Cần hành động quyết liệt, dọn sạch "rác ý thức”
Thanh niên tình nguyện mặc đồ bảo hộ… dọn rác |
Độc đáo với những mô hình biến bãi rác thành vườn hoa |
![]() |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với các đại biểu về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Ảnh: Hoàng Sơn |
Bài 1: “Tuyên chiến" với nạn đổ rác ra đường
Tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị do tệ đổ rác ra đường tồn tại nhiều năm trên địa bàn thành phố, là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh Thủ đô. Thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, để chấm dứt tình trạng trên.
Vào cuộc với tinh thần quyết liệt
Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là đô thị có diện tích và dân số lớn hàng đầu cả nước; Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt tại khu vực nội đô có tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn. Đồng thời, Hà Nội là trung tâm khu vực Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Với đặc thù này, Hà Nội luôn đối mặt với rất nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, quá tải trong xử lý chất thải rắn, nước thải...
Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô luôn là vấn đề trọng tâm, được Trung ương và lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm hàng đầu. Điều này được thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng của Trung ương, thành phố và đã được tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó nhấn mạnh kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”.
Một trong 7 vấn đề được Bộ Chính trị đặc biệt lưu ý trong Kết luận số 80-KL/TƯ là: “Xác định vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ, không khí..., quy hoạch các khu xử lý rác thải, chất thải rắn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp bách, cần tập trung, ưu tiên thực hiện...”.
Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, ngày 17/12/2024, UBND TP và Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" trên toàn địa bàn Thủ đô. Mục tiêu của phong trào là hướng tới việc tạo dựng một Thủ đô Hà Nội không chỉ hiện đại mà còn gắn liền với giá trị bền vững và thân thiện với môi trường. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư và mỗi tổ chức đều là những yếu tố quan trọng, đóng góp vào việc xây dựng một Thủ đô “Xanh - Sạch - Đẹp”.
![]() |
Công nhân Công ty URENCO Hà Nội ra quân dọn vệ sinh, phun nước rửa đường làm sạch môi trường. Ảnh: Hoàng Sơn |
Tại lễ phát động, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, phong trào thi đua không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, mà thực hiện chương trình hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, để khởi động chiến dịch, Hà Nội triển khai các hoạt động làm sạch môi trường, qua đó lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, việc cải thiện chất lượng môi trường không khí và xử lý rác thải không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, mà còn là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến sự phát triển bền vững và chất lượng sống của Nhân dân Thủ đô. Đây là yêu cầu mang tính lịch sử, đặt nền móng vững chắc cho Hà Nội trở thành Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp, nơi đáng sống và tự hào.
Thường trực Thành ủy đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được về bảo vệ môi trường của toàn thành phố trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục và cần có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường.
Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn.
UBND thành phố cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong công tác thu gom, phân loại rác thải, quản lý và tăng cường lắp đặt các nhà vệ sinh lưu động công cộng tại các quận, huyện, thị xã quản lý và triển khai theo quy định. Đồng thời, TP tập trung thay đổi phương pháp quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025 đảm bảo hiệu quả và đúng phương châm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Đưa "mắt thần" giám sát rác thải
Mới đây, UBND TP cũng đã giao 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng lắp camera nhằm phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đổ trộm rác thải, bỏ rác không đúng nơi quy định, chậm thu gom, vận chuyển rác theo hợp đồng. Theo đó, từ 1/3/2025, UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện các biện pháp thí điểm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại 4 quận nội đô, bao gồm sử dụng phương tiện vệ sinh môi trường xanh, phương pháp thu gom phù hợp.
