Cần phát triển Đại học Huế có bản sắc riêng, thế mạnh riêng
Sinh viên Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng lùi thời gian nhập học vì mưa lũ Đại học Huế: Trao giải cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” lần thứ 3 |
Tại cuộc làm việc, đã có nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo Đại học Huế và các trường thành viên. Các ý kiến tập trung vào việc kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tạo điều kiện để phát triển Đại học Huế thành đại học quốc giavà tăng cường đầu tư các nguồn lực để phát triển Đại học Huế thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao của vùng và của đất nước.
Trao đổi xung quanh mục tiêu, định hướng phát triển của Đại học Huế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định quan điểm ủng hộ với định hướng phát triển thành đại học quốc gia mà Đại học Huế đặt ra.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần phải xác định rõ ràng, phát triển Đại học Huế thành đại học quốc gia là vấn đề mô hình, thể chế, phương tiện, công cụ để phát triển Đại học Huế chứ không phải mục đích chỉ là đổi tên Đại học. Quan trọng là làm thế nào để có một Đại học Huế trong tương lai hùng mạnh, để khi nói tới đại học là nói tới Đại học Huế với danh tiếng và những đóng góp xứng đáng cho đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Đại học Huế |
Đánh giá cao những kết quả, thành tựu đã đạt được, cũng như bề dày truyền thống của Đại học Huế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trên nền tảng đó, Đại học Huế có thể vững bước trên chặng đường mới với những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai.
Chia sẻ về một số việc Đại học Huế cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc cần làm ngay trước mắt là xây dựng một tập thể đoàn kết, đoàn kết thực sự và thực chất. Để làm được điều đó, Đại học Huế cần rà soát lại hệ thống văn bản nội bộ đang có để làm sao tạo được “luật chơi công bằng nhất, kiến tạo nhất”; Luật chơi cần phải xây dựng trên nền tảng đồng bộ, công khai, minh bạch. Cùng với đó, sẽ là dịp để triển khai một bước trong phát triển tự chủ đại học.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, trong đó chuyển đổi lớn là thực hiện tự chủ đại học, cần thực hiện tự chủ đại học một cách thực chất nhất, có chiều sâu nhất, tự chủ không chỉ thể hiện ở việc thành lập hội đồng đại học, lên phương án tự chủ tài chính… mà quan trọng là quyền lực, sự vận hành đại học phải được xây đắp từ quyền lực chuyên môn, để quyền cao nhất của tự chủ đại học phải là tiếng nói chuyên môn.
Về yếu tố kết nối giữa các trường thành viên, Bộ trưởng cho rằng, nói tới một đại học đa ngành, đa lĩnh vực cần thiết phải có sự kết nối, chia sẻ, có tính hệ thống cao thì đa ngành, đa lĩnh vực đó mới có giá trị và tạo ra sức mạnh, nếu không sẽ chỉ dừng lại như một trường đại học nhiều ngành.
Ngay trong câu chuyện tự chủ, theo Bộ trưởng, nếu các trường thành viên cũng muốn được tự chủ như các trường bên ngoài thì sẽ tổn hại đến kết nối bên trọng, do đó tự chủ của các trường bên trong Đại học Huế phải khác các trường bên ngoài.
Nhắc tới những điểm khác biệt của tỉnh Thừa Thiên - Huế với các địa phương khác với nhiều bản sắc đặc trưng mà nơi khác không có, Bộ trưởng cho rằng, cần phải phát triển một Đại học Huế có bản sắc, có thế mạnh riêng; Trong đó lưu ý tập trung vào một số ngành khoa học sơ bản, khoa học sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, khoa học sự sống... Cần phát triển Đại học Huế thành một đại học có bản sắc, đặc sắc, thế mạnh riêng trên nền tảng những thứ đang có.
Chia sẻ về 3 “điều” trong sự chuyển đổi, phát triển nói chung của giáo dục đại học là Nhân - Nhân lực - Nhân tài, Bộ trưởng lưu ý, cần đặt nhiệm vụ của Đại học Huế trong vấn đề phát triển nhân tài; Hiện nay trong đề án phát triển Đại học Huế chưa nói đến chiến lược phát triển nhân tài. Bộ trưởng gợi mở một số nhóm, lĩnh vực là thế mạnh của Đại học Huế có thể quan tâm đào tạo nhân tài như nghệ thuật, thi ca, âm nhạc…
Về một số vấn đề khác Đại học Huế quan tâm như đầu tư tăng cường hạ tầng cơ sở vật chất, các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, phát triển đội ngũ… Bộ trưởng cho biết, trong 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục đã đề cập tới những vấn đề này. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm, tạo điều kiện để gia tăng nguồn lực đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, đây là việc cần phải có thời gian để thực hiện được.
Đại học Huế tiền thân là Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế ngày nay là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Đại học Huế hiện có 9 đơn vị thành viên; 152 ngành/chương trình đào tạo đại học, 102 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ. Có 9 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học và trên 10 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Giai đoạn 2016 - 2021, Đại học Huế đã đào tạo trên 40.000 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư; khoảng 7.000 thạc sĩ, hơn 200 tiến sĩ và khoảng 6.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II.
Đại học Huế có tổng 2635 giảng viên, trong đó có 297 GS và PGS, 887 tiến sĩ; Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 33%. Xếp hạng QS Asia - top các trường đại học Châu Á (top 350 các năm 2016, 2017; top 400 năm 2018 và top 500 năm 2019, 2020, top 401-450 ASIA năm 2021).