Cân nhắc thêm quy định không đặc xá cho những trường hợp tái phạm
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật vì phù hợp với tổng kết thực tiễn thực hiện đặc xá thời gian qua; căn cứ các quy định của Luật, Chủ tịch nước sẽ quyết định thời điểm đặc xá cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ mới quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, do đó nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể về sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện.
Thảo luận tại Quốc hội sáng 11/6
Về trường hợp không được đặc xá, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nêu ý kiến “Điều 11 dự thảo, Luật Đặc xá năm 2007 quy định trường hợp không đề nghị đặc xá đối với trường hợp đã được đặc xá. Dự thảo lần này đã bỏ quy định trên, theo tôi chưa phù hợp. Theo quan điểm của tôi, đặc xá là đặc ân đặc biệt của người đứng đầu nhà nước đối với những người bị kết án đã có quá trình cải tạo lao động, rèn luyện và ý thức cải tạo tốt được sự khoan hồng của nhà nước. Tuy nhiên, chính sách đặc xá chỉ phát huy hết ý nghĩa thiết thực khi người đã được đặc xá đã thực sự trở thành người công dân có ích cho xã hội nhưng người đã được đặc xá khi ở ngoài lại tiếp tục vi phạm pháp luật đã thể hiện sự coi thường pháp luật, ý thức cải tạo rèn luyện không tốt, do đó nếu để những đối tượng này tiếp tục được hưởng chính sách đặc xá sẽ tạo ra những việc không công bằng, không phát huy được ý nghĩa của đặc xá và chính sách nhân đạo của nhà nước đối với những người muốn hoàn lương. Theo tôi cần giữ nguyên quy định này như Luật Đặc xá năm 2007 là không đề nghị đặc xá đối với trường hợp đã được đặc xá”.
Đồng tình với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Hữu Chính, ĐBQH Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho biết “Đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định thêm trường hợp người chấp hành hình phạt tù đã từng được đặc xá, bởi lẽ theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Bộ luật Hình sự, có điều kiện pháp lý ràng buộc người được tha tù trước thời hạn phải được thực hiện nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Ví dụ, một người phải thi hành hình phạt 8 năm tù đã chấp hành được 4 năm, được quyết định tha tù trước thời hạn trong thời gian thử thách 4 năm lại có hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính 2 lần trở lên thì có thể bị Tòa án hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn và phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành là 4 năm. Đối với người được đặc xá thì không phải chấp hành hình phạt còn lại và không có điều kiện pháp lý ràng buộc nên có những trường hợp không tiếp tục rèn luyện, tái phạm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước”.
Giải trình làm rõ các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá, Luật Đặc xá (sửa đổi) được ban hành sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện đặc xá trong những năm qua. Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đã tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, các địa phương, cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và của cử tri, nhân dân.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo luật về một số các nội dung mà các đại biểu quan tâm như tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, thời điểm đặc xá, điều kiện được đặc xá, đối tượng được đặc xá, các trường hợp không đề nghị đặc xá, việc đặc xá đối với người nước ngoài, trình tự thực hiện việc đặc xá… Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan và nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự thảo luật này. Ban Soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan hữu quan sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 theo đúng chương trình của Quốc hội đã đặt ra. Tôi xin trân trọng cám ơn các vị đại biểu Quốc hội", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.