ khiến nhu cầu mua các sản phẩm phòng, chống dịch như nước rửa tay, khẩu trang... của người dân nước này tăng cao. Nhận thấy điều này, đối tượng Toản đã rủ 3 đồng phạm lên kế hoạch lập các website bán hàng để quảng cáo, buôn bán các sản phẩm trên ở thị trường Mỹ, dù nhóm này không hề có hàng. Các đối tượng đã mua 300 tên miền ở Mỹ để lập ra 110 trang web bán hàng. Sau đó Toản yêu cầu Huy mở tài khoản thanh toán qua mạng.
Khi có đủ công cụ, Toản và đồng phạm sao chép thông tin, hình ảnh các sản phẩm dùng trong mùa dịch Covid-19 rồi đưa vào trang bán hàng do nhóm này lập ra để quảng cáo. Khánh và Thư điền các thông tin ảo như số điện thoại, địa chỉ tại Mỹ để người mua hàng liên lạc. Ngoài ra, Thư còn được phân công đăng mã vận đơn lên trang web của đơn vị chuyển phát để khách hàng theo dõi. Thực tế, các đơn hàng này không có thật.
Theo cảnh sát ghi nhận, có khoảng 7.000 nạn nhân ở 50 bang của Mỹ bị nhóm đối tượng do Toản cầm đầu, lừa đảo. Họ đặt mua sản phẩm trên những trang web của Toản và đồng phạm. Các nạn nhân đã trả tiền nhưng không nhận được hàng. Nhóm của Toản bị cáo buộc đã thực hiện khoảng 40.000 giao dịch, với số tiền khoảng 975.000 USD.
Quá trình điều tra, Văn phòng Cục Điều tra An ninh Nội địa Mỹ (HSI), thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đã gửi thông tin và phối hợp với cảnh sát Việt Nam để làm rõ đường dây lừa đảo này. Dựa trên các thông tin thu thập được, cơ quan chức năng của Việt Nam đã điều tra và bắt giữ Toản cùng đồng bọn.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích vụ việc các đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia có bị dẫn độ sang Mỹ xét xử |
Trao đổi với PV báo TTTĐ về vụ án trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Đây là một trong những vụ án tội phạm công nghệ cao được Công an Việt Nam phối hợp, xử lý trong thời gian gần đây.
Điều đáng nói trong vụ án này, nạn nhân đều là những người sinh sống làm việc tại Hoa Kỳ. Số tiền và số nạn nhân của các đối tượng lừa đảo rất lớn, phương thức thủ đoạn tinh vi nhưng hành vi của chúng đã không quá mắt được cơ quan chức năng.
Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam, số tiền chiếm đoạt được mang về Việt Nam nên vụ án này hoàn toàn có thể giải quyết bằng Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam sẽ phối hợp với nhà chức trách Hoa Kỳ để thu thập chứng cứ từ phía người bị hại và giải quyết trách nhiệm bồi thường cho bị hại.
Xét hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng trên, cơ quan điều tra có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng thì các đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Vụ án này có rất nhiều người bị hại ở Hoa Kỳ nên quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để lấy lời khai của những người bị hại và thu thập các tài liệu chứng cứ khác.
Trả lời câu hỏi của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc liệu các đối tượng có bị dẫn độ sang Hoa Kỹ xét xử hay không, luật sư Cường cho rằng, vụ án có yếu tố nước ngoài nên về mặt lý thuyết thì cũng có thể giải quyết theo pháp luật của Hoa Kỳ và do các cơ quan tố tụng nước này giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết theo pháp luật của quốc gia nào sẽ căn cứ vào các văn bản tương trợ tư pháp giữa hai bên và qua hoạt động ngoại giao.
Với những tội phạm về sở hữu thông thường thì cơ quan tố tụng quốc gia nào khởi tổ trước, bắt giữ tội phạm, nơi tội phạm cư trú và có quốc tịch thường sẽ là nơi giải quyết. Chỉ có những vụ án kinh tế tham nhũng lớn, những vụ án an ninh quốc gia thì mới áp dụng các biện pháp dẫn độ, chuyển giao theo thỏa thuận tư pháp giữa hai bên. Còn đối với những vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet" thông thường như thế này và các đối tượng phạm tội là công dân Việt Nam thì hoàn toàn có thể giải quyết tại Việt Nam.
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản 1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ; đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; e) Gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500 triệu đồng; c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; b) Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |