Cần sự chung tay của toàn xã hội
Báo động tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng
Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội. Đa số các vụ việc liên quan đến thực hiện các hành vi đua xe trái phép, trộm cắp, đánh nhau gây mất trật tự xã hội.
Thông tin tại tọa đàm Phòng, chống vi phạm pháp luật của học sinh trên địa bàn quận Hà Đông chiều 10/3, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, do bị tác động, ảnh hưởng, chi phối vì mạng xã hội, bị tập nhiễm bởi các văn hóa độc hại, trò chơi điện tử, hành vi bạo lực, lối sống thực dụng, cộng với sự thiếu sự quan tâm, chỉ bảo kịp thời của cha mẹ,… đã ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Quang cảnh tọa đàm |
Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, quận đã ghi nhận 5 vụ việc liên quan đến học sinh vi phạm pháp luật, gồm 1 vụ gây rối trật tự công cộng, 1 vụ trộm cắp tài sản, 4 vụ xô xát đánh nhau. Đáng nói, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng học sinh cùng một số thanh niên hư bỏ học, tụ tập đông người, đuổi đánh nhau có sử dụng hung khí, gây mất trật tự công cộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) và môi trường giáo dục.
Điển hình, vào ngày 12/2/2023, qua công tác tuần tra kiểm soát trên địa bàn, Công an quận Hà Đông phát hiện trên đoạn đường Lê Trọng Tấn, thuộc địa bàn phường Dương Nội có một tốp khoảng hơn 30 thanh niên đi thành đoàn trên 20 xe máy các loại không đeo biển kiểm soát, các xe đều bật xi nhan trái, các đối tượng trong đoàn đeo khẩu trang, đeo khăn đỏ ở tay, mang theo nhiều loại hung khí như tuýp sắt hàn phóng, tuýp sắt vót nhọn, đao, vỏ thủy tinh,... phóng nhanh, đánh võng, hò hét, bấm còi gây mất an ninh trật tự. Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ 24 đối tượng có liên quan đến vụ việc trên, trong dó có 18 đối tượng đang là học sinh.
Trách nhiệm không của riêng ai
Điểm đặc biệt trong tọa đàm Phòng, chống vi phạm pháp luật của học sinh trên địa bàn quận Hà Đông không chỉ có các học sinh là cán bộ lớp, cán bộ đoàn mà còn có sự tham dự và chia sẻ của 34 học sinh vi phạm pháp luật. Sự chia sẻ của các em đã gióng hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ, trực tiếp, trực diện đến các em học sinh cùng trang lứa, từ đó hiệu quả tuyên truyền được nâng cao.
Chia sẻ về lý do dẫn đến những hành vi vi phạm, em N.Đ.A, từng vi phạm pháp luật, cho biết: “Lý do chủ yếu liên quan đến vấn đề hiện tượng mạng. Các bạn thường xuyên lên mạng để cãi, chửi nhau rồi từ đó dẫn đến những lời thách thức, hẹn nhau trực tiếp để giải quyết mâu thuẫn”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông phát biểu tại tọa đàm |
Cô Phùng Thu Hường, giáo viên trường THPT Hà Đông nhận định: “Sau khi nói chuyện với các học sinh vi phạm pháp luật, tôi nhận thấy trong thâm tâm, các em không có ý đồ xấu nhưng hiểu biết của các em còn hạn chế. Ví dụ có em nói khi thấy bạn mình bị đánh, em đơn giản chỉ đứng ra bênh và thấy việc gây gổ, đánh nhau như vậy hoàn toàn bình thường”.
Ngoài nguyên nhân chủ quan do chưa có nhận thức đúng đắn của chính các đối tượng vi phạm, sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội chưa triệt để cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên đáng báo động như hiện nay.
Thực tế ngày nay, vấn đề giáo dục con cái trong nhiều gia đình chưa thực sự được chú trọng, quan tâm do tập trung thời gian lo cuộc sống mà giao việc giáo dục con cái cho nhà trường cùng câu nói “Trăm sự nhờ cô”.
Về phía nhà trường, có thể nhận thấy, trong những năm qua trong môi trường giáo dục còn tồn tại một số tiêu cực. Chính những tiêu cực này đã hình thành trong các em học sinh những nhận thức sai lệch về chuẩn mực xã hội, dẫn đến sự chán đời, lười học, bỏ học; Từ đó nảy sinh tình trạng tụ tập, đàn đúm, thực hiện các hành vi phạm tội.
Nhìn xa hơn, việc kết hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và các tổ chức quần chúng ở phố, thôn, xóm,... vẫn chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo thành khâu đồng bộ khép kín. Bên cạnh đó, mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến các em. Bởi các em là đối tượng còn thiếu kỹ năng sống, thiếu nhận thức để có thể lựa chọn cho mình những kiến thức, nguồn tin lành mạnh. Tuy vậy việc quản lý của các cơ quan liên quan cùng gia đình, nhà trường lại chưa thực sự chặt chẽ.
Đẩy mạnh công tác giáo dục phòng ngừa
Với tình trạng thanh thiếu niên phạm tội đang ở mức “báo động đỏ” như hiện nay, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Công an quận đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, Ban giám hiệu các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với mô hình chuyên đề “Hành trình mái trường an toàn" cho 46.000 cán bộ, giáo viên, học sinh.
Cụ thể, quận đã tổ chức 31 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, nội dung thiết thực, phù hợp với lứa tuổi như: Luật an toàn, an ninh mạng; Phòng chống bạo lực học đường; Phòng chống ma tuý, An toàn giao thông… được các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh đồng tình, ủng hộ.
Chia sẻ một số biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân tránh khỏi cám dỗ, em Nguyễn Mai Diệp, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) cho biết: “Em luôn có ý thức đề cao cảnh giác, không để kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng; Kịp thời báo cáo cho thầy cô giáo, người lớn biết những người lạ mặt vào trường mà có hành vi, thái độ không rõ ràng, minh bạch; Không xem, lưu truyền văn hóa phẩm đồi trụy; Có ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, quy chế, nội quy của trường học”.
Em Nguyễn Mai Diệp, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn phát biểu tại tọa đàm |
Tại tọa đàm, Công an quận Hà Đông cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là cho thanh thiếu niên về việc chấp hành pháp luật, giảm thiểu tình trạng phạm tội ở người trẻ. Cụ thể, Công an quận sẽ tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động sự vào cuộc của tất cả các ban ngành, đoàn thể, tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục phòng ngừa.
Khi xảy ra các vụ án, vụ việc có đông thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh tham gia, cơ quan chức năng cần phối hợp, nghiên cứu áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp; Khẩn trương tổ chức điều tra, đưa ra xét xử các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích nhằm tuyên truyền và răn đe với các đối tượng khác.
Về phía gia đình và xã hội, cần quan tâm đến tâm lý lứa tuổi, có biện pháp giáo dục phù hợp để tạo sự gần gũi, chia sẻ từ các em. Hơn hết, chính quyền địa phương cùng với nhà trường, gia đình, các cơ quan chuyên môn cần chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức, hình thành “tấm khiên” vững chắc bảo vệ các em trước cám dỗ.