UBND TP Hà Nội cho biết, việc này nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm như đổ trộm rác thải, bỏ rác thải không đúng giờ, không đúng nơi quy định, chậm thu gom, vận chuyển rác theo hợp đồng...
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ lắp thêm khoảng 40.200 camera, gồm hơn 12.000 camera PTZ (có thể quay, quét, phóng to, thu nhỏ) và hơn 28.200 camera cố định. Trong số này có hơn 23.700 camera phục vụ giám sát đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý vi phạm; gần 300 camera phục vụ quốc phòng và hơn 16.200 camera phục vụ giám sát quản lý Nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường, trật tự đô thị.
Việc áp dụng camera giám sát để phát hiện, xử lý và ngăn ngừa các hành vi gây hại môi trường là một giải pháp tiềm năng. Nghị định 45/2022/NĐ-CP đã cho phép sử dụng dữ liệu từ các thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả của người dân, để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều này mở ra cơ hội để người dân chung tay phát hiện và tố giác các hành vi gây ô nhiễm nơi công cộng.
![]() |
Giám sát việc đổ rác thải từ hệ thống camera phạt “nguội”. Ảnh Mộc Miên |
Mặc dù vậy, việc triển khai phạt nguội trong lĩnh vực môi trường trên thực tế còn nhiều thách thức. Khác với lĩnh vực giao thông, hiện chưa có chế tài hiệu quả để xử lý những trường hợp vi phạm không nộp phạt khi gây hại cho môi trường. Hơn nữa, để hình thức này phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, cùng với sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin và tố giác vi phạm.
Theo các chuyên gia về môi trường, để thay đổi hành vi, cần những biện pháp mạnh mẽ chứ không thể chỉ dựa vào tuyên truyền. Kinh nghiệm từ việc xử phạt vi phạm giao thông, thể hiện trong Nghị định 168-2024/NĐ-CP, cho thấy tính quyết liệt và hiệu quả trong việc thay đổi thói quen. Việc áp dụng camera phạt nguội trong lĩnh vực môi trường là một bước đi đúng hướng, mang “tinh thần Nghị định 168” vào công tác bảo vệ môi trường.
TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam cho rằng, vứt rác bừa bãi nơi công cộng là thói quen đã ăn sâu trong một bộ phận người dân. Mà đã là thói quen thì sẽ không dễ bỏ. Do đó, để chấm dứt thói quen này cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhưng cũng cần triển khai từng bước một cách hợp lý.
![]() |
Công nhân môi trường dọn rác sông Tô Lịch |
“Dù áp dụng biện pháp nào cũng cần phải quyết liệt nhưng không thể nôn nóng. Chúng ta nên đi từng bước, đồng thời phải nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường đi kèm với công tác giáo dục tuyên truyền trong Nhà nước nữa”, TS Nguyễn Ngọc Sinh nói và khẳng định, để thành công trong việc xóa bỏ thói quen xấu thì cần mỗi cá nhân phải nhận thức vấn đề này một cách sâu sắc. “Nếu thấy ai đó làm chưa đúng thì không phải chờ cơ quan chức năng xử phạt mà hãy mạnh mẽ lên tiếng nhắc nhở với tinh thần vì cộng đồng, vì môi trường sống trong lành chứ không phải để lên án hay phán xét. Có như vậy thì mới mong vấn đề này giải quyết triệt để”, TS Nguyễn Ngọc Sinh nói.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh giải pháp huy động “tai mắt” của cộng đồng, người dân vào công tác giám sát, phát hiện và xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi. Theo đó, chúng ta cần có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị thông minh để chụp hình, quay phim nhằm phát hiện những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường và báo cho cơ quan chức năng. PGS.TS Bùi Thị An nhận định, việc người dân tham gia làm cùng thì chắc chắn thắng lợi nhưng cần phải chú ý bảo vệ người tố giác. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương cho các tiêu chí về môi trường, cùng với đó là tuyên truyền để người dân nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao ý thức, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Vingroup tổ chức Ngày hội Xanh 2025 tại Ocean City

Ưu tiên lựa chọn phương tiện công cộng xanh để bảo vệ môi trường

Đã bị thu hồi đất, mỏ khoáng sản vẫn ngang nhiên hoạt động

Độc đáo với những mô hình biến bãi rác thành vườn hoa

Phân cấp mạnh mẽ cho địa phương khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Đêm nay, Bắc Bộ trời chuyển rét

Hành động ngay để cải thiện chất lượng không khí

Nắng nóng bao trùm nhiều khu vực

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có sương mù
