Cần mạnh tay hơn nữa trong xử lý vấn nạn cuộc gọi rác
Nỗi ám ảnh thời công nghệ
Tin nhắn rác, cuộc gọi rác và lừa đảo đã làm mất đi niềm tin của người dùng về chất lượng dịch vụ của các nhà mạng. Người dùng phải đối mặt với hàng loạt thông điệp không mong muốn, quảng cáo gây phiền toái và những hình thức lừa đảo khác nhau. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng mà còn đe dọa sự riêng tư và an ninh của họ.
Chị Đoàn Thị Hiền (33 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi lạ chào mời đủ thứ dịch vụ, từ mời cho con tham gia lớp học tiếng Anh đến tư vấn đầu tư chứng khoán, cho vay tiền, thậm chí là thông báo có biên lai phạt tiền vi phạm giao thông... Sau khi nghe, tôi thường chặn cuộc gọi từ số điện thoại đó luôn nhưng đó chỉ là biện pháp tình thế của cá nhân tôi, chứ cuộc gọi nhiều, chặn không xuể, rất cần cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn”.
Cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo ngày càng xuất hiện nhiều (Ảnh minh họa) |
Cũng bị cuộc gọi rác làm phiền, anh Nguyễn Văn Thao, làm xe ôm tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội bức xúc: “Tôi chạy xe ôm công nghệ nên thường xuyên phải để ý điện thoại, phòng khi có khách gọi. Cũng vì thế, tôi lại càng bức xúc khi nghe những cuộc gọi rác chào mời dịch vụ, mua bán, nhất là những khi đang chạy xe ngoài trời nắng nóng. Không nghe không được mà nghe thì bức xúc”.
Thực tế, từ năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã đồng loạt triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác. Cùng với đó, các nhà mạng tăng cường giải pháp quản lý thông tin thuê bao di động, dừng phát hành thuê bao mới trên kênh phân phối, xử lý thuê bao “ảo”, thu hồi sim rác kích hoạt sẵn - được coi là yếu tố phát sinh cuộc gọi rác.
Kết quả là hàng trăm nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã được các nhà mạng xử lý, hàng triệu sim kích hoạt sẵn trên hệ thống phân phối bị thu hồi thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo lập thị trường viễn thông lành mạnh, an toàn.
Tuy nhiên, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin thuê bao, đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác. Hiện còn hơn 200.000 khách hàng sở hữu nhiều SIM; Còn nhiều cuộc gọi rác và khoảng 2.000 cuộc gọi lừa đảo/tháng.
Rõ ràng, để xử lý cuộc gọi rác, cơ quan quản lý và các nhà mạng phải nỗ lực và quyết liệt hơn nữa.
Thanh tra diện rộng việc quản lý, sử dụng sim di động
Để ngăn chặn tình trạng sim rác, từ đó thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thanh tra diện rộng việc quản lý, sử dụng sim di động trên cả nước.
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Trí cho biết, đã có 82 đoàn thanh tra thực hiện thanh tra diện rộng trong cả nước. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông lập 8 đoàn, các sở thông tin và truyền thông địa phương thành lập 74 đoàn thanh tra với sự tham gia của 445 cán bộ.
Phó Chánh Thanh tra Đỗ Hữu Trí thông tin về kết quả ban đầu trong việc thanh tra quản lý sim thuê bao |
Đến thời điểm hiện nay, 29 sở thông tin và truyền thông đã ban hành kết luận thanh tra và báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông, 34 sở vẫn đang trong quá trình xây dựng kết luận và báo cáo kết quả. Các đoàn thanh tra của Bộ đã kết thúc việc thanh tra tại các nhà mạng và đang dự thảo báo cáo kết quả.
Từ kết quả chung, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận một số lỗi sơ bộ ban đầu. Đó là, vẫn còn tình trạng một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong thời gian ngắn. Đặc biệt, có hiện tượng ảnh chủ thuê bao là người cởi trần hoặc không có ảnh chụp của chủ thuê bao. Nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ sim thứ 4 trở lên.
Cũng theo ông Đỗ Hữu Trí, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành tổng hợp kết quả thanh tra của các sở thông tin và truyền thông cả nước. Thanh tra Bộ sẽ đề xuất một số kiến nghị sửa đổi chính sách để việc quản lý thông tin thuê bao được tốt hơn.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại thực hiện hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác và quảng cáo rao vặt sai quy định.
Theo đó, Thanh tra Sở đề nghị tạm ngừng cung cấp dịch vụ 2 chiều, bao gồm cả chiều gọi đi và chiều gọi đến đối với các số điện thoại nhắn tin rác, cuộc gọi rác, quảng cáo rao vặt sai quy định. Trong trường hợp người dùng có thắc mắc, khiếu nại, các doanh nghiệp viễn thông có thể hướng dẫn chủ thuê bao liên hệ tới Thanh tra Sở để giải quyết theo quy định.
Theo Sở TT&TT Hà Nội, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã để tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác thì với hành vi “Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo”, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng. |