Cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ ở tuyến cơ sở
Thông tuyến huyện trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực, chất lượng dịch vụ được nâng cao
Bài liên quan
Nam A Bank với chiến lược nâng tầm chất lượng dịch vụ 5 sao
Nhiều doanh nghiệp sử dụng “chiêu trò” để trốn đóng bảo hiểm xã hội
BHXH Hà Nội công khai 50 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội
Tăng cường bảo mật, an toàn thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Hướng dẫn mới về chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt vượt chỉ tiêu Quốc hội giao
Còn nhiều bất cập…
Thông tuyến huyện trong khám chữa bệnh BHYT là một trong những đột phá của chính sách y tế. Trước đây, trạm y tế xã phải phụ trách rất nhiều việc từ tuyên truyền, tiêm chủng, khám chữa bệnh thông thường… Tuy nhiên, bây giờ trạm y tế xã chỉ làm công tác tuyên truyền, tiêm chủng, còn khám chữa bệnh ít được thực hiện do người dân không tin tưởng nữa.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì trạm y tế xã do bệnh viện tuyến huyện quản lý, trên trên cấp thuốc gì thì dưới được thuốc đó. Thuốc ở y tế xã thấp hơn so với ở bệnh viện huyện nên nhiều người dân đã lên tuyến trên để khám chữa bệnh…
Trong quá trình xây dựng Luật BHYT 2008 và Luật BHYT 2014, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia, cơ quan chức năng cho rằng, nên xem xét thông tuyến khám chữa bệnh BHYT cho người dân, bởi người bệnh cứ phải đi khám chữa bệnh BHYT thứ tự từ tuyến thấp lên cao, trong khi có những bệnh ở tuyến cơ sở chưa chữa được.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Chính phủ cho rằng, trong cơ chế tự chủ hiện nay, nếu thông tuyến mà không quản lý cẩn thận thì nhiều người sẽ lên tuyến trên. Trong khi đó, theo nhiều đại biểu Quốc hội việc thông tuyến sẽ dễ dẫn đến việc “lấy dao giết trâu đem đi mổ gà”, gây lãng phí, đồng thời sẽ tốn kém (tiền ăn ở, đi lại…) cho bệnh nhân và người nhà. Chính vì vậy, khi xem xét vấn đề thông tuyến, Quốc hội đã quyết định trước mắt sau 2 năm (năm 2016) mở thông tuyến huyện và đến năm 2021 tính toán mở thông tuyến tỉnh.
Ngoài ra, trong những năm 2010-2012, quỹ BHYT ở các tỉnh miền núi kết dư khá nhiều nên Luật đã cho phép người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo… được chuyển thẳng lên tuyến Trung ương. Tuy nhiên, trên thực tế các đối tượng đó đi khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương rất ít.
Thông tuyến huyện trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực, chất lượng dịch vụ được nâng cao |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Nếu chúng ta mở thông tuyến tỉnh, tuyến Trung ương quá sớm với các đối tượng khác, người bệnh sẽ ào ạt lên thẳng tuyến trên, dẫn đến việc quản lý quỹ trở thành vấn đề lớn.
Mặt khác, người bệnh dồn lên tuyến tỉnh, chúng ta cũng không đạt mục tiêu giảm tải cho bệnh viện tuyến trên (thời điểm đó tuyến tỉnh và Trung ương đều quá tải, người bệnh đều phải nằm ghép). Vì vậy, trong thời gian chờ thực hiện theo lộ trình, Chính phủ cũng như Bộ Y tế cần có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị”.
Trước tình hình đó, ngành Bảo hiểm xã hội đã đề xuất phương án sửa đổi chính sách khám chữa bệnh BHYT, trong đó có việc trang bị cho trạm y tế xã đầy đủ thuốc, vật tư y tế đảm bảo phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, trang bị thêm cho tuyến xã một số dịch vụ xét nghiệm cơ bản.
Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội cũng kiến nghị làm sao để y tế xã ngoài việc tiêm chủng, khám chữa bệnh thông thường, tư vấn… còn có chức năng kiểm tra, khám sức khỏe tại nhà cho một số đối tượng ưu tiên (người già, người tàn tật…). Nếu làm tốt được công tác này sẽ giúp bệnh nhân không phải lên tuyến trên, góp phần giảm tải bệnh viện ở các tuyến cuối.
Mấu chốt là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân
Có thể nói rằng, y tế cơ sở không chỉ là việc chăm sóc sức khỏe mà còn có vai trò quan trọng trong quản lý cũng như sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả. Ở các nước, y tế cơ sở là nơi “gác cổng” theo dõi sức khỏe, nhằm đảm bảo việc thông tuyến đúng với tình trạng sức khỏe người bệnh; đồng thời xác định tuyến cần chuyển đến hợp lý, chứ không cứ phải chuyển theo trình tự như ở nước ta. Nếu làm tốt việc quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu thì việc thông tuyến khám chữa bệnh có thể thực hiện được, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
Nói về lộ trình thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT. Đây là đích để chúng ta có thể điều chỉnh chính sách cho hợp lý. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, tôi thấy rằng chúng ta có thể thông tuyến tỉnh, thậm chí thông tuyến Trung ương với điều kiện tuyến cơ sở phải quản lý tốt sức khỏe, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bên cạnh đó, các bác sĩ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình phải thực hiện đúng chức năng của mình. Khi người dân đi khám chữa bệnh, trước tiên họ ký xác nhận thông qua bác sĩ gia đình để được quản lý, xác định, giới thiệu lên đúng tuyến. Như vậy, chúng ta được cả hai mặt là quản lý tốt quỹ BHYT, tiết kiệm tiền cho người dân do không lên tuyến trên với những bệnh nhẹ và đảm bảo quyền thông tuyến, giúp người dân bị bệnh nặng được điều trị kịp thời.
Mấu chốt của thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân |
“Cá nhân tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật BHYT cần tập trung vào y tế cơ sở, bởi lâu nay chúng ta đã tập trung quá nhiều vào tăng cường khả năng kỹ thuật của bệnh viện mà coi nhẹ y tế cơ sở. Xu hướng chung của thế giới là cùng với tăng cường khám chữa bệnh ở tuyến trên cũng phải đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu thì thông tuyến sẽ không ảnh hưởng gì".
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện trang bị cho y tế xã cơ sở vật chất và nhân lực thì cũng phải cho y tế xã động lực. Khi y tế xã có đủ động lực để quản lý tốt thì người dân không phải lên tuyến trên nữa, bởi bất kỳ người bệnh nào cũng muốn được quản lý, chăm sóc tại cơ sở, còn khi bệnh nặng thì có thể được chuyển thẳng lên tuyến trên”, ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh.
Có thể nói rằng, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Đồng thời đây cũng là yếu tố thúc đẩy các bệnh viện, phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường chất lượng dịch vụ nhằm thu hút bệnh nhân. Điều quan trọng hơn cả, bệnh nhân vẫn là người hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ được tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.