Tâm lý mất cảnh giác sẽ phá hỏng thành quả phòng, chống dịch Covid-19
Nhiều hàng quán vẫn còn chủ quan trong phòng, chống Covid-19
Sau gần một tháng rưỡi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp mặc dù tỉ lệ tiêm vắc xin đã đạt ở mức cao.
Người dân chưa hiểu "bình thường mới" không phải là bình thường, tuyệt đối không được chủ quan lơ là nhưng cũng không hoảng hốt, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến dịch bệnh.
Đáng lo ngại, số ca nhiễm mới trong cộng đồng đang có dấu hiệu tăng lên ở hầu hết các địa phương, bên cạnh đó là tình hình biến chủng mới xuất hiện trên thế giới.
Tháng cuối năm những nhà hàng, quán nhậu đông kín |
Đặc biệt, những tháng cuối năm, nhiều công ty tổ chức các buổi gặp mặt cuối năm, gia đình họ hàng, bạn bè cũng tổ chức các buổi ăn uống họp mặt. Trong những cuộc tiệc tùng như vậy, phần đông người dân không tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Cửa hàng, khách sạn, quán ăn, quán cà phê… là nơi thường xuyên có người tới, chính vì thế việc đăng ký mã quét QR khai báo y tế là rất cần thiết bởi khi có vấn đề xảy ra, việc truy vết, rà soát sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Tại các hàng quán vỉa hè công tác phòng chống dịch rất kém |
Tuy nhiên trên thực tế, công tác phòng dịch tại các địa điểm trên rất kém. Nhiều cửa hàng, quán cà phê mở cửa đón khách nhưng không chủ động trong khâu phòng, chống dịch như không trang bị mã quyét QR khai báo y tế hoặc trang bị theo kiểu cho có, khách hàng đến hầu như ít ai sử dụng, khách hàng đến đi trực tiếp đến các phòng, các khu vực của nhà hàng, tiếp xúc với các khách khác trong môi trường không khẩu trang.
Những chiếc bàn được kê sát nhau không hề có tấm chắn |
Hàng quán vỉa hè bàn ghế kê sát nhau, không đảm bảo giãn cách 2m, bàn ăn không có tấm chắn, vách ngăn. Nhiều người vô tư bỏ khẩu trang, ăn uống, chuyện trò vui vẻ sau một năm trời hạn chế tiếp xúc, gặp mặt nhau. Những điều này đang khiến cho thành quả chống dịch của thành phố "đổ sông đổ bể".
Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch”.
Ý thức với bản thân và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu, là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch. Chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường.
Người dân đang lơ là chủ quan trong phòng chống dịch |
Tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch
Trong ngày 30/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 468 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 274 ca tại cộng đồng. Số ca mắc mới phân bố tại 28 quận, huyện, thị xã.
Đặc biệt trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ ngày 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 6514 ca mắc (trung bình 132,93 ca/ngày), trong đó 2479 ngoài cộng đồng (38,05%), 3001 tại khu cách ly (46,07%), 874 tại khu phong tỏa (13,41%), 24 ca nhập cảnh (2,47%).
Toàn thành phố đã giám sát 22.340 người đi về từ các tỉnh, thành có dịch trong cả nước, trong đó đi bằng máy bay (11.430), tàu hỏa (4320), ô tô, xe khách (4285), phương tiện cá nhân (2305), đã phát hiện 279 trường hợp dương tính.
Trong ngày, toàn thành phố đã xét nghiệm được 29.234 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 468 trường hợp dương tính. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện xét nghiệm 13.158 mẫu, phát hiện 254 trường hợp dương tính. Các bệnh viện trong ngành xét nghiệm 16.076 mẫu, phát hiện 214 trường hợp dương tính.
Hiện tại các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 và 12 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội cùng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị cho 4.208 bệnh nhân Covid-19.
Về công tác tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm được 12.100.335 mũi vắc xin cho người trên 18 tuổi.
Kết quả tiêm cho người trên 50 tuổi, toàn thành phố có 2.124.223 người, đã có 1.862.198 người được tiêm mũi 1, đạt 87,66 %, 1.745.117 người được tiêm mũi 2, đạt 82,15%.
Ngày 30/11, toàn thành phố tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-14 tuổi, kết quả trong ngày tiêm được 31.884 mũi tiêm. Tính từ ngày 27/11 đến nay, đã có 143.103 mũi tiêm được thực hiện trên tổng số 394.045 trẻ, đạt tỷ lệ 36,3%, sử dụng 141.469 liều vắc xin.
Kết quả tiêm vắc xin cho trẻ 15-17 tuổi, trong ngày tiêm được 2225 mũi tiêm. Tính đến hết chiều ngày 30/11, toàn thành phố tiêm được 283.250 mũi tiêm/307.799 trẻ đạt 92%, sử dụng 281.814 liều vắc xin.
Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch như giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; Điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; Xét nghiệm; Tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0 và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn đang được ngành y tế tích cực triển khai.