Cần có chính sách hỗ trợ công bằng giữa hợp tác xã và doanh nghiệp trong đại dịch
Cần quan tâm hơn đến khu vực kinh tế tập thể, HTX
Tại Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nêu rõ "Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể (KTTT), HTX...” hay Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 70-KL/TW yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương "Chủ động cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT, HTX phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và điều kiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương".
Văn bản số 276/TB-VPCP ngày 3/8/2018 của Văn phòng Chính phủ Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với Liên minh HTX Việt Nam về tình hình KTTT, HTX yêu cầu "Xây dựng, tổng kết, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, điển hình tiên tiến gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn" và "Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, nhằm xây dựng hệ thống Liên minh HTX Việt Nam vững mạnh, đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp tác, HTX".
Đảng và Nhà nước rất coi trọng và quan tâm khu vực KTTT, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước |
Dẫn chứng như vậy để thấy, Đảng và Nhà nước rất coi trọng và quan tâm khu vực KTTT, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Khu vực HTX cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang là các tổ chức kinh tế đóng vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo lại không liên quan đến khu vực kinh tế HTX. Câu hỏi đặt ra là phải chăng khu vực kinh tế HTX đang bị “bỏ rơi” trong khâu chính sách hỗ trợ giữa bối cảnh Covid-19 vốn đầy rẫy khó khăn như hiện nay và các HTX sẽ phải “bấu” vào chính sách hỗ trợ nào để không bị đổ vỡ?
Điều đáng nói, trong tờ trình về việc xây dựng nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 về mục tiêu thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhấn mạnh “Hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh”.
Mục tiêu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa là đúng nhưng chưa đủ khi “bỏ quên” các khó khăn của khu vực kinh tế HTX trong bối cảnh hiện tại. Đặc biệt khi các HTX cũng đang gặp các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh tương tự như các doanh nghiệp.
Vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân của khu vực kinh tế HTX có thể thấy rõ khi hiện nay cả nước có 26.145 HTX, trong đó có 17.060 HTX nông nghiệp và 7.897 HTX phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại và tiêu dùng, môi trường, du lịch…); 106 liên hiệp HTX và gần 120.000 tổ hợp tác; Thu hút hơn 8 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình; Tác động đến đời sống và thu nhập của khoảng 30 triệu người, chủ yếu là địa bàn nông thôn.
Áp dụng chính sách hỗ trợ công bằng giữa HTX và doanh nghiệp
Trong văn bản mới đây được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để góp ý dự thảo nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Liên minh HTX Việt Nam đã đề nghị cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo, cần ghi cụm từ “doanh nghiệp, hợp tác xã” trong toàn bộ nội dung nghị quyết.
“Chủ trương của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các tổ chức kinh tế là “hài hòa về lợi ích và chia sẻ rủi ro. Theo đó, Nhà nước áp dụng chính sách hỗ trợ công bằng giữa HTX và doanh nghiệp là cần thiết và hợp lý; Đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi trong tổ chức thực hiện chính sách của các Bộ, ngành và địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, “Chủ trương của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau” |
Cũng theo quan điểm của Liên minh HTX Việt Nam, ở điểm 2 trang 4 (khổ thứ 2 của dự thảo Nghị quyết), cần bổ sung thêm “Nhà nước đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, HTX để doanh nghiệp, HTX chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh an toàn trong dịch bệnh” và “tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đảm bảo hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX, người dân”.
Ngoài ra, góp ý thêm vào bản dự thảo Nghị quyết, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng mục tiêu hỗ trợ là các doanh nghiệp, HTX bị khó khăn và thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Hơn thế nữa, Nghị quyết không nên xác định cụ thể số lượng doanh nghiệp, HTX thụ hưởng chính sách hỗ trợ, bởi vì thiếu căn cứ thực tế và không chính xác, gây bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách.
Về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị cần bổ sung ở điểm 2 là “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề...”.
Đối với việc hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, góp ý với bản dự thảo, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị miễn giảm toàn bộ phí lưu kho cho các doanh nghiệp, HTX dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu theo mùa vụ phục vụ cho tiêu dùng, xuất khẩu và chế biến; Thời hạn tối đa là 3 tháng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, phân bón và các loại vật tư, hàng hoá thiết yếu khác; Ngoài ra, cần rà soát giảm tất cả các loại phí, lệ phí, tiền thuê đất do Nhà nước quản lý.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, HTX; Thời hạn cho vay phù hợp với luân chuyển vốn của doanh nghiệp, HTX do tác động của đại dịch Covid-19. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX khắc phục khó khăn, chuyển tiếp thuận lợi sang chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khi ngăn chặn được dịch bệnh.