Cần thảo luận nghiêm túc về việc xây dựng công trình văn hóa tầm cỡ
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu văn hoá và các kiến trúc sư “lão làng” đã nêu ý kiến quanh quy hoạch này.
Đầu tư cho văn hoá là phù hợp với lịch sử cũng như là nhu cầu, là động lực để đất nước phát triển
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế PGS.TS Trần Đình Thiên thì việc xây dựng một công trình văn hóa đẳng cấp thời điểm này là vấn đề phải được đặt ra và thảo luận nghiêm túc. “Đừng mãi theo phương cách cổ truyền: "Cơm chưa no đã đi nhảy múa". Đấy là cách nghĩ có phần hợp lý trong điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cách nghĩ ấy là cách nghĩ phần nhiều hướng về quá khứ chứ không phải cách nghĩ cho tương lai.
Chúng ta hãy nâng cao giá trị con người lên, kéo đất nước đi cùng thế giới. Thời gian triển khai thực tế có thể lùi lại một tý, nhưng câu chuyện thảo luận vẫn phải đặt ra, phải bàn luận sớm. Thậm chí tôi nghĩ, ai mà "điên rồ" đứng ra làm việc này bây giờ thì Hà Nội phải chớp ngay thời cơ. Nếu ai sẵn lòng làm, thì hưởng ứng luôn đi”.
Ông chia sẻ thêm: “Gần đây, chúng ta bàn nhiều đến công nghiệp văn hóa, đặc biệt là Hà Nội, để phát triển kinh tế thị trường và hội nhập mở cửa. Tôi cho rằng, Hà Nội đang bàn đúng hướng, đất nước này đang bàn đúng hướng”.
PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định Hà Nội đang bàn đúng hướng về công nghiệp văn hóa |
Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Đình Thiên, Giáo sư sử học Dương Trung Quốc khẳng định, đã được 70 năm tính từ ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng, chúng ta chưa có một công trình nào thực sự xứng đáng, và đầu tư cho văn hoá là điều phù hợp với lịch sử cũng như là nhu cầu, là động lực để đất nước phát triển.
“Thời đại của chúng ta cho thấy rất rõ rằng văn hóa là một nguồn lực, là động lực mà đôi khi ta phải nói ngược lại là "lễ nghĩa sinh phú quý". Điều đó chứng minh không chỉ riêng ta mà cả trên thế giới, sức mạnh văn hóa - sức mạnh mềm - nhiều khi còn lớn hơn cả sức mạnh cứng, hơn cả vũ khí, hơn cả tiềm lực kinh tế. Đương nhiên nó phải đi đôi với nhau, nó là sự hỗ trợ, tương hỗ với nhau”, Giáo sư Dương Trung Quốc chia sẻ.
Cần học Bắc Kinh, Singapore… để tạo nên những công trình để đời
Trong quy hoạch khu vực bán đảo Quảng An, nhà hát nổi trên hồ Đầm Trị là dự án nhận được quan tâm nhiều nhất. Có nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, thiết kế, và cũng nhiều người cảm thấy nghi ngờ, e ngại là mượn không gian đấy để thực hiện những "lợi ích nhóm" nào đó, khi dự án được sử dụng nguồn vốn xã hội hoá và hiện đang cân nhắc sử dụng thiết kế của kiến trúc sư người Ý Renzo Piano.
Thực tế, nhà hát là một công trình thuộc quần thể không gian văn hoá tại trung tâm bán đảo Quảng An, cùng với rất nhiều công trình điểm nhấn khác như trục đường đi bộ, quảng trường lớn, không gian triển lãm nghệ thuật, khuôn viên cây xanh kết nối với khu vực tâm linh…
Về vấn đề dùng chi phí xã hội hoá để thực hiện dự án, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng với công trình biểu tượng của thủ đô, quốc gia thì hình thức vốn xã hội hóa là điều tất yếu, quan trọng là chọn được những nhà đầu tư có tính chuyên nghiệp cao, tương xứng với vị trí công trình.
“Theo tôi, các doanh nghiệp không phải không có tinh thần cống hiến. Khi đạt tới mức độ nào đó, họ cũng muốn để đời một cái gì đó, thực tế công trình lớn trên thế giới đều tương tự, mang dấu ấn cá nhân, nhân vật nào đó”, ông Dương Trung Quốc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đã 70 năm tính từ ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng, chúng ta chưa có một công trình văn hóa xứng đáng |
Theo quy hoạch của thành phố, nhà hát sẽ là một công trình điểm nhấn và trở thành biểu tượng văn hoá của thành phố Hà Nội cũng như cả nước. Để trở thành biểu tượng, thì vị trí, thiết kế và người làm nên thương hiệu cho nhà hát là hết sức quan trọng.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng ta cần học Bắc Kinh hay Singapore khi họ sẵn sàng mời những kiến trúc sư giỏi nhất thế giới đến xây ở những khu vực trung tâm nhất để tạo nên những công trình để đời và có đủ khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa hiện đại, đương đại.
Ông cũng nói thêm: “Phải đầu tư vào thiết kế, người thiết kế phải thuộc hàng giỏi nhất thế giới. Và ta đừng lãng phí, việc chi tiêu cần thiết ta vẫn phải chi tiêu. Hiện Thủ đô Hà Nội như này mà chúng ta vẫn chưa có nổi một cái bảo tàng nổi tiếng”.
