Cần kích hoạt “vắc xin” ý thức trong phòng, chống dịch
Vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là
Dịch bệnh Covid-19 đang nóng lên từng ngày khi số ca mắc liên tục gia tăng mạnh và số ca ngoài cộng đồng vẫn rất nhiều. Tuy nhiên, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, xem nhẹ việc tuân thủ 5K.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến phố, nhiều hàng quán vẫn phục vụ 100% khách hàng, không đảm bảo giãn cách. Một số cửa hàng không yêu cầu khách quét mã QR khi vào sử dụng dịch vụ, thậm chí còn phớt lờ những quy định phòng chống dịch của thành phố Hà Nội.
Cụ thể, trên đường Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ), một số quán phục vụ kín khách và kê thêm bàn ghế ngoài vỉa hè. Thậm chí, khách hàng vô tư bỏ qua khuyến cáo 5K, thoải mái trò chuyện bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhiều người dân vẫn tụ tập ăn uống, không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch |
Đáng nói, nhiều người đã biện minh cho hành động của mình với đủ các lý do. Ví dụ như trường hợp của một nhóm bạn trẻ ngồi nói chuyện tại một quán cà phê trên phố Trung Hòa (Cầu Giấy): “Chúng tôi đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa Covid-19. Hơn nữa, nhóm chúng tôi chơi cùng với nhau, thường xuyên gặp gỡ, trò truyện nên rất ít có nguy cơ bị lây bệnh”.
Không chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm quy định phòng, chống dịch mà ngay tại các cơ quan, doanh nghiệp, việc phòng chống dịch cũng bị lơ là.
Chị Vũ Thị Thu Hương, nhân viên văn phòng làm việc tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã có công điện yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra, tuyên truyền công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại những khu vực có nguy cơ cao. Tuy nhiên, theo như tôi thấy nhiều chỗ chống dịch chưa thực sự quyết liệt. Đơn cử như chỗ làm của tôi, trước đây mọi người vẫn có thói quen ra ngoài ăn trưa. Tuy nhiên từ ngày dịch bệnh bùng phát, mọi người đã tự mang cơm chuẩn bị trước ở nhà để ăn.
Bên cạnh những người có ý thức chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì vẫn còn nhiều người chủ quan, họ lập nhóm nhỏ để ra ngoài ăn trưa, cà phê... Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là khi các ca mắc Covid-19 mới gia tăng từng ngày như hiện nay".
Cơ sở kinh doanh trên phố Quán Thánh (phường Quán Thánh) bị bắt quả tang có rất đông thực khách sau 21h |
Đồng quan điểm với chị Vũ Thị Hương, chị Vũ Bích Thúy (ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi cạnh các trụ sở văn phòng làm việc của các công ty. Buổi trưa, nhân viên của các công ty thường đi theo từng nhóm 3-4 người đi ăn cơm trưa ở ngoài hàng. Vì là giờ cao điểm, lượng người ra - vào quán đông nên hầu như chẳng ai quan tâm quét mã QR.
Đặc biệt, việc giữ khoảng cách trong quán cũng không được thực hiện tốt, vẫn còn nhiều quán phục vụ 100% công suất, bất chấp nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan. Bên cạnh đó, một số nhà hàng còn kê cả bàn ghế lấn chiếm sân chơi công cộng, để khách ăn nhậu ồn ào khiến cư dân khu vực rất khó chịu".
Góp ý thức để đẩy lùi dịch bệnh
Thực tế công tác phòng chống dịch tại các địa phương cho thấy y tế cơ sở có vai trò rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở của nước ta hiện nay, trong đó có Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng... Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu dung và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Trước tình hình đó, cùng với việc tập trung phòng chống dịch, Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng, củng cố hệ thống Y tế Thủ đô nhằm đảm bảo công tác thu dung và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Theo đó, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thiết lập các trạm y tế lưu động, bố trí ở nơi nguy cơ cao, nhu cầu lớn, nơi y tế cơ sở còn hạn chế như các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, TP yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện bảo đảm năng lực y tế đáp ứng trong tình huống dịch bệnh tăng cao.
Lực lượng phòng, chống dịch kiểm tra việc quét mã QR và việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cửa hàng |
Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo kích hoạt phương án nâng cao số giường bệnh triển khai chuẩn bị ở tất cả các cấp, trước tiên là cấp thành phố, tiếp đến ở các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn. Hà Nội cũng phối hợp, huy động các bệnh viện Trung ương, bệnh viện thuộc các Bộ, ngành, y tế tư nhân cùng tham gia vào phương án chuẩn bị.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học truyền máu Việt Nam, để phòng chống dịch tốt nhất trong tình hình hiện tại, phải kích hoạt ngay "vắc xin" xã hội, nghĩa là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.
“Bây giờ dịch đã chuyển qua giai đoạn khác, F0 rất nhiều ngoài cộng đồng. Chống dịch bây giờ cũng chuyển qua giai đoạn khác, giai đoạn ý thức trách nhiệm của người dân. Người dân nên tuân thủ 5K, trong đó "K" khai báo y tế là phải trung thực", GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là trong cộng đồng với nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây. Nếu người dân lơ là, chủ quan, nhất là việc các cửa hàng không yêu cầu khách quét mã QR, không khẩu trang, khoảng cách thì không thể kiểm soát được dịch bệnh.
Sự tuân thủ của các tầng lớp Nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả của hệ thống chính quyền sẽ giúp Hà Nội đảm bảo trạng thái "bình thường mới" an toàn với dịch bệnh.