Cần mạnh tay với cách ứng xử lệch chuẩn trên mạng internet
Sẽ có bộ quy tắc ứng xử riêng dành cho nghệ sĩ Việt Nam Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, đảng viên |
Một bộ phận nghệ sĩ cần được “dạy” cách ứng xử văn hóa
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm ngành biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh. Hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài quy tắc ứng xử chung, ban soạn thảo đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, khán giả, ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có một buổi livestream đáp trả nữ CEO đăng đàn tố mình ăn chặn tiền từ thiện (ảnh chụp màn hình) |
Một vấn nạn được gọi là phát ngôn gây thù hận đang xuất hiện trên mạng xã hội không chỉ vi phạm pháp luật mà con vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến đời sống lành mạnh của xã hội. Đây thật sự là một vấn nạn cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
“Hãy luôn nhớ, Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm! Đừng bao giờ có suy nghĩ nào làm hại Đàm Vĩnh Hưng”… được xem là những phát ngôn đi vào lịch sử của Mr Đàm.
Đó chính là một trong số những câu nói thuộc “tuyển tập” phát ngôn gây “bão” mạng của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Đến thời điểm hiện nay, trong giới nghệ sĩ, có lẽ chỉ duy nhất “ông hoàng nhạc Việt” mới có đủ can đảm để thốt ra những câu nói “đi vào lịch sử” thế này.
Vừa qua, khi sự việc một nữ CEO lên mạng livestream tố Đàm Vĩnh Hưng ăn chặn tiền từ thiện xảy ra, ngay lập tức Mr Đàm đã thực hiện livestream và gửi đến bà lời hồi đáp, không quên kèm theo những phát ngôn đầy thách thức. Đi cùng với sự việc này, cư dân mạng bắt đầu đào lại loạt phát ngôn sốc óc mà chỉ có duy nhất một mình ông hoàng nhạc Việt mới có khả năng để thốt ra: “Tôi không lấy 50 tỷ. Tôi chỉ lấy 1 viên kim cương mà tôi thích trong số kim cương thật của cô”.
Ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia Quản trị và Truyền thông văn hóa nhận định, bộ quy tắc dành cho nghệ sỹ sẽ có những tác dụng nhất định với cách hành xử, ứng xử của họ. Trước hết cần một khung thảo luận về chủ đề này.
“Việc xử phạt phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn, song song với đó là sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng, sự tự giác của những người có liên quan. Không thể phủ nhận sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng cũng là một biện pháp rất hiệu quả. Ngoài ra, cần đưa ra xử nghiêm một số vụ để làm gương”, ông Thành nêu.
Ông Thành cũng nhắc tới thực tế “thanh lọc” nghệ sĩ rất gắt gao ở Trung Quốc, coi đó như bài học để Việt Nam tham khảo. Việc lựa chọn diễn viên, khách mời tham gia phim ảnh, gameshow cần căn cứ thêm về tiêu chí đạo đức, nhận thức chính trị, trình độ nghệ thuật cũng như sự đánh giá của xã hội.
Mạng xã hội không phải là nơi bạ đâu nói đấy
Trên mạng xã hội, trong lúc livestream bán hàng hồi tháng 8 năm ngoái, Huấn “Hoa hồng” – một trong những giang hồ mạng – vu khống 80% cán bộ, công chức thành phố HCM sử dụng ma túy. Kết quả là Huấn “Hoa hồng” đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.
Một cá nhân (bên phải) đăng tải thông tin sai sự thật về công tác bầu cử trên Zalo đã bị xử phạt |
Tháng 2/2021, Ngô Thùy T (SN 1989, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) lên facebook cá nhân chửi rủa cán bộ, Nhân dân Hải Dương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại cơ quan Công an, T đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và chủ động gỡ bỏ bài viết cũng như đăng tải nội dung xin lỗi mọi người về hành động của bản thân. Công an quận Cầu Giấy đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chị Ngô Thùy T. về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" theo điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Khảo sát của chương trình nghiên cứu internet và xã hội thời gian qua cho thấy, gần 80% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Các biểu hiện cơ bản là: Kì thị dân tộc (37,1%), giới tính (29,03%), tôn giáo (15,09%), khuyết tật (21,76%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,59%), nói xấu, phỉ bang (61,68%).
Tháng 7/2021, lần đầu tiên trong lịch sử, Liên minh Châu Âu tuyên bố áp dụng các quy định truyền phát chung với các mạng xã hội facebook, youtube, Twister. Theo đó các nền tảng này phải có biện pháp ngăn chặn những nội dung bị gắn cảnh báo kích động bạo lực, thù hận… Theo nhiều chuyên gia, đó cũng là giải pháp cần được đẩy mạng tại Việt Nam. Tăng cường trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bày tỏ: “Bằng các công cụ công nghệ, ví dụ như thanh lọc và báo động các hành vi tiêu cực. Nếu sự cảnh báo đó kém hiệu quả thì ngăn chặn là giải pháp hiệu quả và cần được bổ sung vào”.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, tội Làm nhục người khác có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, tội Vu khống có thể bị phạt tù từ 1 – 3 năm, tội Gây rối loạn tâm thần hoặc là làm nạn nhân tự sát có thể bị phạt tù từ 2 – 5 năm.
Ngày 17/6/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông ký ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT về việc Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này đề ra những yêu cầu chung cho 3 nhóm đối tượng: Cơ quan nhà nước và nhân sự thuộc quản lý của cơ quan nhà nước; Tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Để có được sự trong sạch của cộng đồng mạng cần có sự chung tay của các cộng đồng, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của chính mỗi người chúng ta. Hãy là người chia sẻ có trách nhiệm, cẩn trọng trong mỗi phát ngôn của mình.