Cần linh hoạt trong từng ngành nghề
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021
Bài liên quan
Tăng tuổi nghỉ hưu, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ
Tăng tuổi nghỉ hưu: Có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động trẻ?
ĐBQH trăn trở việc tăng tuổi nghỉ hưu có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ
Quy định về tuổi nghỉ hưu chuẩn của nước ta từ năm 1961 đến nay vẫn giữ nguyên là nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi.
Tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, ưu điểm của quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay là không cào bằng đối với tất cả người lao động, mà có sự tính toán để quy định khác nhau giữa những người lao động làm việc trong những điều kiện lao động khác nhau, giữa người lao động bình thường và người lao động bị suy giảm khả năng lao động đến mức cần được nghỉ ngơi sớm hơn.
Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu ở nước ta, nhất là tuổi chuẩn vẫn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn lao động quốc tế và mặt bằng chung của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay chưa thực sự phù hợp với sự vận động, phát triển của đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam, tác động không tích cực tới khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, tới chi tiêu của ngân sách nhà nước và sự phát triển của thị trường lao động.
Là đơn vị quản lý hơn 3.000 lao động, đặc thù là hoạt động theo ca kíp, phần nhiều bộ phận xuất nhập khẩu đều làm việc về đêm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng cho biết, qua tham khảo ý kiến của đông đảo người lao động cho thấy: những người trực tiếp làm việc chân tay thì mong muốn tuổi nghỉ hưu giữ nguyên theo Bộ luật hiện hành, chỉ có một bộ phận nhỏ người lao động làm việc gián tiếp về chân tay thì đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật đưa ra.
Còn theo Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC Nguyễn Hoàng Lan, tâm tư nguyện vọng của người lao động trong Tổng công ty là tùy theo từng ngành nghề, vị trí mà tính tuổi nghỉ hưu. Chẳng hạn đối với những bộ phận phải xử dụng nhiều kỹ năng về mắt, tay, tai thì độ tuổi cao sẽ khó thực hiện. Vì vậy, ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng trong quy định tuổi nghỉ hưu đối với từng ngành nghề, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Rõ ràng, lựa chọn của người lao động rất đa dạng, có bộ phận muốn nghỉ hưu như độ tuổi hiện nay, những có nhiều người lại muốn kéo dài thời gian làm việc hơn khi họ đang có nhiều kinh nghiệm và muốn cống hiến tri thức, trí tuệ của mình nhiều hơn nữa.
PGS. TS Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng Khoa bảo hiểm, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải gắn với lộ trình hợp lý hóa công thức tính lương hưu. Cụ thể là phải thực hiện thống nhất thời gian tính tiền lương bình quân tháng làm căn cứ tính lương hưu, áp dụng mức tăng lương trung bình cho tất cả các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khi điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, cần nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu và những đối tượng có thể giữ nguyên như hiện nay hoặc được về hưu sớm trước tuổi quy định. Cùng với việc tăng tuổi nghỉ hưu, việc giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp tuổi già cũng sẽ góp phần mở rộng diện bảo vệ cho những người cao tuổi.
Ở chiều ngược lại, luật sư Nguyễn Văn Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, lại đề nghị cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu.
“Trong thời điểm hiện nay và trong tương lai gần, chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt như trong dự thảo. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn, không nên vội vàng”, luật sư Nguyễn Văn Hà nói.