Các hãng truyền thông quốc tế thi nhau cắt giảm nhân sự
Các tờ báo cắt giảm nhân sự là hệ quả của Covid-19 (Ảnh: AAP)
Các hãng truyền thông quốc tế cũng không thể nào đứng nào vòng xoáy ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, BBC thông báo sẽ cắt giảm 520 vị trí việc làm ở bộ phận sản xuất tin tức, tức là nhiều hơn 70 vị trí so với đợt thông báo cắt giảm được công hồi đầu năm nay.
Ông Fran Unsworth, Giám đốc Ban Thời sự và Tin tức của hãng cho biết, việc hãng sắp chấm dứt miễn phí xem truyền hình đối với các khách hàng trên 75 tuổi là nguyên nhân khiến tổ hợp truyền thông này phải thay đổi con số cắt giảm trên.
Trong khi đó, Guardian thông tin sẽ cắt giảm 180 việc làm, trong đó bao gồm khoảng 70 vị trí biên tập, số còn lại thuộc các lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị và tổ chức sự kiện.
Theo bà Katharine Viner, Tổng Biên tập và bà Annette Thomas, Giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông này, doanh thu của Guardian đã sụt giảm hơn 25 triệu bảng Anh (31,6 triệu USD) trong năm tài khóa 2019 - 2020 xuống chỉ còn 223,5 triệu bảng. Đại dịch Covid-19 hoành hành đã dẫn tới tình hình tài chính không bền vững cho tờ báo.
Trước BBC và Guardian, Reach - nhà xuất bản hai tờ báo ăn khách ở Anh là Daily Mirror và Daily Express, cùng nhiều đầu báo địa phương khác, cũng đã thông báo cắt giảm việc làm.
Reach dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 550 nhân viên, chiếm 12% lực lượng lao động, nhằm tiết kiệm 35 triệu bảng Anh (43 triệu USD) chi phí hằng năm. Reach cũng sẽ cắt giảm các chi nhánh và đơn giản hóa cách thức quản lý, với chi phí tái cơ cấu có thể lên tới 20 triệu bảng Anh.
Trong quý 2/2020, doanh thu của Reach đã giảm 27,5% do số báo phát hành và quảng cáo đều sụt giảm.
Doanh thu sụt giảm do Covid-19, Daily Mirror và Daily Express dự kiến cắt giảm 550 việc làm (Ảnh: PA) |
Nhà xuất bản này cũng cho rằng việc cắt giảm nhân sự là hệ quả của cuộc khủng hoảng Covid-19 khi đại dịch này đã thúc đẩy thay đổi cấu trúc trong lĩnh vực truyền thông. Sự gia tăng doanh thu từ phiên bản điện tử không bù đắp được sự thiếu hụt từ thu nhập quảng cáo đã bị mất đi.
Theo kết quả thống kê của The New York Times, tính đến đầu tháng 5, khoảng 36.000 nhân viên tại các cơ quan báo chí Mỹ đã bị sa thải, tạm nghỉ không lương hoặc bị giảm lương.
Condé Nast, công ty xuất bản Vogue, Vanity Fair và New Yorker cắt giảm 10 - 20% lương cho hơn một nửa nhân sự. Tạp chí kinh doanh có tuổi đời cả thế kỷ Fortune sa thải 35 người, tức 10% nhân sự. Các nhân sự cấp cao chịu giảm lương 35 - 50%.
Tập đoàn truyền thông News Corp của Australia thông báo đóng cửa hơn 100 tờ báo in ở địa phương và vùng thưa dân cư trong khuôn khổ kế hoạch tái cơ cấu quy mô lớn để cắt giảm chi phí và chuyển hướng sang phát hành theo hình thức kỹ thuật số.
Giám đốc điều hành News Corp, Michael Miller cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động báo chí và xuất bản. Thu nhập từ quảng cáo báo in, vốn đóng góp phần lớn cho doanh thu của các ẩn phẩm này, tiếp tục giảm mạnh.
Ở Ấn Độ, các tờ báo không thể in do lệnh phong tỏa, còn người phát hành báo thì bị xua đuổi do nỗi sợ virus. Doanh số bán báo giảm 1/3.
Ông Magdoom Mohamed, một quan chức của Hiệp hội Báo in và Nhà xuất bản tin Thế giới, cho biết, báo in của Ấn Độ mất đi 75 - 85% quảng cáo chỉ riêng trong tháng 3 và 4. Trước đại dịch Covid-19, quảng cáo ước tính mang lại cho báo in và tạp chí của Ấn Độ 3 tỷ USD mỗi năm. Tờ Hindustan Times bị giảm tiền quảng cáo từ 6 triệu USD mỗi tháng xuống còn 500.000 USD.
Bài liên quan
Báo chí nước ngoài ngỡ ngàng về ATM gạo của Việt Nam
Tin giả nguy hiểm không kém đại dịch Covid-19
Anh kêu gọi Facebook, YouTube chống lại tin đồn mạng 5G có “gieo rắc” virus Corona
“Dịch tin giả” trục lợi, lan truyền nhanh hơn dịch Covid-19?!
Chặn đà lây lan nguy hiểm của vi rút tin giả