Cần quan tâm đầu tư, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ
Nhiều vướng mắc khi phát triển thị trường khoa học công nghệ
Tham gia thảo luận tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, phát triển thị trường khoa học công nghệ (KHCN) là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Theo đại biểu, trong thời gian qua, mặc dù tình hình thiên tai, dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã kế thừa, phát huy và nhân rộng tinh thần khởi nghiệp, đẩy mạnh KHCN, đổi mới sáng tạo với quyết tâm rất cao, được cử tri, Nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng cao.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan |
Thị trường KHCN được xem là có tính quyết định trong đổi mới mô hình tăng trưởng của nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc… Tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường KHCN liên quan chặt chẽ đến sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, HTX, hộ, trang trại… với các trường đại học, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, thị trường KHCN ở nước ta dù đã hình thành nhưng sự phát triển còn chậm hơn so với các thị trường khác.
Lý giải việc này, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, thể chế, chính sách phát triển thị trường KHCN ở nước ta còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa cung và cầu trên thị trường KHCN gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc.
Để thị trường KHCN phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, cả bên cung và bên cầu cần được quan tâm đầu tư nguồn lực, động lực và tạo điều kiện thích đáng. Đại biểu Nguyễn Thị Lan kiến nghị, Chính phủ và Quốc hội cần rà soát hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa, từ đó tạo nên sự phong phú cho thị trường KHCN.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Quốc hội cũng sớm quan tâm, rà soát sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, những rào cản pháp lý mà đã được các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp... góp ý trong chuỗi các hội nghị, hội thảo vừa qua, như các nghị định để thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 70, Luật Đầu tư công và các quy định chưa phù hợp khác.
Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức KHCN như giao nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu theo gói kinh phí, ít nhất 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm nghiên cứu khoa học có tiềm năng để thúc đẩy thị trường KHCN; Đổi mới cơ chế tài chính thanh quyết toán, đấu thầu trong các nhiệm vụ KHCN; Có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó; Thí điểm các mô hình doanh nghiêp trong trường đại học như mô hình hợp tác xã trong trường đại học và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác.
Cần đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức KHCN
Cũng theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, Chính phủ, Quốc hội cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo - nơi cung cấp sản phẩm KHCN cho thị trường KHCN.
Hiện nay ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho KHCN của Việt Nam rất thấp so với các nước. Đại biểu Nguyễn Thị Lan dẫn chứng số liệu của WB năm 2019, chi NSNN cho KHCN của Việt Nam chỉ khoảng 0,5% GDP, trong khi Thái Lan chi gấp 2 lần (1,14% GDP), Trung Quốc gấp 5 lần (2,4% GDP), CHLB Đức và Hoa kỳ gấp 6-7 lần, Hàn Quốc gấp gần 10 lần (4,8% GDP). Đồng thời, số cán bộ nghiên cứu khoa học trên 1 triệu dân của Việt Nam cũng thấp hơn các nước. Theo số liệu WB năm 2019, số người nghiên cứu khoa học/1 triệu dân của Việt Nam là 757 người; Trung quốc và Thái Lan gấp 2 lần (1.585 và 1.790 người); CHLB Đức gấp gần 8 lần…
Vì vậy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ rà soát quy hoạch các tổ chức KHCN, các trường đại học và viện nghiên cứu để có chiến lược đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng địa chỉ, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức KHCN; Cần tăng đầu tư kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN cho các viện nghiên cứu, các trường đại học nơi có đội ngũ nhân lực KHCN đông đảo, coi đây là cái nôi cho sự sáng tạo, đổi mới công nghệ.