Các vở cải lương mở màn chuỗi chương trình chất lượng nghệ thuật cao tại Nhà hát Lớn
Vở Cải lương “Hừng đông” phản ánh hình tượng người Chiến sỹ Cộng sản Phan Đăng Lưu do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, nghệ sĩ Triệu Trung Kiên đạo diễn. Phan Đăng Lưu là nhà cách mạng tiền bối, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
"Hừng đông" đã được công diễn tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác và được khán giả hết sức khen ngợi. Vở diễn cũng được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam trao giải tác phẩm và các nghệ sỹ sáng tạo suất sắc nhất.
Theo đó, các bạn trẻ thế hệ 9X sẽ tham gia vở diễn với vai trò là thành viên ban nhạc- chủ thể biểu diễn, vừa như khách thể là người chứng kiến câu chuyện lịch sử, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật dân tộc.
Trước đó, ngày 4/5, vở cải lương Cung phi Điểm Bích sẽ mở màn chuỗi chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2017. “Cung phi Điểm Bích” là vở diễn gây chấn động giới kịch nghệ Thủ đô năm 2008, đã tạo nên một hiện tượng hiếm có từ trước tới nay: cháy vé tại sân khấu thủ đô trong dịp Tết 2008.
Vở diễn cũng đem lại cho đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai Giải nhất với số điểm tuyệt đối tại "Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007" và giải Vở diễn hay nhất trong năm do Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao tặng.
Vở cải lương "Cung phi Điểm Bích" (tác giả: Hoàng Công Khanh, chuyển thể cải lương: NSƯT Ngọc Chi, Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng) kể câu chuyện về nàng cung phi Điểm Bích tài sắc song toàn. Nàng giỏi thơ phú, đàn ca hay, múa giỏi và được vua Trần Anh Tông giao cho nhiệm vụ bí mật: giả dạng cô gái quê lưu lạc, lên núi Yên Tử quyến rũ nhà sư Huyền Quang – sư tổ đời thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, một nhà thơ rất tinh tế, sâu sắc và nổi tiếng vì học rộng, tài cao. Nhà vua muốn thử thách chính người bạn chí thân của mình để nêu cao hơn nữa những giá trị của đạo Phật và truyền bá sâu rộng trong nhân dân. “Màn kịch” được Điểm Bích sắp đặt vào đêm cuối cùng trước khi nàng nhận được lệnh phải rời Yên Tử sau một năm “mai phục”.
Với biết bao khao khát bỏng cháy dồn nén trong nồng nàn của đầu môi khoé mắt, trong tiếng hát như say, như mê và điệu múa ỡm ờ gọi mời của tình yêu, nhưng Điểm Bích vẫn không lung lạc được cả thể xác và tâm hồn của Huyền Quang, dù rằng Huyền Quang đã phải che giấu con tim xao xuyến và rung động trước sắc đẹp và tài năng của nàng.
Trở về cung, Điểm Bích nói dối vua rằng Huyền Quang đã sa ngã vì nàng, với hi vọng sư tổ sẽ bị tước áo cà sa để trở về làm thường dân. Nàng cũng sẽ ra khỏi cung và hi vọng giấc mơ tình yêu sẽ thành sự thật. Éo le thay, Huyền Quang biết được đầu đuôi câu chuyện và nhận cái chết trên giàn thiêu trong lễ cầu mưa. Trời đất chứng giám cho lòng thành của Huyền Quang bằng trận mưa xối xả, gội rửa nghi hoặc và những ẩn ức còn tích tụ bấy lâu trong lòng người...