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn cũng khẳng định nhà hát là một công trình nghệ thuật kiến trúc mang tính biểu tượng văn hóa đỉnh cao trong các công trình kiến trúc. Nhà hát không chỉ thực hiện chức năng là nơi trình diễn nghệ thuật chất lượng cao mà còn là nơi trình diễn nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa đỉnh cao, là nơi đến của mọi người vì nền văn hóa và nghệ thuật.
“Với đặc trưng đó, công trình Nhà hát luôn đi cùng với tên tuổi, tài năng của kiến trúc sư giàu kinh nghiệm, có thành tựu mang tầm quốc tế. Kiến trúc sư Renzo Piano là người đáp ứng yêu cầu đó bởi các tác phẩm lừng danh của ông trên khắp thế giới, là điểm đến để chiêm ngưỡng của khách du lịch từ muôn phương”, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn cho biết
Đưa các công trình về đúng với vị thế và phải là biểu tượng của văn hóa, của đất nước
Liên quan tới vị trí quy hoạch khu trung tâm văn hoá nghệ thuật tại Hồ Tây, các chuyên gia đều cho rằng đây là việc đại sự. Hồ Tây chính là một viên ngọc của thủ đô, với nhiều di sản về văn hoá, tâm linh của người Hà Nội. Từ quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, có vài ý kiến mong muốn khu vực Hồ Tây được gìn giữ nguyên hiện trạng.
Theo các chuyên gia kinh tế và văn hoá, đã xây tại khu vực Hồ Tây thì cần đưa các công trình về đúng với vị thế và phải là biểu tượng của văn hóa, của đất nước.
Xung quanh hồ Đầm Trị xuất hiện nhiều lán dựng tạm, nhà hàng lấn mặt nước, nguồn xả thải nhiều năm khiến màu nước chuyển màu nâu đục, trôi nổi rác rưởi |
Về hiện trạng tại khu vực Hồ Tây hiện nay, một số bài báo gần đây phản ánh tình trạng nước hồ ô nhiễm, thậm chí sen khó có thể sống hồ Đầm Trị, bên cạnh đó tình trạng lấn đất xây dựng kinh doanh tạm bợ đang khiến Hồ Tây đã mất đi vẻ đẹp nguyên bản.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Hồ Tây là một thắng cảnh tuyệt đẹp nhưng trong một thời gian rất dài chúng ta buông lỏng quản lý, biến nó thành một khu dân cư cực kỳ đông đúc. Trừ những công trình tín ngưỡng, tôn giáo mà chúng ta còn giữ lại được thì hầu như không có một công trình văn hóa nào cả.
“Nếu có một công trình văn hóa có kiến trúc mang tính đặc trưng, tiêu biểu, ở trình độ rất cao thì tôi nghĩ nó sẽ làm nâng giá trị của cả khu vực Hồ Tây lên. Và đó là điểm nhấn cho Thủ đô trong thời kỳ đang thu hút du lịch, đáp ứng nhu cầu văn hóa”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Dưới góc độ một nhà kinh tế học, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng khẳng định: “Khu vực Hồ Tây hiện giờ đang tổ chức phát triển rất lãng phí. Hồ Tây được ví như một viên ngọc, nhưng ngoài mấy cái nhà hàng nổi ra thì có gì khác không? Tây Hồ là vùng đất thiêng, có cảnh quan không gian, có bề dày văn hóa bởi những ngôi làng cổ ven hồ, có sen hồ tây, có huyền thoại về Dâm Đàm, Lãng Bạc… nhưng tất cả vẫn chưa thể khai thác phát triển đúng tầm. Cho nên, đừng ngại bàn luận hay vấp phải những ý kiến trái chiều. Ý tưởng nào tốt cho Hà Nội thì rất nên ủng hộ”.
Ở một góc nhìn khác về quy hoạch, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng Hồ Tây là vị trí thích hợp, mang tầm mới cho Hà Nội về một công trình văn hoá mới. Ông nói thêm: “Phải khẳng định khu vực đang xem xét xây dựng nhà hát phù hợp với định hướng quy hoạch nói chung và phù hợp với định hướng chỉ đạo 30 năm nay. Quy hoạch lần này là sự tái khởi động cần thiết và đáng hoan nghênh”.
Bản thiết kế Nhà hát Opera Hà Nội của KTS lừng danh người Ý Renzo Piano |
Củng cố cho lập luận về quy hoạch khu vực Hồ Tây, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá Giáo dục, cho rằng, xây dựng một công trình văn hoá lớn như nhà hát tại Hồ Tây - địa điểm này đã thuộc về quy hoạch, tức là đã được tính toán rất kỹ lưỡng rồi.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ: “Việc xây dựng một nhà hát opera ở Hồ Tây là một công trình hết sức quan trọng đối với Hà Nội, không chỉ tạo nên biểu tượng mới cho thủ đô, giúp phát triển văn hoá, mà còn tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa được tiến hành ở nhà hát này. Nhà hát Opera không có nghĩa là chỉ hát opera, câu chuyện này rất quan trọng”.