Cần giúp người dân có giải pháp xử lý rơm rạ
Tình trạng đốt rơm rạ đang gây ra ô nhiễm khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng không khí của Hà Nội
Bài liên quan
Nhóm bạn trẻ với giải pháp giảm thiểu đốt rơm rạ
Khói mù mịt sau vụ thu hoạch lúa ở ngoại thành
Giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí
Sôi nổi hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới
Đốt rơm rạ "lợi bất cập hại"
Những năm gần đây, người dân không còn mặn mà với việc phơi rơm rạ để nhóm bếp khi phần lớn các hộ gia đình đã chuyển sang đun bằng ga, điện. Vì vậy, rơm rạ được thu gom thành từng đống và châm lửa đốt ngay trên cánh đồng.
Do đó, khi các huyện ngoại thành Hà Nội vào vụ lúa chiêm, trên hầu khắp các cánh đồng thường xuyên bị bao phủ bởi một màn khói đặc quánh do rơm rạ. Các đống rơm lớn nhỏ được người nông dân gom lại rồi châm lửa đốt khiến khói cuộn tròn, bao trùm cả vùng rộng lớn.
Hành động này vừa gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường, cũng vừa tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Đặc biệt, những khu vực đốt rơm ven đường cao tốc, quốc lộ gây cản trở tầm nhìn, mất an toàn giao thông.
Tại khu vực ngoại thành, theo phân tích dữ liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, từ 18h đến 24h các ngày 3/6 đến 6/6, chất lượng không khí tại một số huyện ở mức kém và rất xấu. Cụ thể, khu vực thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), chỉ số AQI là 240 (mức rất xấu); Khu vực xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), chỉ số AQI là 102 (mức kém)...
Nguyên nhân của tình trạng này có thể do hiện tượng đốt rơm rạ sau thu hoạch tại các huyện. Nhiều người dân lợi dụng chập tối ra đồng gom rơm rồi châm lửa đốt nên ô nhiễm xảy ra từ chiều tối đến đêm; sáng hôm sau không khí lại được cải thiện ở mức tốt...
Cần có chính sách khuyến khích các nghiên cứu về xử lý rơm rạ
Liên quan đến thông tin thời gian qua tình trạng ô nhiễm không khí có những thời điểm tới mức “khó thở,” ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cần phải có biện pháp xử lý khẩn cấp.
Đó cũng là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), thể hiện mục tiêu xuyên suốt, cao nhất là bảo vệ các thành phần môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, coi sức khỏe của người dân là hàng đầu.
Thông tin thêm về những quy định mới để giải quyết các vấn đề bất cập, khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí, ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết Luật Bảo vệ môi trường 2014 mới chỉ có quy định chung chung về quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải.
Do vậy, việc xác định được nguồn thải gây ô nhiễm vẫn rất khó khăn. Đơn cử như năm 2019, trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra một số đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tuy nhiên việc kiểm kê các nguồn phát thải để xác định các giải pháp ưu tiên vẫn chưa thực hiện được.
Chính vì thế, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Trước thực trạng đến mùa thu hoạch lúa, người dân lại tiếp tục đốt rơm rạ, góp phần gây ô nhiễm không khí, ông Lê Hoài Nam cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường quy định rơm rạ phải tái chế, sản xuất phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm có ích để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng người dân, cấm đốt phụ phẩm nông nghiệp.
PGS. TS Hoàng Thị Thu Hương (Đại học Bách khoa Hà Nội), cũng chia sẻ dự thảo Luật Bảo vệ môi trường hiện nay có điểm mới là dành riêng một phần về bảo vệ môi trường nông thôn.
Với câu chuyện đốt rơm rạ, PGS. TS Hương cho rằng thực tế này cũng do bà con thiếu giải pháp giải quyết vấn đề rác thải ở nông thôn, trong đó có rơm rạ.
"Vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần có những quy định, chính sách khuyến khích xử lý, thu gom với nguồn rơm rạ; Không để bà con một mình xử lý nguồn rơm rạ này. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, chúng ta cần có nhiều chính sách khuyến khích các nghiên cứu sử dụng tái chế các loại rơm rạ. Nhà nước cũng sẽ đồng hành hỗ trợ cho người dân xử lý, giảm thiểu rác thải nông thôn, đốt rác gây ô nhiễm môi trường", bà Hương nêu quan điểm.